10 Điểm mới về lương - thưởng áp dụng từ năm 2021 người lao động cần biết
25.11.2020 1503 bientap
MỤC LỤC
- ► Quy định mới về tính lãi suất tiền đền bù do chậm trả lương cho NLĐ
- ► Doanh nghiệp phải thông báo bảng kê trả lương hàng tháng cho NLĐ
- ► Doanh nghiệp phải chịu phí mở tài khoản ngân hàng nếu trả lương qua thẻ cho nhân viên
- ► Nếu không được trả lương đầy đủ và đúng hạn, người lao động có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước
- ► Lao động nữ mang thai làm công việc nặng nhọc được giảm 1 giờ làm việc/ ngày và hưởng nguyên lương
- ► Quy định về tiền lương ngừng việc do nguyên nhân khách quan
- ► Doanh nghiệp không được ép người lao động mua hàng hóa/ dịch vụ của mình hoặc đơn vị khác
- ► Thêm các trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng - hưởng nguyên lương
- ► Dịp Quốc khánh 2/9, người lao động được nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương
- ► Các hình thức thưởng cho người lao động
Từ ngày 1/1/2021, Bộ luật lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, nhiều quy định mới về lương - thưởng dành cho người lao động (NLĐ) cũng sẽ được áp dụng rộng rãi…
► Quy định mới về tính lãi suất tiền đền bù do chậm trả lương cho NLĐ
Trên nguyên tắc, doanh nghiệp phải trả lương đầy đủ - đúng hạn cho người lao động. Tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng nào đó, người sử dụng lao động có thể trả lương trễ hơn nhưng không được chậm quá 30 ngày.
Nếu doanh nghiệp trả lương trễ từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho NLĐ số tiền bằng với số lãi 1 tháng tương ứng cho mức tiền lương người lao động được nhận tại ngân hàng doanh nghiệp mở tài khoản để trả lương.
Ví dụ chị A bị trễ lương 20 ngày với mức tiền lương là 8 triệu đồng. Theo quy định mới thì công ty chủ quản của chị A phải trả thêm cho chị khoản tiền đền bù bằng với số tiền lãi nếu gửi tiết kiệm số tiền 8 triệu đồng này vào ngân hàng trong 1 tháng.
► Doanh nghiệp phải thông báo bảng kê trả lương hàng tháng cho NLĐ
Theo điều 95 bộ luật lao động mới, khi đến hạn trả lương, doanh nghiệp phải thông báo bảng kê trả lương cho nhân viên. Trong đó, ghi rõ các nội dung về: mức tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
► Doanh nghiệp phải chịu phí mở tài khoản ngân hàng nếu trả lương qua thẻ cho nhân viên
Hàng tháng, người lao động sẽ được trả lương bằng tiền mặt hoặc nhận chuyển khoản qua tài khoản cá nhân. Nếu trả lương qua ngân hàng, doanh nghiệp phải chịu mức phí liên quan đến mở tài khoản và chuyển tiền lương cho nhân viên.
► Nếu không được trả lương đầy đủ và đúng hạn, người lao động có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước
Cụ thể theo điểm b - khoản 2 - điều 35 bộ luật lao động 2019, người lao động có thể nghỉ việc không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả lương đầy đủ hoặc trễ hạn lương. Trừ trường hợp doanh nghiệp có lý do bất khả kháng và đã tìm mọi biện pháp khắc phục.
► Lao động nữ mang thai làm công việc nặng nhọc được giảm 1 giờ làm việc/ ngày và hưởng nguyên lương
Theo đó, lao động nữ mang thai làm các công việc được xếp vào nhóm (đặc biệt) nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nghề có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản, nuôi con khi mang thai thì sẽ được giảm 1 giờ làm việc/ ngày mà không bị cắt tiền lương và các chế độ phúc lợi. Hoặc lao động sẽ được chuyển sang làm công việc an toàn - nhẹ nhàng hơn. Để hưởng chính sách này, lao động mang thai phải chủ động thông báo cho doanh nghiệp biết để bố trí - sắp xếp công việc.
► Quy định về tiền lương ngừng việc do nguyên nhân khách quan
Trường hợp doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc do sự số điện - nước, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn…, người lao động vẫn sẽ được nhận tiền lương ngừng việc. Cách tính cụ thể như sau:
- Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì lương ngừng việc thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên, mức lương từ ngày ngừng việc thứ 15 do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận với nhau.
► Doanh nghiệp không được ép người lao động mua hàng hóa/ dịch vụ của mình hoặc đơn vị khác
Luật lao động mới quy định rõ, người sử dụng lao động không được can thiệp vào quyền chi tiêu lương của người lao động hay ép mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp hay đơn vị chỉ định khác.
► Thêm các trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng - hưởng nguyên lương
Người lao động sẽ được nghỉ việc riêng - hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:
- Bản thân kết hôn: nghỉ 3 ngày
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày
- Cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi - cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi của vợ hoặc chồng - vợ hoặc chồng - con đẻ/ con nuôi chết: nghỉ 3 ngày
► Dịp Quốc khánh 2/9, người lao động được nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương
Kể từ năm 2021, vào dịp lễ Quốc khánh, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương theo 1 trong 2 phương án do Thủ tướng Chính phủ quyết định: nghỉ vào ngày 1 và 2/9 hoặc nghỉ ngày 2 và 3/9.
► Các hình thức thưởng cho người lao động
Theo điều 104, căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc mà người lao động sẽ được thưởng tiền, tài sản hoặc các hình thức khác. Và quy chế thưởng này sẽ do doanh nghiệp quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động.
(Theo Người lao động)