9 điều cần lưu ý khi đi xe máy về quê ăn Tết

28.11.2024 8241 vi.vothanh

Thay vì tất bật tìm mua vé máy bay hay vé tàu xe, nhiều sinh viên, công nhân chọn phương án tự lái xe máy đưa cả nhà về quê ăn Tết. Vậy cần lưu ý gì khi lái xe đường dài để đảm bảo an toàn? Dưới đây là một số tips hữu ích được Vieclamnhamay.vn tổng hợp và chia sẻ đến bạn.

lưu ý khi đi xe máy về quê ăn tết
Cần lưu ý gì khi đi xe máy về quê ăn Tết?

Tại sao công nhân chọn tự lái xe máy về quê ăn Tết?

Đi máy bay hay xe khách, tàu hỏa tuy có phần tiện và khỏe hơn về sức lực, không phải mang vác đồ đạc cồng kềnh nhưng chi phí lại đắt đỏ, chưa kể có thể xảy ra nạn chặt chém, mua phải vé giả hay nhồi nhét, lái xe chạy ẩu... Nhiều người vì thế mà chọn cách tự lái xe máy vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số để về quê mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, như nghỉ Tết Nguyên đán. Phần vì để tiết kiệm chi phí, phần vì thoải mái hơn về mặt giờ giấc, thời gian, tự do trong việc dừng - nghỉ - hay đi tiếp, thay vì chật vật chạy trước quên sau cho kịp giờ xe chạy. Ngoài ra, lựa chọn chạy xe máy về quê là phương án "chữa cháy" sau cùng của một số người, vì hết vé Tết để mua. Hoặc cũng có thể là thú vui hay hay của nhiều lao động trẻ thích băng băng trên con xe đi qua những cung đường xinh, được trang hoàng đẹp mắt dịp Tết, lắm thảnh thơi lại nhàn nhã...

Tuy nhiên, việc lái xe di chuyển một quãng đường khá xa tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn, lại mất sức, chưa kể thời tiết thất thường, chở hành lý, quà cáp lỉnh kỉnh cũng gây ra không ít phiền toái. Rồi giao thông những ngày cuối năm vô cùng đông đúc, rất hay ùn tắt, nhiều xe còn phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách vô cùng nguy hiểm. Hiểu được tâm lý e dè và lo sợ của nhiều người, dưới đây là một số lưu ý cho sinh viên, công nhân khi đi xe máy về quê ăn Tết.

Lưu ý gì khi đi xe máy về quê ăn Tết?

Dù tự tin vào kỹ năng lái xe và kinh nghiệm phượt, lái xe đường dài của mình thì cũng không được lơ là trong khâu chuẩn bị và điều khiển phương tiện suốt chuyến đi, tránh chủ quan gây nên những phiền toái, tai nạn không mong muốn. Dưới đây là một số lưu ý cần thiết và tối thiểu nhất đảm bảo lái xe an toàn:

►Chọn loại xe phù hợp

Dĩ nhiên là sử dụng xe đang chạy thường ngày vẫn là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, không phải loại xe nào cũng an toàn và mang lại chất lượng chuyến đi cao. Chẳng hạn: xe số sẽ luôn phù hợp với mọi dạng địa hình trong khi xe ga lại khó kiểm soát nếu phải leo - thả đèo hay qua đoạn đường gồ ghề, quá nhiều ổ gà rồi thường xuyên ngập nước, chạy quãng đường quá xa cũng không chuộng xe ga... Tuy nhiên, hầu hết xe ga lại thuận tiện hơn trong khâu đặt/ để hành lý. Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến yếu tố tiết kiệm nhiên liệu để tránh tốn kém quá nhiều cho việc đổ xăng.

►Phải kiểm tra xe trước khi khởi hành

Mang xe đến trung tâm hay tiệm sửa uy tín để kiểm tra toàn diện trước một chuyến đi xa là cần thiết, thậm chí bắt buộc. Bao gồm: lốp, nhông - sên - dĩa, phanh, đèn, kèn, bugi, dầu nhớt, xi-nhan, xích, dây cu-roa, nước làm mát... Việc này giúp kịp thời phát hiện những hư hỏng hay tiềm ẩn hư hỏng để xử lý, sửa chữa hoặc thay mới, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến khi đang di chuyển, ảnh hưởng đáng kể đến chuyến đi.

