Làm thế nào để phòng chống bụi công nghiệp cho công nhân nhà máy?
12.05.2020 7328 vi.vothanh
MỤC LỤC
Trong quá trình sản xuất, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng đều phát sinh ra bụi công nghiệp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến máy móc và sức khỏe người lao động. Liệu có giải pháp nào để giảm thiểu và phòng chống bụi cho công nhân trong các nhà máy hay không?
Các dạng bụi công nghiệp và nguyên nhân tạo ra bụi
Bụi công nghiệp là loại bụi sinh ra do hoạt động sản xuất của con người thông qua quá trình gia công, chế biến sản phẩm, xây dựng, vận chuyển… Có rất nhiều loại bụi công nghiệp khác nhau:
Dựa theo nguồn gốc:
- Bụi vô cơ: Bụi từ các hạt kim loại, khoáng chất như than, đất đá, sắt, kẽm...
- Bụi hữu cơ: Bụi động vật (lông, xương bột); bụi thực vật (gỗ, bông); Bụi hóa chất (bột phấn, hàn the, vôi xây dựng); Bụi cát…
Dựa theo kích thước:
- Bụi có thể nhìn được bằng mắt thường, qua kính hiển vi hoặc chỉ nhìn được qua kính hiển vi điện tử (Bụi mịn, hạt mù, hạt khói…)
Dựa theo tác hại:
- Hạt bụi gây nhiễm độc: Thủy ngân, chì, benzen…
- Gây nổi ban, dị ứng, viêm mũi: Bụi từ bông, gai, tinh dầu gỗ…
- Gây xơ phổi: Bụi Thạch Anh, Silic…
- Sinh ung thư: Bụi quặng, từ chất phóng xạ, nhựa đường…
Tác hại của bụi công nghiệp trong sản xuất
Chỉ điểm sơ qua việc phân loại đã có thể thấy được tác hại của bụi công nghiệp. Trong sản xuất, loại bụi độc hại này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động máy móc và sức khỏe người lao động:
➤ Đối với máy móc, nhà xưởng
- Hạt bụi bám vào máy móc làm cho thiết bị công nghiệp nhanh hao mòn, hư hỏng.
- Bụi bám vào ổ trục, bánh răng làm tăng ma sát, giảm năng suất hoạt động.
- Bám vào mạch động cơ gây nên hiện tượng đoản mạch và cháy thiết bị.
➤ Đối với cơ thể người lao động
- Tác hại đến mắt: Hạt bụi vào mắt có thể gây viêm giác mạc, viêm màng tiếp hợp làm giảm thị lực, tổn thương mắt.
- Tác hại đến da: Bám vào lỗ chân lông gây bệnh viêm da, khô da, nắc nẻ, dị ứng ngứa, hoặc nghiêm trọng hơn nếu ảnh hưởng từ bụi hóa chất có thể dẫn đến ung thư.
- Tác hại đến đường hô hấp: Tùy vào nguồn gốc của bụi sẽ dẫn đến các bệnh như viêm họng, phổi, phế quản. Đặc biệt, hạt bụi có kích thước nhỏ vào phế nang có thể gây ra bệnh bụi phổi.
4 Biện pháp phòng chống bụi công nghiệp cho công nhân trong sản xuất
Chính những tác hại nghiêm trọng từ bụi khiến nhiều công nhân trong nhà máy chế biến gỗ, giấy, sợi bông… thường xuyên gặp dị ứng và lo lắng cho tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, mối nguy hại từ bụi công nghiệp có thể giảm thiểu nếu doanh nghiệp và người lao động áp dụng các biện pháp cải thiện sau:
➤ Biện pháp tổ chức
- Bố trí đường vận chuyển riêng biệt cho các xe chở nguyên vật liệu mang nhiều bụi.
- Tưới ẩm mặt đường vận chuyển, công trình khi trời nắng gió, hanh khô.
- Trồng nhiều cây xanh quanh khu vực nhà máy, xí nghiệp.
➤ Biện pháp kỹ thuật
- Thường xuyên lau chùi máy móc, vệ sinh nhà xưởng giúp giảm lượng bụi dự trữ và hạt bụi bám vào trang thiết bị.
- Che đậy máy móc có hoạt động sản sinh ra nhiều bụi.
- Lắp đặt ống hút bụi thải ra bên ngoài, dùng hệ thống thông gió tự nhiên, nhân tạo để giảm bớt bụi khi sản xuất.
- Áp dụng công nghệ máy móc hiện đại nhằm hạn chế công nhân tiếp xúc nhiều với bụi.
➤ Biện pháp bảo hộ
- Trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng cho công nhân khi làm việc trong môi trường có nhiều bụi độc hại như: quần áo, kính, khẩu trang, mặt nạ…
➤ Biện pháp y tế
- Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân nhằm phát hiện, điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp liên quan đến hô hấp.
- Thường xuyên kiểm tra nồng độ bụi trong nhà máy để có biện pháp vệ sinh, lọc, giảm hàm lượng bụi.
Công nhân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong môi trường nhiều bụi công nghiệp?
Để hạn chế các bệnh liên quan đến bụi công nghiệp như bụi phổi, viêm da, công nhân cần chú ý những điều sau:
- Hạn chế trò chuyện, trao đổi, ăn uống trong khu vực nhà xưởng có nhiều bụi.
- Thay quần áo, rửa tay chân trước lúc ăn uống và khi về nhà.
- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định đồng phục trong sản xuất.
- Vệ sinh sạch sẽ đồ bảo hộ sau khi sử dụng mỗi ngày.
- Khi thấy có dấu hiệu liên quan đến viêm phổi, da, mắt cần đến cơ sở y tế kiểm tra để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Nhà máy, phân xưởng chứa nhiều khói bụi độc hại là một trong những lý do khiến công nhân không thể gắn bó lâu dài với công việc. Vì vậy, cả doanh nghiệp và người lao động cần chú ý vệ sinh, áp dụng các biện pháp cải thiện bụi trong môi trường sản xuất để bảo vệ sức khỏe công nhân cũng như nâng cao năng suất làm việc.
Có thể bạn quan tâm: Kỹ năng thoát hiểm và 5 cách xử trí khi sập hầm mỏ công nhân cần biết
Ms. Công nhân