Loại hình doanh nghiệp là gì? Phân biệt các loại hình doanh nghiệp phổ biến
15.12.2022 578 doantrangbc
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp là vấn đề nhiều người quan tâm, tìm hiểu khi bắt đầu khởi nghiệp hay muốn thành lập một doanh nghiệp riêng. Vậy bạn đã biết loại hình doanh nghiệp là gì? Và có các loại hình doanh nghiệp phổ biến nào hiện nay. Cùng tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây nhé.
Để tìm hiểu về các loại hình doanh nghiệp trước tiên chúng ta phải hiểu được khái niệm doanh nghiệp là gì? Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Loại hình doanh nghiệp là gì?
Loại hình doanh nghiệp là hình thức kinh doanh do cá nhân, đơn vị, tổ chức lựa chọn, thể hiện mục tiêu mà doanh nghiệp muốn xây dựng. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp phải dựa vào các yếu tố như: Ngành nghề kinh doanh, nguồn lực, quy mô và kế hoạch xây dựng hệ thống vận hành doanh nghiệp.
Phân biệt các loại hình doanh nghiệp phổ biến
Các loại hình doanh nghiệp cùng những đặc điểm và yêu cầu cụ thể đều được nhà nước quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Tìm hiểu một số loại hình doanh nghiệp hiện nay như sau:
- Doanh nghiệp nhà nước
Là loại hình doanh nghiệp do nhà nước quản lý và sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn trong đó. Tùy theo hình thức tổ chức và góp vốn mà sẽ hình thành các doanh nghiệp nhà nước như sau:
-
Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
-
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
-
Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu ở các ngành nghề thiết yếu như: Nhà máy thủy điện có quy mô lớn, nhà máy điện hạt nhân; Hệ thống điện quốc gia; In đúc tiền; Xổ số kiến thiết….
- Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân tự bỏ vốn ra và làm chủ, họ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Và mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà trong đó vốn đầu tư được chia thành nhiều phần bằng nhau và những người góp vốn được gọi là cổ đông. Cổ đông góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức với số lượng không giới hạn nhưng tối thiểu là 03 cổ đông để thành lập một doanh nghiệp. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi cổ phần đóng góp.
Công ty cổ phần được phép phát hành các loại chứng khoán như trái phiếu cổ phiếu theo quy định của pháp luật và được công nhận tư cách pháp nhân khi sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)
Đây là loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay có sự góp vốn từ cá nhân hay tổ chức và trong đó họ chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đóng góp.
Công ty TNHH không có quyền phát hành cổ phiếu nhưng có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Công ty TNHH được chia làm 2 loại là: Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên.
-
Công ty TNHH 1 thành viên là công ty do một cá nhân, tổ chức sở hữu và chịu trách nhiệm tất cả các hoạt động cũng như vấn đề xảy ra trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký.
-
Công ty TNHH 2 thành viên được thành lập bới cá nhân, tổ chức với số lượng thành viên trong công ty từ 2 - 50 người. Thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Có thể thấy thể loại hình doanh nghiệp TNHH 2 thành viên có điểm tương đồng với doanh nghiệp cổ phần trong việc góp vốn, tuy nhiên nếu ở doanh nghiệp cổ phần số vốn được chia thành các phần bằng nhau thì ở doanh nghiệp TNHH 2 thành viên số vốn góp tùy theo khả năng từng thành viên.
- Công ty hợp danh
Là loại hình công ty được thành lập bởi ít nhất hai cá nhân, họ sẽ là chủ sở hữu và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh thì cũng có thể thêm thành viên góp vốn là cá nhân hoặc tổ chức, trong đó những thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã đóng góp, họ không được tham gia quản lý, điều hành công ty hay tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty.
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân khi có giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp và không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Công ty liên doanh
Công ty liên doanh là loại hình doanh nghiệp do hai hoặc nhiều bên hợp tác để cùng thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Trong đó các bên hợp tác có thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam; hiệp định ký giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
Ví dụ như công ty Honda Việt Nam là công ty liên doanh giữa Công ty Honda Motor Nhật Bản, Công ty Asian Honda Motor Thái Lan và Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam.
Tại công ty liên doanh các bên tham gia đều phải cam kết góp vốn để có thể thành lập công ty và sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào vốn pháp định của công ty. Công ty liên doanh sở hữu tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là những thông tin cơ bản về các loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Ngoài ra để thành lập một doanh nghiệp mới các cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu chi tiết về đặc trưng, cơ cấu tổ chức hay thủ tục pháp lý được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Ms. Công nhân