Công nhân với nỗi lo trước Tết Nguyên Đán
24.12.2020 2545 ungvien
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán, trong khi tụi nhỏ háo hức vì sắp được nhận bao lì xì, vui chơi thả ga thì người lớn, nhất là công nhân, lao động thu nhập nhấp lại trăn trở nỗi lo về các khoản chi sắp tới, từ vé tàu xe về quê cho đến quà biếu, tiền mừng tuổi hay mua sắm thực phẩm, hàng hóa dùng trong đợt nghỉ Tết Âm dài ngày...
Nghỉ Tết muộn, nhiều công nhân sắp Giao thừa mới về đến nhà
Tương tự như mọi năm, năm nay, hầu hết người lao động sẽ làm việc đến hết 28 âm lịch mới được bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 7 ngày. Nghĩa là, phần nhiều trong số đó, những công nhân xa nhà phải đến 29, có người 30, thậm chí sát giờ Giao thừa mới về đến nhà vì đường xa, tắt đường hay xe hỏng đột xuất... Điều này gây bất tiện cho việc dọn dẹp nhà cửa đón năm mới hay mua sắm đồ dùng, số ít khác không kịp lấy lại sức vì say xe, từ đó, khâu chuẩn bị Tết với họ diễn ra trong tình trạng gấp rút và tất bật.
Anh Luật (công nhân KCN Sóng Thần) chia sẻ: “Công ty thường cho công nhân nghỉ trước Tết 2 ngày. Tôi quê Thanh Hóa, từ Bình Dương đi xe khách về thấu (đến) nhà mất hơn 1 ngày chạy xe liên tục. Nghĩa là, sớm nhất cũng đến trưa 30 tôi mới đến nơi. Có năm gặp trục trặc hay xe đón khách lâu thì phải tối trễ mới có mặt ở nhà. Là con trai duy nhất trong gia đình nên việc dọn dẹp, mua sắm, bày biện Tết trước nay đều do tôi phụ trách. Nhưng nếu chẳng may xuống bến trễ thế thì không biết sắp xếp thế nào".
Lo lắng chuyện tàu xe về quê
Mua vé tàu xe về quê ăn Tết luôn là áp lực với nhiều người, nhất là lao động có thu nhập thấp lại không rành công nghệ và không thường xuyên cập nhật thông tin. "Năm nào cứ đến đầu Tháng Chạp là tôi lại chạy ra bến xe hỏi mua vé xe Tết mỗi cuối tuần vì sợ mở bán nhưng hết. Nhiều người có bảo sao không lên mạng mà đặt nhưng tôi có biết đâu, cũng không có điện thoại lượt (smartphone) dùng, nhờ người khác thì lại không yên tâm nên cứ tận tay cầm tờ vé xe mới êm bụng chờ ngày về" - chị Yến, công nhân may ở Bình Dương chia sẻ.
Năm 2020 được cho là "năm kinh tế buồn" bởi tình hình sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa đến hoạt động cầm chừng, đơn hàng giảm, doanh thu sụt, công nhân vì thế mà ít việc đến nghỉ việc nên khó khăn càng chồng chất khó khăn. Thêm nữa, khốn đốn như vậy thì lấy đâu ra tăng ca, thưởng Tết để có thêm khoản nữa "ăn Tết" đủ đầy hơn? Vì thế mà, chuyện tàu xe giờ đây cũng trở thành gánh nặng của nhiều người. Hiểu và chia sẻ với công nhân lao động, liên đoàn lao động các tỉnh, cơ sở công đoàn doanh nghiệp và nhiều tổ chức, cá nhân đã thông báo là nhà tài trợ vé tàu xe đưa công nhân về quê ăn Tết năm 2021. Tuy nhiên, đi kèm với đó là điều kiện nhận vé với những tiêu chí nhất định mà không phải ai cũng đăng ký thành công để được hỗ trợ. Thêm nữa là thời gian chờ đợi có danh sách khá lâu và hệ thống hoàn toàn có thể bị lỗi trong khi vé bán ra có giới hạn, nhu cầu mua vé lại luôn cao nên nhiều người vì thế mà thôi không mong chờ vào điều này, cứ tự thân vận động đi mua vé cho yên tâm.
