Nhận biết 5 dấu hiệu của công ty xuất khẩu lao động lừa đảo
22.06.2022 1321 doantrangbc
Khi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là lựa chọn thay đổi cuộc đời của nhiều bạn trẻ, các công ty XKLĐ cũng theo đó ra đời ngày càng nhiều. Trong số đó có không ít các công ty ma dùng các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những lao động cả tin, thiếu hiểu biết. Người lao động trước khi tham gia vào bất cứ công ty XKLĐ nào cần tìm hiểu kỹ, trang bị những những kiến thức cơ bản để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.
Những dấu hiệu của công ty XKLĐ lừa đảo
Không khó để nhận biết một công ty XKLĐ có dấu hiệu lừa đảo, tuy nhiên ngày càng có nhiều chiêu thức tinh vi lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lòng tin của người lao động để thực hiện các hành vi phạm pháp. Cùng điểm qua 5 dấu hiệu của một công ty XKLĐ lừa đảo.
1. Không có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm ở nước ngoài
Người lao động cần kiểm tra xem trung tâm có được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không. Nếu như không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép giả mạo là trái với quy định của pháp luật.
Tại Điều 11 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, quy định giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ của doanh nghiệp phải đảm bảo các nội dung sau:
- Số Giấy phép và ngày cấp Giấy phép;
- Tên doanh nghiệp;
- Mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Số điện thoại;
- Địa chỉ trang thông tin điện tử.
Giấy phép được điều chỉnh thông tin, cấp lại theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này.
2. Đưa ra mức phí môi giới thấp
Hiện có nhiều công ty có mức chi phí môi giới thấp, thậm chí 0 đồng để thu hút nhiều lao động nhẹ dạ cả tin, nhưng sau khi nộp hồ sơ họ sẽ đưa ra rất nhiều khoản thu vô lý khác, đẩy người lao động vào tình thế “ tiến thoái lưỡng nan” .
Chính vì vậy người lao động nên tỉnh táo, có thể xem thêm tại Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 và Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC về các khoản tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ và các khoản tiền khác như chi phí dịch thuật, chi phí học tập, ăn ở. Từ đó đối chiếu với những khoản mà trung tâm yêu cầu bạn đóng có phù hợp không.
3. Hứa hẹn công việc với mức lương hấp dẫn
Người lao động cần tham khảo qua nhiều nguồn thông tin khác nhau về mức thu nhập theo từng nước, từng ngành nghề cụ thể mình muốn ứng tuyển. Không nên tin vào những trung tâm có lời hứa hẹn về một mức lương quá cao so với thực tế.
Mức lương tại thị trường Nhật Bản: Mức lương bình quân khi đi XKLĐ tại Nhật Bản khoảng 25- 30 triệu/tháng. Trừ các chi phí bắt buộc như tiền bảo hiểm, thuế, phí nội trú… mức thu nhập trung bình còn lại rơi vào khoảng 15 -20 triệu/ tháng.
Thu nhập tại Hàn Quốc: Thông thường thu nhập của một người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc dao động trong khoảng 23 – 30 triệu đồng/ tháng. Trừ toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt người lao động sẽ tiết kiệm được 15 – 20 triệu đồng để gửi về cho gia đình.
Mức lương bình quân tại Đài Loan: Mức thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Đài Loan hiện nay khoảng khoảng 14 triệu đồng/tháng. Đối với những bạn ký kết trong hợp đồng được hưởng mức lương theo giờ thì khoảng 85.000đ/giờ làm việc.
4. Những hoạt động của công ty không rõ ràng, mập mờ
Không có quy trình đào tạo bài bản cho người lao động: Không có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, làm việc theo từng khâu, từng giai đoạn, tư vấn giải thích các thắc mắc không rõ ràng.
Thiếu hình ảnh thực tế về công ty và các hoạt động XKLĐ: Không có địa chỉ văn phòng cụ thể hoặc website chính thức để cung cấp các hình ảnh, thông tin về các hoạt động đào tạo và đưa người lao động sang nước ngoài.
5. Không có trung tâm đào tạo tiếng
Bất cứ công ty XKLĐ nào được Bộ LĐTB&XH cấp phép đưa người đi làm việc tại nước ngoài đều phải có trung tâm đào tạo tiếng cho người lao động. Nếu công ty không có hoặc dùng nhờ các cơ sở đào tạo tiếng thì người lao động nên xem xét lại.
Làm gì khi phát hiện bị công ty XKLĐ lừa đảo
Nếu không may gặp phải tình huống lừa đảo khi XKLĐ, người lao động cần bình tĩnh và thực hiện thủ tục tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ tố cáo bao gồm: Thư tố cáo; chứng minh thư nhân dân của người bị hại (bản sao công chứng); sổ hộ khẩu ( bản sao công chứng); đơn giải trình; những chứng cứ có liên quan khác về vụ việc.
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và đưa ra quyết định phù hợp.
Việc tố cáo công ty XKLĐ lừa đảo không chỉ giúp người lao động lấy lại những khoản tiền bị lừa, mà còn giúp đưa các công ty lừa đảo ra ánh sáng, chịu sự xử lý thích đáng của pháp luật.
Đoàn Trang