Công Việc Của Công Nhân Sản Xuất Trong Nhà Máy Và 20+ Điều Cần Biết
23.02.2018 14376 bientap
MỤC LỤC
- ►Công nhân sản xuất là gì?
- ►Công nhân sản xuất có cần bằng cấp không?
- ►Mô tả công việc công nhân sản xuất trong nhà máy
- ►Tiêu chí đánh giá công nhân sản xuất
- ►Tiền lương phải trả cho công nhân sản xuất
- ►Cách tính lương cho công nhân sản xuất nhà máy
- ►Đồng phục và đồ bảo hộ lao động cho công nhân sản xuất trong nhà máy
- ►KPI cho công nhân sản xuất
- ►Đào tạo công nhân sản xuất
- ►Cách quản lý công nhân sản xuất hiệu quả
- ►Cơ hội thăng tiến cho công nhân sản xuất
Công nhân sản xuất là lực lượng lao động chủ yếu và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các nhà máy - xí nghiệp, trực tiếp tham gia vào công đoạn sản xuất, tạo ra các sản phẩm cho doanh nghiệp. Vậy có những điều gì cần biết về công nhân sản xuất, hãy tìm hiểu cùng Vieclamnhamay.vn!
►Công nhân sản xuất là gì?
Nếu Công nhân là worker thì công nhân sản xuất là production worker, vị trí chịu trách nhiệm vận hành và bảo dưỡng các trang thiết bị, máy móc trong nhà máy, từ đó tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của đơn hàng được giao. Tùy vào quy mô nhà xưởng và cơ cấu tổ chức của mỗi nơi sẽ phân công chuyền cụ thể để đảm nhận những công đoạn khác nhau, công nhân được phân công ở chuyền nào thì thực hiện sản xuất theo chuyền đó, làm việc dưới sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của chuyền trưởng.
Trong nhà máy, khu công nghiệp, công nhân sản xuất chiếm số lượng nhân sự đông nhất, cũng là lực lượng lao động nòng cốt của doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ sản xuất để tạo ra sản phẩm, hoàn thành đơn hàng đã ký kết.
►Công nhân sản xuất có cần bằng cấp không?
Công nhân nói chung hay công nhân sản xuất nói riêng đều được gọi chung là lao động phổ thông, thực hiện những công việc giản đơn, mang tính lặp lại. Vì thế mà vị trí này dù được các công ty, doanh nghiệp, cơ sở tuyển dụng số lượng lớn nhưng không hề yêu cầu bằng cấp hay kinh nghiệm. Bất cứ ai có nhu cầu tìm việc công nhân sản xuất, chăm chỉ, cẩn thận, chịu khó, có trách nhiệm trong công việc, ham học hỏi... đều có thể được tuyển vào làm công nhân. Sau tuyển chọn, sẽ có công nhân dày kinh nghiệm hơn được phân công hướng dẫn và giám sát người mới thực hiện công việc cho đến khi thành thạo. Kết thúc thời gian thử việc, nếu đạt yêu cầu sẽ được thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động và trở thành nhân sự chính thức của công ty, được hưởng đầy đủ quyền lợi về lương, chế độ đãi ngộ theo quy định.
►Mô tả công việc công nhân sản xuất trong nhà máy
Một công nhân sản xuất trong nhà máy thường đảm nhiệm những công việc cụ thể sau đây trong 1 ca làm việc mỗi ngày:
- Thực hiện việc chấm công theo quy định của nhà máy vào đầu mỗi ca làm việc.
- Đầu ca, thực hiện việc vệ sinh máy theo hướng dẫn. Tiến hành khởi động máy để chuẩn bị làm việc, nếu phát hiện hư hỏng phải báo ngay với Tổ trưởng chuyền liên hệ tổ bảo trì sửa chữa, không tự ý sửa chữa máy móc nếu không phải nhiệm vụ và nghiệp vụ của mình.
