Liệt kê 5 chế độ đãi ngộ bằng tiền cho công nhân nhà máy
12.01.2022 1720 hongthuy95
Thu nhập hàng tháng cao một chút là mong mỏi của nhiều công nhân, LĐPT có mức sống thấp. Ngoài lương, số tiền có thể tăng thêm lên ít nhiều đến đáng kể nhờ các chế độ đãi ngộ khác. Đó là gì? Cùng Vieclamnhamay.vn liệt kê chi tiết để xem bạn có đang được “đối xử” công bằng và đúng luật không nhé!
Đãi ngộ càng nhiều, công nhân càng thích!
Khi được hỏi “điều gì thu hút bạn ứng tuyển vào nhà máy A, doanh nghiệp B?”, phần đa công nhân, LĐPT sẽ trả lời là “thu nhập”, “lương cao” hay “chế độ đãi ngộ hấp dẫn”…
Tại sao vậy?
- Vì họ rất thực tế: cần tiền để chi tiêu và để phần dư; hoặc cần hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật để sử dụng. Cứ như thế, ở đâu có đãi ngộ càng nhiều thì càng dễ tuyển được người và tuyển nhanh chóng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải cứ tiền nhiều, lương cao là hấp dẫn hơn lương trung bình nhưng nhiều chế độ đãi ngộ tốt khác. Dễ hiểu như, giữa công ty C chỉ trả lương vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng sẽ không thu hút bằng công ty D trả lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có phụ cấp chuyên cần 500.000đ/tháng, phụ cấp xăng xe 500.000đ/tháng, 2 bữa cơm ca, lương tháng 13, du lịch hàng năm, khen thưởng cuối tháng…
Công nhân nhà máy có thể nhận được những chế độ đãi ngộ bằng tiền nào?
Không bao gồm tất cả nhưng hầu hết công nhân, LĐPT nhà máy sẽ nhận được tương đối nhiều những chế độ đãi ngộ bằng tiền sau đây:
+ Lương
Lương là chế độ đầu tiên và dĩ nhiên phải có trong list đãi ngộ mà công ty bắt buộc phải trả cho người lao động. Mức lương mỗi người sẽ không giống nhau và tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như: địa điểm làm việc, quy mô doanh nghiệp, vị trí đảm nhận, khối lượng và chất lượng công việc, thâm niên, khả năng deal lương… Thông thường, công nhân sẽ nhận được mức lương cơ bản trong khoảng từ 5-8 triệu đồng/tháng, các chức vụ cao hơn như Chuyền trưởng, Quản đốc… sẽ được trả lương cao hơn.
+ Các khoản phụ cấp
Bao gồm:
- Nhóm phụ cấp quy định theo chức trách, nhiệm vụ quản lý công việc, như: phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm…
- Nhóm phụ cấp theo tính chất điều kiện lao động, địa bàn lao động, như: phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút; phụ cấp đi lại…
- Nhóm phụ cấp có tính chất khuyến khích, như: phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên, phụ cấp nhà ở, phụ cấp xa nhà…
+ Phụ cấp cơm ca
Hầu hết doanh nghiệp, nhà máy quy mô lớn với số lượng công nhân đông (từ hàng trăm đến hàng nghìn, chục nghìn người) thường sẽ lo luôn 1-2 bữa cơm ca cho người lao động. Tuy nhiên, một số khác hoặc không đủ nhân lực, hoặc hạn chế cơ sở vật chất nên hỗ trợ bằng tiền, gọi là phụ cấp cơm ca, để công nhân tự túc. Mức hỗ trợ cao hay thấp tùy thuộc vào ngân sách của mỗi công ty, cộng thêm tình hình biến động giá cả sinh hoạt hay mức sống tối thiểu của người dân tại đó. Theo thống kê, phụ cấp cơm ca cho công nhân thường dao động trong khoảng từ 13.000 - 20.000 đồng/người/ca/tháng 24-26 công, nghỉ phép ngày nào sẽ bị trừ đi phụ cấp cơm ca ngày đó.
+ Tiền thưởng
Sau lương thì tiền thưởng chính là chế độ giúp công nhân nâng cao thu nhập hàng tháng đáng kể. Tùy vào thỏa thuận hợp đồng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và hiệu quả lao động của mỗi công nhân sẽ áp dụng chi trả các khoản thưởng bằng tiền tương ứng. Thường gặp nhất là: tháng lương thứ 13-14-15; thưởng thành tích làm việc; thưởng thành tích hoạt động phong trào; thưởng các ngày lễ lớn…
+ Các chế độ khác
Có thể là:
- Tiền mừng cưới
- Tiền mừng sinh nhật
- Tiền viếng người thân mất
- Tiền mừng cho các ngày lễ của con công nhân, như 1/6, sinh nhật, trung thu…
- …
Nếu may mắn, công nhân nhà máy có thể nhân được tất tần tật những chế độ đãi ngộ bằng tiền trên đây. Cộng tổng tất cả lại có khi thu nhập hàng tháng phải lên đến 9-10 triệu đồng, thậm chí hơn mà chưa tính lương tăng ca vào.
Ms. Công nhân