►Sắp xếp hành lý gọn gàng

Một trong những bất tiện lớn nhất của việc chạy xe máy về quê ăn Tết chính là không có nhiều không gian cho việc chở thêm hành lý. Do đó, hãy đảm bảo mọi thứ được sắp xếp gọn gàng nhất có thể, ưu tiên những món đồ nhất định phải có, bỏ lại những thứ không thực sự cần thiết. Ngoài ra, cũng nên lưu ý các vật dụng gọn nhẹ, đồ dùng cá nhân và áo mưa nên để riêng trong một ba lô nhỏ, đặt phía trước xe; hành lý cồng kềnh như vali buộc chặt phía sau xe - như thế vừa dễ tìm kiếm khi cần, lại thoải mái khi điều khiển xe, không vướng hay khuất tầm nhìn... Trường hợp cố lắm nhưng vẫn không thể gọn được với những đồ quá to, nặng, chiếm chỗ - hãy gửi về bằng xe khách, xe chở hàng hoặc tốt hơn nữa thì gửi nhờ người quen nếu có thể để yên tâm đồ về đúng nhà lại có thể tiết kiệm một ít chi phí.

lưu ý khi đi xe máy về quê ăn tết
Ưu tiên những hành lý gọn, nhẹ, dễ di chuyển để đảm bảo an toàn

►Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ

Căn cước công dân, cà vẹt xe (giấy đăng ký xe), bằng lái xe, bảo hiểm xe máy, giấy xác nhận xe chính chủ... là những loại giấy tờ quan trọng và bắt buộc phải mang theo khi điều khiển xe lưu thông trên đường, đảm bảo tuân thủ luật, tránh bị phạt tiền khi bị công an kiểm tra.

►Trang bị đồ bảo hộ, dụng cụ sửa xe chuyên dụng

Nếu chẳng may xe bị xì ruột, nổ lốp giữa đường hay đứt xích... nhưng đang ở giữa đồng vắng, trên đoạn đường ngoại thành không một bóng người - làm sao để xử lý? Lúc này, việc có sẵn bộ dụng cụ sửa xe chuyên dụng thực sự cần thiết. Tất nhiên, lái xe cần biết một số kỹ năng xử lý hư hỏng cơ bản. Ngoài ra, cũng cần có đồ bảo hộ cho bản thân khi đi đường dài như áo khoác gió, khoác ấm, găng tay, mũ bảo hiểm, giày trùm chân, kính râm, kính trong ngăn bụi, áo phản quan trong đêm... Linh hoạt trong từng điều kiện địa hình, thời tiết và tình hình giao thông, đảm bảo lái xe an toàn, hạn chế va chạm, trầy xước không mong muốn.

►Lên lịch trình hợp lý

Chắc chắn rằng bạn đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho chuyến đi. Lưu ý thời gian bắt đầu đi và về đến nhà, điều kiện đường sá ra sao, tình hình giao thông thế nào, khi nào và đường nào rơi vào giờ cao điểm, kẹt xe, thời tiết trong những ngày chạy xe có tốt không... để đảm bảo di chuyển được thuận lợi nhất có thể.

►Chú ý thời gian nghỉ ngơi

Không ai đủ sức khỏe và sự tỉnh táo chạy liên tục hàng chục tiếng đồng hồ không ngơi nghỉ. Xe cũng sẽ bị nóng máy, dễ hư hỏng nếu chạy nhiều giờ liền. Do đó, hãy đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi khi cần. Trung bình, cứ khoảng 60-90km thì cần được nghỉ 15-20 phút trước khi tiếp tục. Có thể ghé vào các trạm dừng chân, quán nước ven đường và nghỉ tạm, bổ sung nước, ăn nhẹ, đi vệ sinh... để hồi phục thể trạng rồi mới khởi hành. Tuyệt đối không cố lái xe khi buồn ngủ, vì như thế sẽ rất dễ gây ra tai nạn. Nếu được, hãy đổi tài xen kẽ giữa các khoảng thời gian để tranh thủ nghỉ nhanh, đảm bảo lái xe an toàn.

