Doanh nghiệp có được tự ý cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương?
18.07.2023 430 hongthuy95
Nghỉ không lương là quyền lợi của NLĐ được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vậy phía công ty có được tự ý cho NLĐ nghỉ không lương không? Nếu có thì trong những trường hợp nào? Hoặc khi cho nghỉ không lương trái luật thì có bị xử phạt gì không?... Tất cả thắc mắc trên sẽ được Vieclamnhamay.vn giải đáp chi tiết trong bài viết hôm nay!
Nghỉ không lương là gì?
Nghỉ không lương hay nghỉ việc không hưởng lương là trường hợp NLĐ nghỉ không làm việc trong một khoảng thời gian nhất định và không nhận được tiền lương theo thỏa thuận trong thời gian nghỉ đó. Đây là một trong những quyền lợi hợp pháp của NLĐ, được pháp luật bảo vệ nhưng cần có lý do chính đáng.
Thông thường, NLĐ ít khi đề nghị nghỉ không lương do cần nguồn thu nhập hàng tháng để chi tiêu và ổn định cuộc sống, trừ một số trường hợp đặc biệt, bắt buộc phải nghỉ không lương như ốm đau bệnh tật, thai sản, có người thân kết hôn hoặc qua đời, hay một số trường hợp đặc biệt khác theo nội quy công ty...
NLĐ bị cho nghỉ không lương khi nào?
Bộ Luật lao động 2019 quy định NLĐ được nghỉ không lương trong các trường hợp sau đây:
- Chủ động thỏa thuận với DN về việc nghỉ làm không hưởng lương, có lý do chính đáng, trong một khoảng thời gian nhất định
- Có người thân là cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em kết hôn hoặc qua đời
- Bị ngừng việc do lỗi của chính NLĐ
- Thuộc trường hợp bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo quy định
- Một số trường hợp đặc biệt khác theo quy định của DN, nhưng phải tuân thủ theo luật định
DN có được tự ý cho NLĐ nghỉ không lương không?
Từ những thông tin trên đây có thể thấy, DN chỉ chấp thuận và giải quyết cho NLĐ được nghỉ không lương khi thuộc 1 trong các trường hợp được cho phép theo luật định, hoặc có thỏa thuận từ 2 bên. Còn lại thì không thể tự ý cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương.
Tự ý cho NLĐ nghỉ không lương, DN có bị xử phạt gì không?
Nói đến đây hẳn ai cũng hiểu việc DN tự ý cho NLĐ nghỉ không lương là vi phạm pháp luật. Trường hợp NLĐ bị buộc nghỉ làm không hưởng lương theo yêu cầu của công ty và không có bất kỳ thỏa thuận nào với NLĐ, cũng không đưa ra lý do chính đáng thì sẽ được coi là bị ngừng việc do lỗi của DN, NSDLĐ. Khi đó, theo quy định, phía DN sẽ phải trả đủ lương theo HĐLĐ cho NLĐ trong những ngày họ bị ngừng việc, nghỉ làm không hưởng lương trái phép. Ngoài ra, DN còn bị xử phạt vi phạm hành chính bởi hành vi tự ý cho NLĐ nghỉ làm mà không trả lương, mức xử phạt sẽ căn cứ theo số lượng NLĐ bị vi phạm, dao động từ 5 - 50 triệu đồng.
NLĐ được xem là đối tượng yếu thế hơn trong chuyện đòi hỏi và tranh chấp quyền lợi với DN, nhất là các quy định về lương thưởng và đãi ngộ khác. Do đó, nắm rõ quy định của pháp luật về những điều khoản liên quan giúp tự bảo vệ mình trước những chế độ thiếu công bằng và minh bạch của công ty là cần thiết đối với mọi lao động, nhất là LĐPT ít hiểu biết.
(Theo Luật Việt Nam)