Mất đơn hàng năm 2022 nếu đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng
24.09.2021 1295 hongthuy95
“Chúng tôi đang phải đối mặt với tình huống xấu nhất: phá sản. Vì hầu hết khách hàng đã báo hủy đơn, phạt xuất hàng chậm; các đơn hàng mới vào năm sau cũng không thể có… Đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng không còn là nguy cơ mà đã trở thành sự thật” - giãi bày trong Thư kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ của đại diện một doanh nghiệp dệt may.
Doanh nghiệp nào cũng gặp khó
Vieclamnhamay.vn từng lên bài “Báo động nguy cơ đứt gãy nguồn LĐPT và bài toán cứu nguy kịp lúc” - tuy nhiên, bài toán bao phủ vaccine hiện vẫn chưa đạt tỷ lệ như mong đợi trong khi nhiều doanh nghiệp đã và đang “đuối sức” trong nỗ lực duy trì sản xuất theo phước thức “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” cũng như gánh chi phí test nhanh Covid-19 cho hàng chục nghìn lao động mỗi tuần.
Có đến 7 doanh nghiệp dệt may ở Tiền Giang, quy mô 13.300 lao động gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam… đề nghị được hỗ trợ kịp thời để trở lại sản xuất trước hiện trạng đơn hàng bị mất ngày càng tăng. Được biết, hầu hết các doanh nghiệp này đã phải ngừng sản xuất từ giữa tháng 7/2021 cho đến nay; số ít bố trí sản xuất “3 tại chỗ” thì cũng chỉ duy trì được đến tháng 8. Tất cả đều đối mặt với nguy cơ phá sản, đền hợp đồng do hàng xuất chậm, đơn hàng mới lại không có hoặc không dám nhận dẫn đến cuối năm nay hay cả năm sau không có đơn mới để duy trì hoạt động.
“Hầu hết đơn hàng dệt may đều bán theo mùa, một khi bỏ lỡ sẽ không thể cất kho để bán vào mùa khác (vì không phù hợp) hay năm sau (vì lỗi mode). Chưa kể, thay vì chỉ tham gia công đoạn gia công thành phẩm thì hiện các doanh nghiệp thậm chí đầu tư vào cả khâu thiết kế, sáng tạo ra sản phẩm để chào mời, tìm hợp đồng. Do đó, việc giãn cách kéo dài khiến hoạt động này không thể tiến hành thì lấy đâu ra đơn mới để sản xuất?” - đại diện doanh nghiệp dệt may phân trần.
Ngành da giày cũng gặp khó tương tự. Theo đó, việc kéo dài thời gian giãn cách khiến 80% nhà máy sản xuất mặt hàng này tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất. Ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng chỉ hoạt động với công suất 50-70% bởi giãn cách, thiếu lao động, thu hẹp quy mô, bị hủy đơn hàng…
Với ngành thủy sản, sản phẩm nuôi đến mùa thu hoạch lại không thể xuất đi, cũng không tái sản xuất được. Chưa kể, các chuỗi cung ứng vật tư liên quan ngừng sản xuất cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc hoàn thiện thành phẩm chính, vì thế mà không bán được.
“Công ty hiện có nhà máy 25 triệu lít nước mắm/năm, tiêu thụ đến hàng triệu tấn cá nhưng giờ không thể thu mua giúp dân hay đóng hàng để xuất bán. Nguyên nhân bởi để đưa nước mắm ra thị trường phải có nút chai, song chúng tôi chưa mua được nên đành phải ngưng sản xuất, đóng cửa nhà máy” - lãnh đạo công tư về thủy sản cho biết.
Như vậy, khó khăn chung của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện tại chính là không thể mở cửa hoạt động 100% công suất khiến sản lượng giảm, kéo dài thời gian hoàn thành đơn hàng, không đủ nhân lực để tìm kiếm và sản xuất đơn hàng mới, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, phạt giao hàng chậm, phá sản vô cùng cao. Một số doanh nghiệp thậm chí còn được đối tác thông báo rằng, nếu đến hết tháng 9 không mở cửa trở lại thì họ đành phải chuyển đơn hàng sang thị trường khác…
Tương lai u ám cho nhà máy sản xuất
Hỏi về ý định quay trở lại đặt hàng hay tái khởi động dây chuyền sản xuất khi các doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động ổn định sau dịch - có đối tác cho hay sẽ cân nhắc thêm, cũng có bên thẳng thừng quyết định không vì tốn kém trong khi môi trường sản xuất mới hiện tại khá ổn. Như vậy, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp sản xuất của Việt Nam có nguy cơ mất đơn hàng mới, gần nhất là cho năm 2022, cũng có thể mất cả thị trường. Đấy là chưa kể, không ít cá nhân, tổ chức thậm chí khó mà trụ vững trong năm 2021 nếu giãn cách kéo dài.
Bằng chứng là trong khi sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng vững vàng 12% thì thống kê trong tháng 8 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PMI cũng giảm xuống 40,2 điểm (mức thấp nhất trong 16 tháng qua), phản ánh rõ nét nhất những tổn thất kinh tế mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Những số liệu cụ thể đó được thể hiện chi tiết trong báo cáo có tên: “Tháng 8 không tươi sáng và những “niềm đau” của chuỗi cung ứng”, do ngân hàng HSBC phát hành mới đây.
Doanh nghiệp đóng cửa, đứt gãy chuỗi lao động - sản xuất - cung ứng, mất doanh thu, suy giảm tài chính… chính là những hệ lụy nhìn thấy từ đại dịch. Lúc này, nếu không có giải pháp phù hợp để hành động ngay, nguy cơ mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng sẽ xuất hiện, ngày càng nhiều, việc khôi phục sẽ rất khó. Và “Việt Nam hoàn toàn có thể đánh mất khả năng cạnh tranh với các nước lân cận trong mục tiêu thu hút FDI nếu chần chừ hay sai lầm trong chiến dịch mở cửa và phục hồi kinh tế”…, cảnh báo của chuyên gia.
(Theo Vietnam net)