►Tuyệt đối tuân thủ luật giao thông

Không cố vượt 3s cuối của đèn xanh sẽ rất dễ xảy ra va chạm nếu bên kia chạy trước 3s cuối của đèn đỏ. Ngoài ra, cũng hãy lưu ý quan sát và bật xi-nhan khi sang đường, chuyển làn, rẽ hướng... Tuyệt đối không dùng chất kích thích, đồ uống có cồn, không đeo tai phone, không sử dụng điện thoại khi đang lái xe để đảm bảo an toàn.

►Tìm bạn đồng hành hợp ý

Quảng đường đi sẽ có cảm giác được rút ngắn, không khí sẽ vui tươi, tinh thần phấn chấn, tỉnh táo hơn nếu có bạn đồng hành (tốt nhất là hợp ý) trong suốt chuyến hành trình về quê ăn Tết. Ngoài ra, có thêm một người nữa đi cùng sẽ giúp thay phiên nhau lái khi có người mệt, mỏi tay, buồn ngủ... tránh tình trạng lạc tay lái, gây mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn. Vợ - chồng, người yêu, bạn thân, bạn cùng quê... sẽ là những lựa chọn ưu tiên và phù hợp nhất. Nếu không có, hãy tham gia vào các group hội đồng hương, cộng đồng của sinh viên, công nhân để liên lạc và sắp xếp thời gian cùng về.

lưu ý khi đi xe máy về quê ăn tết
Có bạn đồng hành, chuyến đi sẽ vui và nhanh chóng, lại an toàn hơn
 

Ngoài ra, cũng cần kiểm tra và thực hiện một số công việc cần thiết trước khi về quê ăn Tết để dù đi khỏi bao lâu cũng luôn yên tâm rằng phần "tài sản" trên thành phố vẫn an toàn và nguyên vẹn cho đến ngày trở lại sau kỳ nghỉ dài.

"Tết là để trở về", ai xa quê cũng muốn chạy thật nhanh về nhà để được sum vầy bên nhau sau 1 năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, mỗi người sẽ chọn cách trở về khác nhau. Trong đó, không ít người lựa chọn tự lái xe máy về quê đón Tết. Để đảm bảo an toàn, lái xe cần lưu ý những chia sẻ hữu ích trên đây!

Ms. Công nhân

Công nhân với nỗi lo trước Tết Nguyên đán

4.7 (297 đánh giá)
9 điều cần lưu ý khi đi xe máy về quê ăn Tết 9 điều cần lưu ý khi đi xe máy về quê ăn Tết

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Doanh nghiệp ép tăng ca dịp cận Tết, công nhân có quyền khởi kiện?

Doanh nghiệp ép tăng ca dịp cận Tết, công nhân có quyền khởi kiện?

Dịp cận Tết, nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca để kịp tiến độ. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài liên tục khiến công nhân kiệt sức và không có thời g...

07.12.2024 30212

Công nhân và nỗi ám ảnh “đẹp mặt” khi về quê ăn Tết

Công nhân và nỗi ám ảnh “đẹp mặt” khi về quê ăn Tết

Không biết từ bao giờ, câu chuyện “Về quê ăn Tết” lại là nỗi ám ảnh của nhiều công nhân đến thế. Từ cơm áo gạo tiền đến phong tục lễ nghĩa, tất cả dườ...

07.12.2024 3656

Tâm sự đời công nhân: “Mong được tăng ca để có tiền tiêu Tết”

Tâm sự đời công nhân: “Mong được tăng ca để có tiền tiêu Tết”

Thu nhập thấp, nhiều công nhân mong được tăng ca dịp cuối năm để có thêm tiền trang trải chi phí tàu xe, quà cáp khi về quê. Dù mệt mỏi nhưng mọi ngườ...

06.12.2024 2463

Công nhân thời vụ có được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ Tết? 

Công nhân thời vụ có được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ Tết? 

“Tôi là công nhân thời vụ tại một doanh nghiệp may mặc và có quá trình làm việc kéo dài đến hết tháng 1/2025. Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm...

03.12.2024 6554