Từ chuyện Apple, Foxconn bị tố bóc lột người lao động ở Trung Quốc, nhìn về thực trạng công nhân của Việt Nam
10.09.2019 5801 vi.vothanh
Mới đây, Apple và Foxconn tại Trung Quốc bị tố buộc vi phạm quy định về Luật sử dụng lao động, theo đó hàng chục ngàn công nhân bị bóc lột sức lực nặng nề. Liệu đây có phải là tình trạng chung của người lao động trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu công nhân Việt Nam?
Nhà máy sản xuất iphone lớn nhất thế giới vi phạm luật lao động tại Trung Quốc
Một bảng báo cáo của Tổ chức giám sát lao động Trung Quốc cho biết chỉ 50% công nhân Foxconn ở Tịnh Châu được ký hợp đồng tạm thời, bị ép buộc làm ngoài giờ và không được bảo hộ lao động đúng mức.
Ở thời điểm hiện tại, số lượng nhân công tạm thời của Foxconn (đối tác sản xuất của Apple) chiếm 50% lực lượng lao động. Trong số đó, sinh viên thực tập chiếm đến 30%. Được biết, luật lao động của Trung Quốc cho phép công nhân lao động thời vụ chỉ được chiếm 10% trên tổng số. Như vậy, trong trường hợp này, Foxconn đã lạm dụng quá mức người lao động cho việc gia công sản xuất.
Đồng thời, tổ chức giám sát lao động của Trung Quốc cũng phát hiện điều kiện làm việc tại đây vi phạm quy định của Apple cũng như một số điều luật khác. Cụ thể, công nhân Foxconn không được duyệt đơn nghỉ việc vào mùa cao điểm. Công nhân là sinh viên vẫn phải làm thêm ngoài giờ. Theo thống kê, lao động ở đây phải làm việc tăng ca hơn 63 giờ/tháng, trong khi Trung Quốc quy định giờ làm thêm không được vượt 36 giờ/ tháng.
Nhiều công nhân chia sẻ rằng mình nộp đơn xin không làm việc ngoài giờ thì không được phê duyệt. Tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng quản lý quát nạt, chửi mắng công nhân, các vụ tai nạn lao động đều bị phớt lờ. Thậm chí công nhân tham gia họp vào lúc nửa đêm vẫn không được tính vào giờ làm, sẵn sàng cắt bỏ những chi phí lương thưởng thời vụ mặc dù đã hứa hẹn trước đó nhiều lần.
Nguyên nhân của tình trạng bóc lột sức lao động công nhân
Quay trở lại với Foxconn, doanh nghiệp này đang nỗ lực đạt chỉ tiêu sản xuất 12.000 iphone mỗi lần xuất xưởng nên tình trạng bóc lột sức lao động của người lao động kéo dài nhiều ngày. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc khiến Apple bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp này đang tìm cách chuyển đổi các phí tổn từ cuộc chiến thương mại vào môi trường lao động, mà cụ thể người chịu thiệt thòi chính là công nhân. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay tại nước ta, bởi quá trình phát triển, doanh thu phần lớn phụ thuộc vào năng suất làm việc của nhân công.
Sở dĩ, các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không muốn thuê nhân viên chính thức bởi người ký hợp đồng tạm thời sẽ nhận lại ít quyền lợi hơn. Cụ thể, họ sẽ không phải chi trả cho công nhân chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau…
Tuy vậy, muốn trở thành công nhân chính thức thì người lao động phải thử việc 3 tháng, trong khi lương lao động thời vụ lại cao hơn khiến nhiều người chấp nhận chịu thiệt thòi. Lợi dụng điểm yếu của công nhân thường cần tiền, các công ty hiện nay nâng cao mức lương thời vụ, vẽ ra những quyền lợi thu hút mọi người vào làm việc.
Đồng thời, tăng ca liên tục cũng mang lại mức thu nhập cao cho công nhân. Đối với bộ phận là sinh viên thời vụ, họ không cần làm việc lâu dài nên giấy tờ, hợp đồng không còn quan trọng. Họ chấp nhận mức lương thời vụ trong nhiều tháng kéo dài để có được thu nhập cao.
