4 Suy nghĩ sai lầm về XKLĐ Nhật Bản
17.06.2022 1313 doantrangbc
Nhật Bản vốn là thị trường chủ lực đối với xuất khẩu lao động ( XKLĐ) Việt Nam trong nhiều năm qua. Với lượng đơn hàng phong phú, mức thu nhập cao, môi trường làm việc đảm bảo…đã thu hút được mối quan tâm của nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn có những suy nghĩ sai lầm về XKLĐ Nhật Bản, cùng tìm hiểu 4 sai lầm thường thấy về XKLĐ Nhật Bản của người Việt:
Học tiếng không quan trọng
Không có một yêu cầu bắt buộc nào đối với ứng viên XKLĐ về việc thành thạo tiếng Nhật. Việc học tiếng Nhật tùy thuộc vào nghiệp đoàn và xí nghiệp đặt đơn. Nhiều lao động có suy nghĩ chỉ cần trúng tuyển và đi làm, biết một chút cơ bản là được, tuy nhiên việc trau dồi học thêm ngoại ngữ rất quan trọng không chỉ với riêng lao động ở Nhật mà còn đối với lao động ở bất kỳ một nước nào.
Trong quá trình sinh sống và làm việc của một lao động XKLĐ sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà nếu không biết sử dụng ngôn ngữ có thể bạn sẽ gặp phải những rắc rối không đáng có. Việc thành thạo ngoại ngữ còn giúp bạn có được những cơ hội việc làm tốt hơn cả khi ở bên Nhật và sau khi về nước.
Muốn nhanh giàu thì đi Nhật
Điều này không hẳn là sai vì mức thu nhập của lao động tại Nhật so với các nước khác có phần nhỉnh hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với yêu cầu về công việc khắt khe hơn, người lao động phải chịu nhiều áp lực, chưa kể chi phí sinh hoạt của từng vùng cũng tương xứng với mức lương họ nhận được.
Việc bạn có giàu hay không khi đi Nhật còn tùy thuộc vào đơn hàng đã chọn, hầu hết các công ty Nhật trả tiền theo giờ làm việc vì vậy thu nhập cao hay thấp còn tùy thuộc vào sự chăm chỉ của chính người lao động.
Hiện tại tỷ giá đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Tỉ giá hiện tại là 171 VND/1 JPY.
Việc đồng Yen trượt giá sẽ có lợi là chi phí sang Nhật sẽ đỡ tốn kém, nhưng cũng đồng nghĩa với số tiền tiết kiệm sau khi về nước của bạn cũng sẽ ít hơn.
Chọn những công việc nhẹ nhàng
Hầu hết lao động XKLĐ có xu hướng lựa chọn những đơn hàng trong nhà máy, phân xưởng, tránh những công việc được xem là vất vả, điển hình như xây dựng.
Trên thực tế là do người lao động hiểu sai về định hướng ngành xây dựng Nhật Bản, xuất phát từ cách nhìn của người lao động Việt vào môi trường ngành này tại Việt Nam, sự thiếu thốn trong đời sống sinh hoạt của những công nhân tại các công trường.
Đặc trưng công việc của ngành xây dựng thì ở đâu cũng có những khó khăn riêng, tuy nhiên nhìn chung công nhân xây dựng Nhật Bản có cuộc sống sinh hoạt được đảm bảo, tách biệt hoàn toàn với môi trường làm việc.
Ở Nhật, an toàn lao động là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Các công cụ, máy móc được sử dụng đều theo quy chuẩn an toàn thế giới, luôn có tuổi thọ và thời hạn sử dụng tối đa theo quy định an toàn lao động.
Tuy môi trường làm việc ở bên ngoài, thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết, nhưng ngành này cũng có những ưu điểm như nhu cầu tuyển dụng lớn, dễ dàng thi tuyển, mức lương cao hơn…
Việc lựa chọn một công việc tốt nhất trước khi tham gia XKLĐ là rất cần thiết, tuy nhiên người lao động nên có cái nhìn bao quát, chính xác hơn về từng ngành nghề tại Nhật Bản, tham khảo thêm tại Xuất khẩu lao động Nhật Bản nên chọn nghề gì? 5 nghề có mức lương “khủng” nhất
Cơ hội cho XKLĐ Nhật sau khi trở về
Nhiều bạn trẻ hiện nay mang suy nghĩ đi XKLĐ trở về sẽ dễ dàng để kiếm được một công việc tốt tại Việt Nam. Thực ra suy nghĩ này không hẳn là sai vì với lợi thế về ngôn ngữ và kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc tại Nhật sẽ mang lại những cơ hội tốt nếu bạn biết nắm bắt.
Việc làm để người Việt ở Nhật về nước có thể đảm bảo được sự ổn định hầu hết quay quanh một số lĩnh vực: tuyển dụng xuất khẩu lao động, du học, dạy tiếng Nhật và nó sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu hiện có.
Tiếng Nhật tuy là lợi thế nhưng bạn nên nhớ giới trẻ Việt Nam hiện nay rất năng động, việc tiếp xúc với ngoại ngữ - cụ thể là tiếng Nhật đã vô cùng dễ dàng và không hề thua kém những lao động Nhật Bản. Để cạnh tranh được bạn cần có định hướng ngay khi còn ở Nhật, nên đặt mục tiêu sự nghiệp mang tính lâu dài cho chuyến đi của mình chứ không phải chỉ để kiếm tiền.
Đi là để học hỏi và trải nghiệm được công nghệ mới, tiếp thu những kinh nghiệm, tác phong làm việc của người Nhật, từ đó nâng cao được trình độ bản thân trong cả công việc và Nhật ngữ.
Đoàn Trang