- Thực hiện công đoạn sản xuất sản phẩm dưới sự phân công và giám sát của Tổ trưởng chuyền theo đúng vị trí, đảm bảo các yêu cầu về sản lượng, chất lượng sản phẩm.
- Thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy của nhân viên kỹ thuật nhà máy.
- Sử dụng tiết kiệm các nguyên vật liệu, vật tư sử dụng cho quá trình sản xuất.
- Theo dõi số lượng sản phẩm sản xuất được trong ca làm việc, báo cáo với Tổ trưởng chuyền.
- Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện lỗi phát sinh phải báo ngay cho Tổ trưởng, Kỹ thuật chuyền xử lý.
- Thực hiện đúng nội quy nhà máy, an toàn lao động, an toàn thiết bị - máy móc, phòng cháy chữa cháy trong quá trình sản xuất.
- Tắt máy, vệ sinh máy, vệ sinh khu vực làm việc, tắt điện trước khi ra về.
- Tham gia các phong trào thi đua sản xuất, lớp đào tạo nâng cao tay nghề do nhà máy tổ chức.
- Nhiệt tình tham gia các chương trình hành động, phong trào do công đoàn nhà máy tổ chức.
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của Tổ trưởng chuyền, cấp trên.
►Tiêu chí đánh giá công nhân sản xuất
- Các tiêu chí đánh giá công nhân sản xuất:
+ Sự lạc quan: công nhân có tinh thần làm việc tích cực là người sẽ gắn bó lâu dài với nhà máy.
+ Sự trung thực: công nhân trung thực luôn được đánh giá cao vì họ biết phân biệt đúng sai, công tư phân minh khi làm việc.
+ Sự nhiệt tình: công nhân làm việc nhiệt tình sẽ khiến bầu không khí làm việc trong nhà máy trở nên chuyên nghiệp, khẩn trương hơn - đem lại kết quả công việc tốt.
+ Sự tôn trọng: công nhân cần phải biết tôn trọng cấp trên và đồng nghiệp của mình.
+ Giờ giấc: chính là yếu tố đánh giá sự chuyên nghiệp của mỗi công nhân sản xuất.
+ Độ tin cậy, cẩn trọng: công nhân biết chăm chút, cẩn trọng trong công việc sẽ mang lại hiệu quả công việc tốt hơn, nhận được sự tin tưởng từ cấp trên, đồng nghiệp.
- Phương pháp áp dụng tiêu chí đánh giá công nhân sản xuất:
+) Dựa trên mục tiêu:
+ Theo mục tiêu hành chính: căn cứ vào hệ thống chỉ số KPI để đánh giá mức độ làm việc hiệu quả của công nhân sản xuất.
+ Theo mục tiêu phát triển: dựa vào hệ thống KPI, tìm hiểu nguyện vọng của công nhân, đưa ra những chiến lược giúp công nhân đạt mục tiêu cao nhất trong công việc.
+ Theo mục tiêu hoàn thành công việc: căn cứ vào thước đo hiệu quả công việc hàng tháng, quý để đánh giá năng lực làm việc thực sự của công nhân.
+) Dựa trên hình thức:
+ Đánh giá công nhân theo ngang cấp: công nhân trong mỗi chuyền sản xuất tự đánh giá lẫn nhau.
+ Đánh giá công nhân toàn diện: từ tổ trưởng chuyền, công nhân trong tổ làm việc…
►Tiền lương phải trả cho công nhân sản xuất
Tiền lương mà doanh nghiệp phải trả cho công nhân sản xuất gồm: tiền lương căn cứ trên số ngày công lao động thực tế hoặc sản lượng sản xuất và lương nghỉ phép thực tế phải trả.
