Được tăng ca Công nhân mới có Tết
28.11.2024 3717 hongthuy95
Vốn nhận lương ổn định 8 triệu đồng/tháng nhưng từ đợt lương tháng 10, rồi tháng 11 vừa rồi, chị Trang chỉ được hỗ trợ 70% lương, nghỉ giãn việc nhiều - chồng làm tự do nên không có việc. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình 5 miệng ăn giờ đè nặng trên vai cô công nhân trẻ. Đặc biệt, khi Tết đến Xuân về cận kề, bao nhiêu chi phí phải lo càng khiến đôi vợ chồng trẻ thêm áp lực.
Việc ít - Lương thấp… nhưng trăm thứ phải chi
Tìm đến nói chuyện với chị Trang tại căn phòng trọ vỏn vẹn 15m2. Giờ này chị không có ở trọ vì phải bận đưa mẹ già vừa phẫu thuật u tuyến giáp đến bệnh viện rửa vết mổ. Trong không gian chật hẹp, ẩm thấp, 2 đứa con tự trông nhau tự chơi để cha nấu ăn tối.
Kể nhanh hoàn cảnh gia đình, anh Tuấn (chồng chị Trang) tâm sự: Trang học xong cấp 3 thì rời Tuyên Quang xuống Hà Nội xin làm công nhân trong KCN Thăng Long 6 năm nay. Ở đây ít tuyển lao động nam nên anh đành ở quê chạy việc vặt. Hai vợ chồng thi thoảng mới được gặp.
“Trước việc nhiều, mỗi tháng cũng phụ với vợ được 5-6 triệu, lương Trang 8 triệu 1 tháng chưa tính tăng ca nên thành ra sinh hoạt cũng thoải mái. Nhưng kể từ khi dịch, thậm chí sau dịch mà công ty mãi vẫn chưa khôi phục hoàn toàn tình hình sản xuất - đơn hàng nhỏ giọt - việc ít, làm cả tháng không đủ ngày công chứ nói gì đến mong tăng ca kiếm thêm. Rồi thêm mẹ già bệnh nặng hơn năm nay, anh không có việc để làm, chị cũng bị giảm lương, cuộc sống giờ khó khăn lắm. Anh thương vợ nhưng cũng đành bất lực, chỉ biết phụ việc nhà, chăm con và động viên cô ấy giữ sức khỏe…”
Chừng chập choạng tối thì chị Trang cùng mẹ về. Tiếp lời chồng, chị rơm rớm: “Chị thấy có lỗi với mẹ khi không thể lo bệnh cho mẹ chu đáo hơn. Vì nghèo túng. Chỉ cố gắng mỗi ngày sau giờ làm nhờ chồng chăm con và lo cơm nước để chị đưa mẹ vào viện kiểm tra sức khỏe chứ tiền đâu mà lo viện phí nhiều ngày liền. Khổ lắm em ơi, đến mượn nợ cũng chẳng biết mượn ai bây giờ. Cứ chỗ này hối thì mượn mới chỗ kia trả tạm.”
Hỏi thêm về chuyện đi làm nhiều năm nay liệu vợ chồng có để dư ra đường khoảng nào không, nữ công nhân gần 40 tuổi lắc đầu dứt khoát: “Không. Trước vừa đủ sống. Nay thiếu nhiều. Nhưng may là vẫn có việc để làm, thi thoảng lại nhờ mối giới thiệu của mấy chị cùng chỗ làm chia cho vài đơn hàng ngoài để kiếm thêm nên có tháng cũng cộng thu nhập lên 2-3 triệu."
Tăng ca mới mong có Tết
Từng nghĩ đến chuyện nghỉ công ty hiện tại để chuyển sang nơi khác làm biết đâu việc nhiều, được tăng ca đều tăng thu nhập - nhưng qua chỗ mới lại phải bắt đầu lại từ đầu, lương công nhân mới không cao bằng chỗ làm hiện tại, rồi chưa được đóng bảo hiểm ngay hay thậm chí, với số tuổi của chị, không nhiều công ty đồng ý tuyển mới...
Rồi tìm cái gì đó kinh doanh riêng biết đâu hên lại có đồng ra đồng vô. Nhưng vốn đâu? Phần sợ thất bại nên chị cứ lần lựa mãi. Rồi đi làm thêm việc gì đó sau giờ làm cũng không ổn, vì còn mẹ già phải chăm và đám con cần coi sóc trong khi một mình chị không thể xoay xở được.
“Chị giờ chỉ biết bám víu vào công việc công nhân này thôi. Chỉ mong công ty sớm có thêm nhiều đơn hàng mới để công nhân được đi làm đều, tốt hơn thì tăng ca để tăng thu nhập. Bằng không, đói ăn ngày 3 bữa, đến cả Tết cũng không có mà trông.”
Cả Doanh nghiệp và Người lao động đều muốn tăng ca sau dịch?
Nếu không lạc quan thì biết than ai?
Cuộc sống thiếu thốn là vậy thế nhưng trên gương mặt của những thành viên trong gia đình luôn thường trực nụ cười. Họ cười lạc quan, thêm phần hy vọng. Hỏi về nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng trên vai như thế, hai vợ chồng liệu có bao giờ lục đục, cãi nhau không, chị Trang bật cười đáp: “Có chứ. Anh chị cãi nhau chủ yếu vì tiền đó. Khi nào trong nhà hết tiền mà không xoay ở đâu được thì chị cứ trút giận lên chồng. Anh hiểu mình áp lực nên thường nhịn. Sau nghĩ lại chị hay xin lỗi lắm, rồi nấu thêm mấy món ngon ngon để cả nhà vui vẻ…”
Còn chuyện thu nhập không mấy cao, chị Trang cũng cho hay chị và chồng tuy có áp lực nhưng không hề bi quan. Bởi chị hiểu rằng, có việc để làm, có lương để nhận mỗi tháng cũng là một may mắn. Vì ngoài kia còn bao lao động phổ thông đang chật vật tìm việc và giữ việc. Mức lương hiện tại tuy không quá cao nhưng nếu chi tiêu tiết kiệm, cộng thêm lương của chồng và khoản trợ cấp bệnh tật của mẹ thì gia đình chị cũng đắp đủ qua ngày chứ không đến nỗi túng thiếu đến kiệt quệ. Chưa kể, may mắn nhất là được mọi người xung quanh giúp đỡ, cho mượn tiền lúc khó khăn chứ không hề khó chịu hay lo sợ mượn rồi không trả nỗi.
"Cứ lạc quan mà sống. Bi quan rồi khóc than cũng đâu giúp mình có thêm tiền để chi tiêu..." - chị Trang tâm niệm.
Thống kê về dân số và nhà ở cho biết, hiện trên cả nước có hơn 1,7 triệu lao động cần chỗ ở ổn định trong khi thu nhập bình quân chỉ khoảng 4-6 triệu đồng/ tháng, chưa tính tăng ca. Những người này gần như không có khả năng mua nhà bởi nhiều chi phí phải lo nên không có tiền tích lũy. Đa số công nhân phải chấp nhận ở nhà/ phòng thuê giá rẻ, cơ sở vật chất xuống cấp, an ninh lỏng lẻo; nhiều phòng trọ rất chật hẹp, diện tích chỉ 2-3m2/ người.
Ms. Công nhân