Cách tính thời gian nghỉ giữa ca từ năm 2021
13.01.2021 1638 bientap
Việc bố trí ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca hợp lý ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc cũng như sức khỏe người lao động. Với Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ năm 2021 thì ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca được tính như thế nào?
► Quy định mới về thời gian tối đa của mỗi ca làm việc
Ca làm việc là khoảng thời gian người lao động bắt đầu làm việc cho đến khi kết thúc công việc/ bàn giao lại cho người khác - bao gồm cả thời gian nghỉ giữa giờ.
Theo điều 105 luật Lao động mới, thời gian tối đa của mỗi ca làm việc được quy định như sau:
Làm việc bình thường |
Thời gian tối đa |
|
Theo ngày |
8 giờ/ ngày |
48 giờ/ tuần |
Theo tuần |
10 giờ/ ngày |
Theo đó, với ca bình thường theo ngày thì thời gian làm việc tối đa không quá 8 giờ/ ngày. Với trường hợp làm việc theo tuần thì ca làm việc tối đa là 10 giờ/ ngày.
Tuy nhiên, nếu người lao động đồng ý làm thêm giờ do yêu cầu công việc thì thời gian ca làm việc đó có thể sẽ kéo dài thêm.
Như vậy thì nếu làm thêm giờ thì người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ ngày (bao gồm thời gian của ca làm chính thức và làm thêm giờ). Và cũng cần đảm bảo tổng số giờ làm thêm trong 1 tháng không quá 40 giờ và 200 giờ/năm - trừ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất điện, cấp thoát nước, da, giày…
► Cách tính thời gian nghỉ giữa ca từ năm 2021
So với luật Lao động năm 2012 thì quy định mới về thời gian nghỉ giữa ca làm việc có sự thay đổi. Theo đó, cách tính thời gian nghỉ giữa ca từ năm 2021 được quy định cụ thể:
Ca làm việc |
Điều kiện |
Thời gian nghỉ giữa ca |
Làm việc từ 6 giờ trở lên/ ngày |
Vào ban ngày |
Ít nhất 30 phút liên tục |
Vào ban đêm hoặc có ít nhất 3 giờ làm việc ban đêm |
Ít nhất 45 phút liên tục |
|
Làm ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa ca được tính vào giờ làm việc |
Quy định mới đã xác định cụ thể thời gian nghỉ giữa ca với mọi ca làm việc trong khi luật cũ chỉ ghi nhận thời gian nghỉ giữa ca cho trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ. Về điều kiện để tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc cũng dễ dàng hơn. Nếu như trước đây, người lao động phải làm việc theo ca liên tục 8 giờ (trong điều kiện bình thường) hoặc 6 giờ (với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) thì thời gian nghỉ giữa ca mới được tính vào thời gian làm việc. Nhưng từ 2021 trở đi, chỉ cần người lao động làm ca liên tục từ 6 giờ trở lên đã được hưởng quyền lợi này.
► Tổ chức ca làm việc thế nào mới đúng luật?
Theo Nghị định 145/2020 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật Lao động mới, khi tổ chức làm việc theo ca, người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 2 người hoặc 2 nhóm người thay phiên nhau làm việc với cùng một vị trí công việc. Và doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ giữa giờ theo đúng thời gian quy định và bố trí lịch nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc tiếp theo.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép người sử dụng lao động được quyền quyết định thời gian nghỉ giữa ca làm việc. Nhưng để đảm bảo người lao động có thời gian nghỉ ngơi trong quá trình làm việc, doanh nghiệp không được bố trí thời gian nghỉ giữa giờ sát thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
► Doanh nghiệp bị phạt gì khi không đảm bảo thời gian làm việc - thời gian nghỉ cho người lao động?
Nếu doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật về thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca thì sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo lỗi vi phạm:
Lỗi vi phạm |
Mức phạt hành chính |
Không đảm bảo về thời gian nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca cho người lao động |
Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng |
Thực hiện giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc quy định |
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng |
Sử dụng người lao động làm thêm quá số giờ quy định, tùy thuộc vào số người lao động bị vi phạm mà doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính theo các mức khác nhau |
+ Vi phạm 01 - 10 lao động: Từ 05 - 10 triệu đồng + Vi phạm 11 - 50 lao động: Từ 10 - 20 triệu đồng + Vi phạm 51 - 100 lao động: Từ 20 - 40 triệu đồng + Vi phạm 101 - 300 lao động: Từ 40 - 60 triệu đồng + Vi phạm 301 lao động trở lên: Từ 60 - 70 triệu đồng |
Trên đây là những quy định mới về số giờ cho một ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca áp dụng từ năm 2021. Nếu bạn còn gì thắc mắc, hãy để lại phản hồi tại mục bình luận dưới bài viết này nhé!
(Theo luatvietnam)
Từ 2021, 11 quy định mới cần biết trước khi ký hợp đồng lao động