50 doanh nghiệp gỗ Đồng Nai kêu trời vì “không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường”
05.06.2017 2740 bientap
Hàng chục doanh nghiệp chế biến gỗ ở Đồng Nai đang phải kêu trời khi bị UBND TP.Biên Hòa ra quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động nhiều tháng. Điều khiến nhiều doanh nghiệp không phục ở đây chính là các căn cứ xử phạt được chính quyền đưa ra “chọi” nhau chan chát…
Trước đó, từ ngày 2/3 đến 28/4/2017, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Biên Hòa và phường Long Bình đã tổ chức kiểm tra 51 doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn phường. Nơi đây được biết đến là khu chế biến các sản phẩm từ gỗ rất sầm suất và hoạt động từ khá lâu.
Sau khi kiểm tra, đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng đối với 50 doanh nghiệp vì “không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, 11 doanh nghiệp bị xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 6 – 9 tháng”. Điều này khiến nhiều các doanh nghiệp vô cùng bức xúc.
Ông Hoàng Văn Khương cho biết: “Cơ sở chế biến gỗ của tôi đã hoạt động nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ nghe đến “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”. Đùng một cái, đoàn kiển tra xuống lập biên bản xử phạt hành chính vì vi phạm nghị định 155 và bị cấm hoạt động 9 tháng. Từ ngày bị cấm đến nay, anh em công nhân tản đi hết, tôi phải đi làm thuê, nhiều đơn hàng đã nhận trước đây không làm được nên phải bồi thường hàng chục triệu đồng”…
“Cơ sở của tôi bị phạt hàng chục triệu đồng rồi còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng. Thà có cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện mà chúng tôi không làm thì phạt là đúng. Còn đằng này chúng tôi chẳng hay biết gì cả mà đoàn xuống bảo vi phạm, phạt thì thật không công bằng.” – ông Trịnh Phúc Diễn bức xúc.
Bạn muốn đọc thêm: Những quy định mới có hiệu lực từ tháng 6/2017 công nhân cần biết
Điều tréo ngoe ở đây là những căn cứ được chính quyền đưa ra xử phạt lại chọi nhau chan chát. Nghị định số 155/2016 quy định về việc doanh nghiệp cần phải có bản kế hoạch bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Trong khi những nội dung trong nghị định chưa được tuyên truyền phổ biến để các doanh nghiệp được biết thì từ ngày 2/3 đoàn đã bắt đầu đi kiểm tra. Thế này thì chẳng khác nào “đánh úp” doanh nghiệp?
Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Trưởng VP Luật sư Hãng Hưng Yên), việc UBND TP.Biên Hòa đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp dựa trên cơ sở những điều khoản của nghị định 155 là trái với Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành năm 2012. Theo đó, chỉ được phép đình chỉ hoạt động khi các doanh nghiệp có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường… như hành vi xả thải, không xử lý chất thải. Vậy việc không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường thì có gây hậu quả nghiêm trọng như trên?
Khi nghị định và luật đã “chọi” nhau chan chát như thế này thì làm sao các doanh nghiệp có thể tâm phục, khẩu phục mà chấp hành theo?
Xem thêm: Lao động từ Nhật Bản về nước vẫn có cơ hội làm việc với mức lương nghìn đô
Ms.Công nhân