Doanh nghiệp ép tăng ca dịp cận Tết, công nhân có quyền khởi kiện?
14.01.2020 30040 vi.vothanh
Dịp cận Tết, nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca để kịp tiến độ. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài liên tục khiến công nhân kiệt sức và không có thời gian chăm lo cho bản thân. Vậy, trong trường hợp bị ép buộc làm thêm giờ, người lao động phải xử lý tình huống thế nào?
Doanh nghiệp ép buộc tăng ca, công nhân cạn kiệt sức lực trước Tết
Hiện nay, tình trạng công nhân phải tăng ca với cường độ liên tục để đáp ứng nhu cầu sản xuất đang diễn ra rất phổ biến. Vừa phải làm việc cật lực, vừa chuẩn bị mọi thứ cho dịp cuối năm, người lao động dường như không còn thời gian để nghỉ ngơi. Chị T.Quỳnh, công nhân giày da chia sẻ: “Ngày nào chúng tôi cũng phải tăng ca từ 18h00 - 22h30, liên tục cả tuần, Chủ Nhật vẫn phải làm việc. Xin về sớm để mua đồ Tết cho con cũng không được”. Một công nhân khác trong ngành may mặc cũng cho hay: “Quản lý hứa sẽ cho nhân viên nghỉ sớm, nhưng rồi chỉ có một nửa được ra về, những người còn lại phải làm việc đến tận 11h đêm. Chúng tôi ngồi ròng rã trong nhà xưởng một ngày 15 tiếng, ai nấy đều mệt mỏi. Chưa kể đến việc lương tăng ca đến qua Tết mới được nhận”.
Dù theo quy định của pháp luật, một ngày tăng ca 4h không hề sai phạm nhưng tổng số giờ làm thêm trong tháng không được vượt quá 30 giờ. Tại rất nhiều doanh nghiệp, việc thông báo tăng ca chỉ xem như một chỉ thị. Công nhân còn bị ép ký giấy cam kết tự nguyện tham gia sản xuất, có nơi người lao động phải làm việc đến tận 12h khuya mới về.
Khi được hỏi “Có muốn tăng ca hay không”? Nhiều công nhân trả lời rằng dù không muốn nhưng họ buộc phải làm thêm, bởi mức lương cơ bản chưa đủ để chi tiêu cho ngày Tết. Thậm chí, họ cũng không có quyền để trả lời, bởi “Doanh nghiệp thông báo xuống và chúng tôi im lặng làm việc chứ đâu thể phản đối”. Dẫu biết rằng, tăng ca giúp nâng cao thu nhập nhưng doanh nghiệp ép công nhân làm việc với cường độ liên tục khiến họ không còn đủ sức để duy trì đến Tết.
5 Quy định về làm thêm giờ người lao động cần biết
Theo điều 106 của Bộ luật Lao động, quy định làm thêm giờ được thông tin cụ thể như sau:
- Khi tổ chức làm thêm giờ, doanh nghiệp phải được sự đồng ý của người lao động.
- Thời giờ làm thêm của NLĐ không được vượt quá 50% số giờ làm việc chính thức/1 ngày. Đối với trường hợp quy định làm việc theo tuần thì tổng thời gian làm việc và làm thêm không cao hơn 12h/ngày, không vượt 30h/tháng và giới hạn 200 giờ/năm.
- Riêng một số trường hợp sau đây, doanh nghiệp có thể tổ chức làm thêm giờ từ 200 - 300h/năm:
- Sau mỗi đợt làm thêm liên tục từ 7 ngày trong tháng, doanh nghiệp phải bố trí để NLĐ nghỉ bù cho thời gian không được nghỉ trước đó.
- NLĐ làm việc từ 10 giờ trở lên trong ngày sẽ được nghỉ ít nhất 60 phút tính vào thời gian làm việc.
Doanh nghiệp ép tăng ca, công nhân cần làm gì?
Sở dĩ, nhiều công nhân dù rất mệt mỏi nhưng vẫn phải ký giấy tự nguyện làm thêm giờ bởi họ sợ bị doanh nghiệp tìm cách đuổi việc cận Tết. Tuy nhiên, pháp luật nước ta có quy định rõ trường hợp vi phạm thời giờ làm việc sẽ bị xử phạt. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng - 25 triệu đồng đối với doanh nghiệp có hành vi ép công nhân làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của NLĐ.
- Phạt tiền từ 25 triệu đồng - 50 triệu đồng, đình chỉ hoạt động từ 01 - 03 tháng đối với doanh nghiệp tổ chức làm thêm vượt quá số giờ quy định.
Dựa theo căn cứ pháp lý trên, để bảo vệ quyền lợi của mình, công nhân cần thông qua tổ chức công đoàn hoặc liên hệ trực tiếp đến ban lãnh đạo doanh nghiệp để phản đối tình trạng làm việc quá tải. Nếu thỏa thuận không thành, có thể gửi đơn đến phòng LĐ TB&XH các cấp quận, huyện/thị xã nơi mình đang làm việc để yêu cầu hòa giải. Trường hợp vẫn không thể thỏa thuận, NLĐ cần khởi kiện thông qua tòa án của UBND các cấp nhờ giải quyết.
Tăng ca nhiều sẽ giúp công nhân kiếm thêm thu nhập nhưng nếu làm việc với cường độ liên tục, e rằng người lao động sẽ không thể duy trì trong thời gian dài. Chính vì điều này nên khi những người trong độ tuổi từ 35 - 40 không còn đủ sức làm việc, nhiều doanh nghiệp tìm cách sa thải để đưa nhân lực trẻ vào thay thế. Bởi vậy, công nhân cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi về cho mình trong mọi trường hợp.
Bài viết liên quan: “Giam lương” công nhân về quê ăn Tết, doanh nghiệp có phạm luật?
Vũ Vi