Sự thiếu hiểu biết của công nhân về luật lao động cũng khiến họ bị đàn áp, bóc lột sức lực. Thậm chí nhiều người còn bị đe doạ sẽ mất việc, không trả lương nếu lên tiếng, tỏ thái độ chống đối. Người lao động vốn dĩ thấp cổ bé họng nên tình trạng bóc lột sức lao động vẫn diễn ra nhan nhãn trong xã hội.
Nhìn lại thực trạng công nhân Việt Nam bị bóc lột sức lao động
Không chỉ riêng tại Trung Quốc, những năm trở lại đây, nước ta cũng nghiêm cấm hành vi doanh nghiệp bóc lột sức lao động của công nhân. Tuy nhiên, nhiều nơi lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cần việc từ người lao động đã ngang nhiên đưa họ “vào tròng”
Nổi trội nhất của bóc lột lao động là việc các doanh nghiệp Việt Nam không ký kết hợp đồng với công nhân, chỉ nhận làm việc thời vụ. Điều này giúp chủ đầu tư không cần phải chi trả bảo hiểm cho công nhân, không giải quyết các vấn đề phát sinh đau ốm.
Đồng thời, ở Việt Nam nhu cầu làm thêm của sinh viên tại các tỉnh thành cũng khá cao. Với tính chất công việc thời vụ, trả lương cao khi làm việc, doanh nghiệp không cần ký hợp đồng, lại được lợi cho cả đôi bên thì tình trạng lợi dụng sức lao động của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, một số nhà máy không giảm giờ làm cho người lao động có công việc nặng nhọc. Theo luật của nước ta, những ngành nghề nặng nhọc và độc hại như: cán nhôm nóng, đóng gói lẻ thuốc bảo vệ thực vật, hóa dầu...được giảm 1-2 giờ làm việc so với các nghề thông thường khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không giảm giờ làm cho người lao động, thậm chí còn tăng ca, làm việc với cường độ liên tục khiến công nhân không có thời gian nghỉ ngơi.
Hay hình thức tinh vi không tính tiền cho thời gian nghỉ giữa ca của công nhân cũng len lỏi trong một số nhà máy, xí nghiệp hiện nay của Việt Nam. Nhiều nơi khi cho công nhân nghỉ giữa ca để tiếp tục tăng gia sản xuất vào buổi tối vẫn không tính vào tiền lương. Điều này hao hụt của nhiều công nhân một khoản tiền không nhỏ. Sự thiếu hiểu biết về luật lao động khiến đối tượng này rơi vào tình cảnh bị bóc lột sức lực.
Một số quyền lợi công nhân về thời gian làm việc và hợp đồng lao động
Thời gian làm việc
- Thời gian làm việc bình thường của mỗi người không quá 8 giờ/ ngày và 48 giờ/tuần.
- Quy định về thời gian làm thêm: Số giờ làm thêm không quá 50% số giờ l ngày. Trong trường hợp áp dụng theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12h/ ngày.
- Thời gian làm việc ban đêm được tính từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau.
- Người sử dụng lao động chỉ được tăng ca khi được sự đồng ý của lao động.
- Với ngày nghỉ lễ, tết thì thời gian cũng không quá 12 giờ/ngày.
Hợp đồng lao động
- Đối với các công việc thuộc về công nhân kỹ thuật, trung cấp nghề, nhân viên nghiệp vụ thì thời gian thử việc không quá 30 ngày.
- Mức lương thử việc bằng ít nhất 85% mức lương chính thức.
- Khi hết hạn hợp đồng lao động, trong vòng 30 ngày, hai bên phải ký kết hợp đồng mới. Nếu không tiến hành ký thì đối với hợp động lao động theo mùa vụ sẽ trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời gian 24 tháng. Hoặc công nhân có thể tham khảo thêm “18 điều người lao động cần biết để “đòi” quyền lợi cho mình”
Tình trạng công nhân bị bóc lột xảy ra đầy rẫy ở nhà máy, khu công nghiệp hiện nay. Tuyencongnhan.vn e rằng nếu cứ tiếp tục kéo dài, người lao động sẽ như một con rối mặc cho doanh nghiệp điều khiển, đàn áp. Vì vậy, công nhân chỉ nên tìm việc ở các công ty có chính sách lương, thưởng, tăng ca rõ ràng. Đừng để bản thân bị bào mòn sức khỏe, lúc trẻ “dùng sức khỏe để kiếm tiền” rồi về già “dùng tiền để mua sức khỏe”.
Ms.Công nhân