Theo ghi nhận của Vieclamhnhamay.vn, tiền lương phải trả cho công nhân sản xuất có sự khác nhau giữa các địa phương và ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Những doanh nghiệp có nhà máy đặt ở những địa phương có nguồn lao động tại chỗ ít thường có mức lương cơ bản cao hơn để thu hút lao động về làm việc. Những công nhân may mặc, sản xuất linh kiện điện tử thường nhận mức lương cơ bản cao hơn so với công nhân da giày…
►Cách tính lương cho công nhân sản xuất nhà máy
Với công nhân sản xuất trong nhà máy, các doanh nghiệp hiện nay thường áp dụng 3 cách tính lương cơ bản sau:
- Tính lương theo thời gian: theo giờ, ngày hoặc tháng. Cách tính lương theo thời gian như sau:
Lương tháng = Lương cơ bản + Phụ cấp/ Số ngày công quy định x số ngày làm việc thực tế.
- Tính lương theo sản phẩm: căn cứ vào số lượng, chất lượng sản phẩm hoặc lượng công việc hoàn thành để tính lương cho công nhân. Cách tính lương theo sản phẩm:
Lương sản phẩm = Số lượng sản phẩm đạt yêu cầu x Đơn giá quy định mỗi sản phẩm.
- Tính lương khoán: công nhân phải hoàn thành khối lượng công việc theo tiêu chuẩn được giao. Tỷ lệ hoàn thành càng lớn thì mức lương nhận được càng cao:
Lương khoán = Mức lương khoán x Tỷ lệ % hoàn thành công việc
Các hình thức trả lương và cách tính lương cho người lao động
►Đồng phục và đồ bảo hộ lao động cho công nhân sản xuất trong nhà máy
Tùy thuộc vào mặt hàng kinh doanh (may mặc, thực phẩm, hóa chất…) mà mỗi doanh nghiệp sẽ quy định mẫu đồng phục hay đồ bảo hộ lao động (nếu có) dành riêng cho công nhân sản xuất của doanh nghiệp mình - vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động cho công nhân, vừa tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Đồng phục hay đồ bảo hộ lao động cho công nhân sản xuất có thể bao gồm áo, quần, áo choàng, mũ, bịt tai, khẩu trang, găng tay, kính, mặt nạ bảo hộ, giày, ủng, nút chống ồn, tạp dề… Nhiều doanh nghiệp còn có đồng phục riêng dành cho mùa xuân hè hay thu đông để tạo sự tiện lợi, thoải mái nhất cho công nhân.
►KPI cho công nhân sản xuất
KPI (Key Performance Indicators) là hệ thống chỉ số đo lường hiệu quả, hiệu suất công việc của người lao động. Mỗi doanh nghiệp sẽ có một bản chỉ số KPI riêng cho từng bộ phận, vị trí công việc. Với công nhân sản xuất trong các nhà máy, hệ thống KPI được áp dụng có thể căn cứ vào các chỉ số về:
- Mức độ hoàn thành công việc
- KPI về quản lý nguyên vật liệu
+ Tỷ lệ tiêu hao nguyên vật liệu cho phép (tùy thuộc vào đơn hàng, thường trong khoảng 3 - 5%)
+ Tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu tiêu hao: được tính bằng công thức = Số lượng tiêu hao thực tế ngoài định mức/ Số lượng tiêu hao cho phép
+ Tỷ lệ hư hỏng nguyên vật liệu
- Tỷ lệ hàng hỏng…
►Đào tạo công nhân sản xuất
Với những nhà máy mới được thành lập thì hoạt động đào tạo là vô cùng quan trọng vì công việc mới mẻ cộng với nhiều thiết bị hiện đại, nếu không được đào tạo thì công nhân không thể làm việc được. Còn với những công ty đã hoạt động lâu thì công tác đào tạo vừa là đào tạo tay nghề cho công nhân mới, vừa là bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân sản xuất có năng lực.