Công ty chậm trả lương, thưởng
Thời điểm cuối năm, nhiều công ty chần chừ giải quyết lương tháng và thưởng Tết cho người lao động. Lý do đưa ra thì rất nhiều, thuyết phục có, bất mãn cũng có. Tuy nhiên, rất đông công nhân bày tỏ rằng, nếu được, mong quản lý cân nhắc trả lương đúng hạn, trả trước Tết để họ chủ động hơn trong tính toán và chi tiêu, nhất là lên kế hoạch mua vé tàu xe về quê hay sắm sửa thực phẩm, đồ đạc đón Tết.
Bên cạnh đó, chuyện làm sao để rút tiền qua thẻ (đa số công ty hiện nay thanh toán lương qua thẻ) được cũng là điều đáng lo lắng. Cảnh tượng hàng người nối dài trước cây ATM dịp cuối năm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều công nhân. “Năm ngoái, các trạm ATM quanh khu công nghiệp đều quá tải vì người lao động tập trung quá nhiều. Suýt nữa tôi đã không rút được tiền để kịp chuyến xe về quê. Năm nay công ty vẫn cho nghỉ Tết muộn, tôi đang lo là tình trạng này tiếp diễn thì không biết xử lý sao" - chị Nga (công nhân công ty SEI, KCN Bắc Thăng Long) chia sẻ.
Thực phẩm đắt đỏ, vật giá leo thang
Nhiều mặt hàng được dịp tăng giá mùa Tết trong khi đa phần đều cần thiết và nên mua. Từ áo quần, giày dép hay bánh mứt, hạt dưa đến hoa quả hay rau, thịt heo, thịt bò, đồ khô, gia vị... thứ nào cũng đều tăng không nhiều thì ít. Nhiều công nhân nói vui rằng Tết năm nay có khi bánh chưng không có thịt, đùa nhưng thật. Với số lương ít ỏi nhận được hàng tháng do giảm việc, nghỉ luân phiên, thưởng Tết bằng hiện vật, không tiền thâm niên, chị Liên (nhân viên buồng phòng) rầu rĩ rút 2 trăm nghìn còn lại trong thẻ đi chợ chiều cuối tháng.
Trộm cắp hoành hành
Mất cắp là tình trạng thường gặp ở các khu nhà trọ công nhân vì phức tạp, an ninh lỏng lẻo trong khi phòng thường xuyên không có người. Đặc biệt, công nhân ca đêm hay giai đoạn về quê nghỉ Tết dài ngày càng là điều kiện thuận lợi để kẻ xấu đột nhập vào cỗm sạch tài sản. Chưa kể, trộm cắp tại bến xe, trên xe, đi chơi dịp lễ cũng rất thường xuyên. Anh An (công nhân công ty Daiwa) cho biết: “Ngày bình thường tôi đã không dám để tiền bạc hay những vật có giá trị trong phòng và luôn phải mang theo trong người. Dịp cận tết như thế này, tình hình trộm cướp càng phức tạp hơn. Mới hôm trước, khu trọ của tôi vừa mất một chiếc xe máy. Mặc dù đã trình báo công an nhưng anh chị em vẫn bảo nhau phải tự bảo vệ tài sản của mình.”
Năm nào cũng vậy, chính quyền địa phương ở các khu công nghiệp luôn quán triệt công tác an ninh nhưng tình trạng trộm cắp vẫn diễn ra liên tục. Hơn ai hết, công nhân cần cảnh giác với mọi đối tượng lạ mặt, chú ý cửa nẻo cẩn thận. Bởi mất một đồng, làm lại phải hai, ba đồng mới bù nỗi chi tiêu cho năm mới.
Thu nhập thấp, cuộc sống thường ngày của công nhân đã chật vật, dịp cận Tết lại càng khó khăn hơn bởi nhiều khoản phải chi. Những ngày này, ai cũng mong công việc thuận lợi, giá cả thị trường ổn định để gia đình có một cái Tết đủ đầy...
Ms. Công nhân