Doanh nghiệp có được quyền yêu cầu lao động nữ không mang thai khi mới ký hợp đồng?
21.12.2021 840 hongthuy95
Một trong những điều khoản quá quắt nhất trong Hợp đồng lao động chính là yêu cầu lao động nữ không được mang thai trong thời gian đầu vào làm việc. Tại sao lại như vậy? Làm thế có đúng luật không?

Nhiều lao động nữ được yêu cầu ký cam kết không mang thai khi mới ký HĐLĐ với doanh nghiệp
Lao động nữ mang thai ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất công việc
Tồn tại khá nhiều doanh nghiệp không mong lao động nữ của công ty mình mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi mới giao kết HĐLĐ. Bởi:
- Lao động nữ mang thai ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và thể chất, khiến tiến độ và chất lượng công việc của chính lao động này bị giảm sút, gián tiếp ảnh hưởng đến công việc chung của cả chuyền, đội, nhóm
- Lao động nữ mang thai sẽ có các mốc thời gian đi khám thai định kỳ hoặc đột xuất nếu sức khỏe có vấn đề; điều này ảnh hưởng đến sắp xếp và bố trí công việc của cả chuyền, vì phải tìm người thay thế vào vị trí vốn đã phân công nhiệm vụ sẵn từ trước
- Trường hợp sức khỏe lao động nữ không đảm bảo, được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo không nên làm việc, cần nghỉ ngơi nhiều thì sẽ phải thường xuyên ở nhà, ảnh hưởng đáng kể đến công việc chung, chưa kể, có thể công ty phải tìm người thay thế trong khoảng thời gian dài, tốn chi phí tuyển dụng, đào tạo và trả lương
- Lao động nữ mang thai không phải làm ban đêm hay làm thêm giờ nếu không đồng ý, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch và tiến độ hoàn thành đơn hàng của cả tập thể
- Lao động nữ mang thai đến kỳ sinh thì phải nghỉ tận 6 tháng, công ty chắc chắn sẽ phải tuyển người làm thay nếu thiếu nhân công, lại tốn chi phí
- Lao động nữ nuôi con nhỏ được hưởng chế độ đi làm 7 tiếng/ ca theo quy định, cũng ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chung cũng như khả năng duy trì sản xuất của cả chuyền
- …
Rõ ràng, trong khi vừa tuyển người mới vào chưa biết giá trị họ mang lại được bao nhiêu vậy mà đã phải hỗ trợ họ trong thời gian thai sản khiến nhiều doanh nghiệp không mấy vui. Do đó, để hạn chế tình trạng thiếu người, tốn của, không ít cơ sở thỏa thuận và yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai khi mới giao kết hợp đồng.

Lao động nữ mang thai thường làm việc giảm năng suất
“Cấm” mang thai khi vừa ký hợp đồng có đúng luật?
Luật cho phép mỗi cặp vợ chồng, cá nhân tự quyết định thời gian sinh con và khoảng cách sinh con cho mình. Do đó, việc doanh nghiệp yêu cầu lao động nữ ký cam kết không mang thai trong giai đoạn đầu giao kết HĐLĐ là vi phạm pháp luật, cả về luật dân số lẫn luật lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ.
Vi phạm cam kết mang thai, lao động nữ có bị đuổi việc?
Nhiều người tỏ ra lo sợ vì bản thân đã ký vào cam kết không mang thai khi mới giao kết HĐLĐ, tức là đã đồng ý và cam đoan không vi phạm. Tuy nhiên, nếu lỡ phạm phải “điều tối kỵ” đó thì phải làm sao? Có phải họ sẽ bị trừ lương, đuổi việc như đã thỏa thuận không?
Câu trả lời là không.
Trường hợp, lao động nữ dù có đồng ý ký vào bản cam kết đó khi ký hợp đồng thì văn bản này cũng sẽ không có giá trị pháp lý. Do đó, để không bị đưa vào “tròng” rồi lo sợ, NLĐ cần nắm và hiểu rõ về luật để tự bảo vệ mình. Hãy nhớ rằng, doanh nghiệp sẽ không được xử lý kỷ luật lao động với lao động trong thời gian mang thai hay nuôi con nhỏ. Nếu bị doanh nghiệp gây khó dễ hay hù dọa hãy mạnh mẽ đấu tranh đòi quyền lợi! Tìm đến tổ chức công đoàn hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giúp đỡ nhé!

Lao động nữ sẽ không bị đuổi việc nếu lỡ mang thai trong thời gian thỏa thuận đã ký trước đó
(Theo Luật Việt Nam)