Thủ khoa đi chăn lợn và thực tế phũ phàng: học càng cao, sở hữu bằng giỏi – tỷ lệ thất nghiệp càng lớn
12.10.2017 5129 bientap
Theo số liệu thống kê, đến hết quý II/2017, cả nước có hơn 1 triệu lao động đang thất nghiệp, trong đó có đến 183.000 lao động có trình độ đại học trở lên, tăng hơn 44 nghìn lao động so với 3 tháng đầu năm…
Những ngày gần đây, sự việc một thủ khoa Đại học sư phạm đi… chăn lợn được báo chí phản ánh, một lần nữa lại phơi bày thực tế phũ phàng là: dù có bằng đại học, thậm chí là tốt nghiệp thủ khoa nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không tìm được việc làm phù hợp và đang chịu cảnh thất nghiệp.
Bùi Thị Hà tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 2016 và là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, khi về Hà Giang, Hà vẫn không thể xin được việc, dù sở hữu tấm bằng xuất sắc. Suốt 1 năm chờ việc, Hà chỉ biết kiếm thêm thu nhập từ việc bán hoa quả và chăn lợn.
Được biết, Hà sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Hà Giang thuộc diện cận nghèo, bố đột ngột mất sớm, một mình mẹ Hà tần tảo nuôi 3 con ăn học. Tấm bằng thủ khoa xuất sắc nhận được là một sự nỗ lực rất lớn của bản thân Hà và gia đình.
Bùi Thị Hà đã gửi tâm thư đến Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ tìm việc làm phù hợp. Tâm thư của Hà khi được chia sẻ đã nhận được sự đồng cảm cao từ cộng đồng nhưng trước thực trạng thừa giáo viên của tỉnh này, Hà vẫn phải tiếp tục… thất nghiệp.
Bạn muốn xem thêm: Quá nhiều cử nhân thất nghiệp – Bài ca muôn thuở
Không chỉ là trường hợp của riêng Hà, năm 2013 – Đồng Thị Ngân (Hải Phòng) – sinh viên Đại học Thương mại – lọt danh sách 123 thủ khoa đại học xuất sắc nhất được thành ủy Hà Nội vinh danh – vẫn không tìm được công việc đúng ngành nghề sau 3 năm ra trường, đành phải làm công việc phổ thông để có thu nhập trang trải cuộc sống. Hay trường hợp của Chu Thị Yến (Bắc Giang) – thủ khoa đầu vào và đầu ra khoa Điện – Điện tử trường Đại học giao thông vận tải sau 3 tháng “rải hồ sơ” vẫn không tìm được việc làm phù hợp, với hoàn cảnh gia đình khó khăn đành phải về quê làm lao động phổ thông.
Dường như câu chuyện thủ khoa thất nghiệp đã trở nên “quen thuộc” đến nỗi tồn tại một thực tế phũ phàng: học càng cao, sở hữu bằng giỏi thì tỷ lệ thất nghiệp càng lớn. Vậy nguyên nhân là do đâu? Trả lời cho câu hỏi này, thầy Ngô Quý Nhâm – Trưởng bộ môn Quản trị nguồn nhân lực, Đại học ngoại thương Hà Nội cho biết:
- Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do các trường đại học hiện nay vẫn duy trì phương pháp đánh giá năng lực của sinh viên dựa vào khả năng “học thuộc lòng” chứ không phải là khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó mà bằng có giỏi hay xuất sắc thì vẫn lạc lõng với thực tế.
- Nhiều sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi ra trường thường tự “ảo tưởng năng lực” của bản thân nên rất kỳ vọng về chế độ đãi ngộ, vì thế mà rất khó để tìm được việc làm phù hợp.
- Có rất nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu định hướng nghề nghiệp, không biết bản thân mình muốn theo nghề gì và học ngành gì nên “chọn đại” ngành học. Thêm vào đó lại không tập trung trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết (Tiếng Anh, Tin học, giao tiếp…) nên khi ra trường không thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo
Để không lọt vào danh sách những lao động trẻ, có trình độ nhưng lại thất nghiệp, bản thân các bạn trẻ cần phải chủ động, dám chấp nhận thử thách mới để có những được những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn… và không bị mang danh là thất nghiệp.
Ms.Công nhân