Cách làm việc của nhiều kỹ sư, công nhân Việt Nam khiến doanh nghiệp nước ngoài thất vọng.
15.03.2016 6778 haiyen.tran37
Việt Nam là nước có nguồn nhân lực khá dồi dào. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Nhưng liệu nguồn nhân lực dồi dào có đủ đến khiến các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng về năng lực cũng như sự chuyên nghiệp trong công việc của các kỹ sư và công nhân Việt Nam ?
Kỹ sư Việt Nam không phải là những người có năng lực yếu kém. Việt Nam cũng có khá nhiều thợ giỏi, công nhân lành nghề. Vậy tại sao chất lượng nhân lực của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao và nhận được khá nhiều lời than phiền từ những người sử dụng lạo động, doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài ?
Cách đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu kiến thức thực tế.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nhân lực được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Các tân kỹ sư ra trường khó xin được việc làm hoặc xin được việc làm nhưng khả năng thích nghi với công việc khá chậm. Họ khá loay hoay còn doanh nghiệp thì mất thời gian đào tạo. Tuy nhiên các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động đều đánh giá cao khả năng tiếp thu của lao động Việt Nam. Họ rất thông minh và nhanh nhạy. Nếu được kết hợp với một nền tảng giáo dục bài bản và thực tế hơn, chắc chắn Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực dồi dào cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tính kỷ luật của lao động Việt Nam khá kém.
Không chỉ trong công việc mà trong nhiều hoạt động khác của cuộc sống thì người Việt Nam vẫn còn thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định. Kể cả lao động phổ thông cho đến các kỹ sư, cử nhân của Việt Nam vẫn nhận được khá nhiều lời phàn nàn từ các doanh nghiệp nước ngoài về việc chấp hành quy định của công ty, quy định về an toàn lao động…
Họ luôn chấp hành quy định một cách miễn cưỡng. Và luôn tìm cách để luồn lách khi có cơ hội. Có vẻ như ít lao động Việt Nam cho rằng việc chấp hành các quy định là một điều hiển nhiên mà ai cũng phải làm. Tất nhiên không phải là tất cả nhưng số đông người Việt vẫn còn hạn chế ở ý thức kỷ luật. Muốn được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, bản thân người lao động phải thay đổi tư tưởng cố hữu của mình.
Thường quên đi lợi ích chung của doanh nghiệp.
Nhiều kỹ sư sẵn sàng bỏ những con ốc vít lăn lốc mà không nhặt chúng bỏ vào đúng vị trí, tìm cách bớt xén nguyên vật liệu…Họ thường vì lợi ích nhỏ của bản thân mà quên đi lợi ích chung của doanh nghiệp. Một số công nhân nếu không được quản lý chặt chẽ thì làm ra những sản phẩm sơ sài và bị lỗi, làm cẩu thả để được nhiều sản phẩm hơn mà không nghĩ rằng những hành động của họ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu cũng như sự phát triển của công ty. Đây là điều mà không bất cứ đơn vị sử dụng lao động này có thể hài lòng. Do vậy cách làm việc của một số kỹ sư và công nhân Việt Nam khiến các doanh nghiệp rất thất vọng.
Trách nhiệm bản thân đối với doanh nghiệp nói riêng và với toàn xã hội của lao động Việt Nam còn khá thấp. Bởi chủ nghĩa cá nhân trong chúng ta quá cao, tinh thần đoàn kết kém.
Họ thường xuyên nhảy việc.
Lao động Việt Nam vẫn khó thoát khỏi tư tưởng “ đứng núi này trông núi nọ”. Họ chưa thực sự có tâm huyết cống hiến cho doanh nghiệp và sẵn sàng ra đi ngay lập tức nếu cảm thấy một đơn vị nào khác có thể cho họ những quyền lợi tốt hơn. Doanh nghiệp thường trực nỗi lo không giữ chân được nhân lực. Nhiều tân kỹ sư khi vừa ra trường được doanh nghiệp tạo nhiều cơ hội để phát triển, dành nhiều thời gian đào tạo những sẵn sàng dứt áo ra đi ở thời điểm đáng lẽ họ phải cống hiến để đáp trả doanh nghiệp đã chào đón họ ở vạch xuất phát. Đây cũng là lý do một số doanh nghiệp ngại tuyển các kỹ sư mới ra trường. Bởi vì họ sự mất thời gian chi phí đào tạo mà lại mất nhân lực khi họ đã “ đủ lông, đủ cánh”.
Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp một số kỹ sư, công nhân Việt Nam nhận ra những điểm thiếu sót của mình. Có cách khắc phục yếu điểm phát huy sở trường của bản thân để lao động Việt Nam được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao hơn và luôn sẵn sàng chào đón !