Công nhân ăn cắp – một thực trạng đáng buồn!
13.01.2016 1874 santavietnam
Biết trước có thể sẽ bị pháp luật xử lý, tù tội, thế nhưng nhiều công nhân vẫn thực hiện hành vi ăn cắp để thỏa nhu cầu kiếm tiền trước mắt.
Hồi cuối tháng 10, hai công nhân công ty Samsung Electronic Thái Nguyên đã thực hiện hành vi ăn cắp 100 chiếc điện thoại thông minh của công ty với trị giá lên đến 1,5 tỷ đồng. Bị cơ quan công an phát hiện, hai công nhân này đã ra đầu thú vì hành vi trộm cắp của mình.
Vụ việc trên lắng xuống chưa được bao lâu thì các công nhân làm việc cho công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam lại tổ chức một đường dây ăn cắp hàng trăm đôi giày Nike. Không chỉ là giày, nhóm công nhân này còn lấy các sản phẩm để làm giày như là dây giày, mặt da, đế, tem… với tổng giá trị thiệt hại lên đến vài chục tỷ đồng.
Nhóm công nhân này có hành vi ăn cắp rất tinh vi. Đến giờ ăn trưa hoặc tan ca, các công nhân nữ quấn những phụ kiện giày quanh bụng để bảo vệ nhà máy không kiểm tra được, sau đó giấu hàng trộm cắp dưới xe vật tư vận chuyển để đem ra ngoài.
Ngoài ra, còn xảy ra rất nhiều vụ việc công nhân ăn cắp ở nhiều nhà máy, khu công nghiệp trên khắp cả nước. Điều này không chỉ khiến cho nhà đầu tư mà nhiều lao động khác cũng bức xúc vì hình ảnh “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thị trường lao động Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài bởi thế mạnh về nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp đầu tư FDI vào Việt Nam đã giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, những vụ việc công nhân trộm cắp sản phẩm, vật liệu, linh kiện sản xuất như thế này sẽ làm hình ảnh người lao động Việt trở nên xấu xí trong mắt các nhà đầu tư và họ cũng trở nên dè chừng hơn với các quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Hy vọng qua đây sẽ là lời cảnh tỉnh những công nhân ít hiểu biết, ham vật chất từ bỏ những suy nghĩ hay hành vi thiếu đúng đắn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và tiền đồ của bản thân cũng như làm xấu đi hình ảnh chân chất, trung thực của lao động Việt...
Ms. Công nhân