Công nhân ăn cắp hàng lỗi bán rẻ ra bên ngoài và cách giải quyết đầy nhân văn của Giám đốc nhà máy
11.01.2018 3128 bientap
Tình trạng công nhân ăn cắp hàng lỗi xảy ra phổ biến ở các công ty lớn hay các doanh nghiệp quản lý nhân sự lỏng lẻo. Điều này tuy không gây thiệt hại về kinh tế nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp. Tại một doanh nghiệp, khi biết sự việc này, Giám đốc nhà máy không báo công an, cũng chẳng đuổi việc mà có cách xử lý đầy nhân văn, giải quyết tận "gốc rễ" của vấn đề…
Chuyện xảy ra tại một công ty may mặc với hơn 300 công nhân. Theo nguyên tắc, trong quá trình sản xuất, nếu có sản phẩm bị lỗi thì phải bỏ đi. Thế nhưng, một số công nhân của công ty này đã lấy số hàng lỗi này để bán lẻ ra bên ngoài. Vì là hàng bỏ đi nên việc làm của các công nhân này không gây thiệt hại về kinh tế của công ty. Tuy nhiên, do các sản phẩm lỗi này mang kiểu dáng của công ty, nếu có người lợi dụng tung ảnh sản phẩm lỗi lên mạng Internet để bêu xấu thì doanh nghiệp sẽ bị tổn thất nặng nề về mặt hình ảnh, uy tín với khách hàng.
Sự việc có lẽ sẽ vẫn “ngấm ngầm” diễn ra nếu nhóm công nhân ăn cắp không xảy ra mâu thuẫn. Một công nhân trong nhóm này đã đến gặp Giám đốc nhà máy để báo cáo sự việc. Ban đầu, vị CEO cảm thấy rất tức giận và định cho tất cả số công nhân có hành vi ăn cắp đó nghỉ việc. Tuy nhiên, sau đó, ông đã nghĩ lại: giờ là thời điểm quan trọng trong năm, có nhiều đơn hàng cần phải hoàn thành gấp, nếu giờ đuổi việc họ thì bản thân công ty sẽ thiệt hại lớn nếu không thể hoàn thành các đơn hàng; bên cạnh đó, việc tuyển gấp số lượng lao động mới có khả năng đáp ứng được công việc như nhóm công nhân lành nghề kia là điều không hề dễ dàng.
Tìm hiểu thêm: 8 sai lầm trong quản lý doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần tránh
Sau một ngày đắn đo, suy nghĩ tìm giải pháp, Giám đốc nhà máy đã có kế hoạch giải quyết sự việc. Ổng tổ chức một cuộc gặp mặt với nhóm công nhân có hành vi tuồn hàng lỗi ra ngoài. Mở đầu, ông hỏi thẳng một câu:
Các bạn có muốn tiếp tục làm việc cho công ty nữa không?
Các công nhân vốn là lao động lâu năm, cũng biết là sự việc đã bị lộ nên đều thú nhận hành vi của mình và mong muốn vẫn tiếp tục được làm việc. Trong buổi gặp mặt, Giám đốc nhà máy đã làm rõ 3 vấn đề với nhóm công nhân:
- Nguyên nhân của hành vi trộm sản phẩm lỗi là gì?
- Thiệt hại vô hình mà hành vi đó gây ra cho doanh nghiệp?
- Những khó khăn trong công việc và cuộc sống của nhóm công nhân?
Sau khi lắng nghe hết những chia sẻ của nhóm công nhân, vị Giám đốc đã đứng lên cúi gập người trước nhóm công nhân và nói lời xin lỗi vì đã không quan tâm đến hoàn cảnh của công nhân, nhận lỗi vì đã không quản lý công ty chặt chẽ. “Rất may là công ty không bị thiệt hại gì lớn, bởi hành vi ăn cắp này hoàn toàn có thể giao cho công an xử lý và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, công ty không làm thế bởi chúng tôi luôn coi trọng những đóng góp và tình cảm với công nhân của mình.”
Biết được nguyên nhân của hành vi ăn cắp ấy là do hoàn cảnh túng thiếu, là hành động mang tính chất bộc phát, Giám đốc nhà máy đã đưa hướng giải quyết vô cùng “thấu tình đạt lý”:
- Một là, tha lỗi cho tất cả nhóm công nhân có hành vi ăn cắp hàng lỗi đó.
- Hai là thành lập một quỹ đặc biệt để hỗ trợ, giúp đỡ các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
- Ba là tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho công nhân.
Và thế là sự việc đã trôi qua trong êm đẹp, công nhân có hành vi sai trái vẫn tiếp tục được làm việc và doanh nghiệp vẫn đảm bảo được tiến độ sản xuất. Trong quá trình hoạt động của một doanh nghiệp, nếu có một sự cố nào đó mà nguyên nhân không xuất phát từ những âm mưu phá hoại bên ngoài thì nhà quản lý doanh nghiệp cần phải tìm ra những giải pháp xử lý khôn khéo nhằm giải quyết tận “gốc rễ” vấn đề trên cơ sở thu phục lòng người….
Xem thêm: Bài học của vị CEO đưa lĩnh vực sản xuất máy tính của Samsung từ số 0 lên số 1 thế giới
Ms.Công nhân