- Các phương pháp đào tạo công nhân sản xuất:
+) Đào tạo trong công việc:
+ Kèm cặp, chỉ bảo
+ Luân phiên thay đổi công việc
+ Thực tập sinh
+) Đào tạo ngoài công việc:
+ Đào tạo theo kiểu học nghề
+ Đào tạo theo kiểu chương trình hóa với hỗ trợ của máy tính, phương tiện nghe nhìn
+ Tổ chức các khóa học ngắn hạn, hội nghị, thảo luận
+ Nghiên cứu tình huống…
►Cách quản lý công nhân sản xuất hiệu quả
Làm sao để quản lý công nhân sản xuất một cách hiệu quả luôn là “bài toán khó” với các Tổ trưởng sản xuất, Trưởng ca hay Quản đốc nhà máy. Vieclamnhamay.vn xin chia sẻ 6 kinh nghiệm quản lý công nhân sản xuất hiệu quả để những bạn đảm nhận các vị trí quản lý trong nhà máy có thể tham khảo:
- Cập nhật chính xác số lượng công nhân: số lượng công nhân của mỗi chuyền sản xuất có thể bị thay đổi theo thời gian do công nhân nghỉ việc hoặc điều chuyển nhân sự theo yêu cầu thực tế; vì thế mà Trưởng ca hay Quản đốc nhà máy cần phải cập nhật thường xuyên để nắm bắt chính xác số lượng công nhân của mỗi chuyền sản xuất để phân công công việc hợp lý dựa trên số lượng công nhân hiện có.
- Đặt mục tiêu cụ thể cho tổ/ các tổ công nhân: việc đề ra các mục tiêu công việc cụ thể sẽ giúp công nhân luôn nỗ lực làm việc để hoàn thành nhiệm vụ, qua đó đảm bảo các đơn hàng của nhà máy được hoàn thành đúng tiến độ.
- Kiểm soát thời gian và chất lượng công việc của mỗi công nhân: để dễ quản lý công nhân, nhiều doanh nghiệp hiện nay áp dụng hình thức trả lương khoán theo định mức. Các công nhân sản xuất sẽ luôn nỗ lực làm việc để hoàn thành định mức ngày hay vượt định mức để nhận mức lương cao hơn.
- Bố trí, phân công công việc linh hoạt: các tổ trưởng sản xuất cần phải nắm được năng lực thực tế của mỗi công nhân trong tổ để bố trí công việc phù hợp, bố trí những công nhân tay nghề còn yếu làm việc cùng công nhân có nhiều kinh nghiệm để học hỏi thêm.
- Áp dụng chế độ thưởng - phạt công bằng: để khuyến khích tinh thần làm việc, cống hiến của người lao động cũng như duy trì nề nếp hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp cần phải đề ra chế độ thưởng - phạt rõ ràng và điều quan trọng là những nhà quản lý phải thực hiện một cách công bằng, dân chủ.
- “Lạt mềm buộc chặt”: vẫn biết những quy định, nội quy đặt ra cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, tuy nhiên, tùy trường hợp, tùy cá nhân cụ thể mà việc áp dụng những điều đó cần phải linh hoạt, áp dụng bí quyết “lạc mềm buộc chặt” để quản lý công nhân một cách hiệu quả.
►Cơ hội thăng tiến cho công nhân sản xuất
Mọi vị trí trong doanh nghiệp đều có cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn nếu đáp ứng được các yêu cần, tiêu chuẩn công việc ở vị trí đó. Công nhân sản xuất cũng không ngoại lệ. Một người công nhân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có chí tiến thủ, luôn nỗ lực học hỏi để hoàn thiện và nâng cao tay nghề, kiến thức văn hóa, trang bị thêm các chứng chỉ nghề liên quan... thì hoàn toàn có thể được cất nhắc lên những vị trí cao hơn như QC, Tổ/ Nhóm trưởng, Chuyền trưởng, Quản đốc, Trưởng bộ phận và nhận được mức lương cùng chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn.
Ms. Công nhân