Ngộ độc khí tại nhà máy: Nguyên nhân và biện pháp xử lý công nhân nên biết
28.10.2019 1822 vi.vothanh
Mới đây, hàng loạt công nhân Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam bị ngộ độc khí phải nhập viện trong tình trạng khẩn cấp. Vụ việc này thực sự nguy hiểm nếu người lao động không được trang bị kiến thức sơ cấp cứu kịp thời. Vậy nguyên nhân ngộ độc khí là gì? Biện pháp xử lý ra sao? Cách phòng ngừa thế nào?... Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Hơn 100 công nhân bị ngộ độc khí tại nhà máy ở Nam Định
Trong hai ngày 14 và 17/10 vừa qua, tại công ty TNHH Golden Victory Việt Nam có đến 100 công nhân với dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu, toàn bộ người lao động phải nhanh chóng nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe. Đến ngày 23/10, sau khi đi làm trở lại thì tiếp tục có người bị ngất. Điều đáng nói ở đây là bảo vệ công ty đóng cổng không cho công nhân ra. Cho đến khi có quá nhiều người bỏ chạy ồ ạt thì công ty mới mở cổng để người lao động về nhà nghỉ ngơi.
Nguyên nhân gây ngộ độc khí tại các nhà máy công nghiệp
Ngay sau khi nhận được thông báo về vụ việc, các cán bộ binh chủng hóa học tỉnh Nam Định đã có mặt tại công ty này để xác định nguyên nhân. Kết quả cho thấy nhiều người phải nhập viện cấp cứu là do ngộ độc khí trong điều kiện môi trường làm việc có dung môi hữu cơ cao. Đây cũng được cho là nguyên nhân chung của nhiều vụ ngộ độc khí tại các nhà máy công nghiệp ở nước ta từ trước đến nay. Cụ thể:
- Điều kiện làm việc nhà máy không đảm bảo. Trang thiết bị, máy móc, vị trí lao động được bố trí với mật độ quá cao, đặt sát nhau và dày đặc làm giảm hiệu quả thông khí.
- Môi trường làm việc sử dụng nhiều hóa chất và dung môi hữu cơ như: Methyl Ethyl Ketone, Acetone; Cyclohexane; Ethyl acetate; Methylcyclohexane…Các dung môi này rất dễ bay hơi, khi gặp nhiệt độ cao sẽ xảy ra phản ứng hóa học và sinh ra những loại khí độc hại cho hô hấp con người.
- Các hệ thống quạt hút, quạt hơi tại công xưởng chưa được bố trí phù hợp. Hệ thống đưa không khí từ bên ngoài vào nơi sản xuất không có cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thông khí kém, gây chóng mặt, khó thở cho người lao động.
- Người lao động không được trang bị đồ bảo hộ thích hợp.

Triệu chứng thường gặp của ngộ độc khí
Thông thường, khi bị ngộ độc khí sẽ có một số biểu hiện giống như bệnh cúm, bao gồm:
- Nhức đầu, buồn nôn, khó thở, yếu người, chóng mặt, khó tập trung, đau ngực, hoa mắt, môi đỏ, tay chân xanh xao.
- Chảy máu trong võng mạc mắt.
- Mất kiểm soát, ngất xỉu, hôn mê
Trường hợp ngộ độc nhẹ, công nhân sẽ dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên, nếu hít phải quá nhiều khí độc sẽ dẫn đến ngất xỉu hàng loạt.

Biện pháp xử lý khi bị ngộ độc khí không thể bỏ qua
Ngộ độc khí gây nguy hiểm cho con người như mất trí, tâm thần phân liệt… Trong một số trường hợp, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi nhận thấy bản thân mình và những người xung quanh có triệu chứng ngộ độc khí, công nhân cần thực hiện ngay các bước sau:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhà máy, công xưởng để đến không gian thoáng hơn.
- Gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115
- Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở, nhanh chóng thực hiện thổi ngạt bằng phương pháp hô hấp nhân tạo miệng, mũi.
- Nếu nạn nhân vẫn không tỉnh thì đặt người đó nằm nghiêng một bên, tránh áp suất lồng ngực làm tim ngừng đập hoàn toàn.

Lưu ý: Công nhân cần đưa người bị ngộ độc ra khỏi nơi nguy hiểm rồi mới thực hiện cấp cứu. Tránh trường hợp ngay cả bản thân mình cũng sẽ bị ngạt khí như những người còn lại.
Phương pháp phòng ngừa ngộ độc khí trong môi trường nhà máy
Để đảm bảo an toàn trong môi trường lao động, cả doanh nghiệp và công nhân cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Cải tạo hệ thống lọc khí tại các công xưởng
- Giảm mật độ thiết bị trong không gian chật hẹp, tăng cường vệ sinh công nghiệp.
- Đo nồng độ CO định kỳ đảm bảo không vượt quá ngưỡng cho phép.
- Trang bị khẩu trang hoạt tính có thể lọc hơi, khí độc để bảo vệ đường hô hấp.
- Đồng thời, doanh nghiệp cần trang bị cho người lao động những kỹ năng sơ cấp cứu hô hấp, đề phòng khi có trường hợp ngộ độc xảy ra, có thể xử lý kịp thời, giảm thiểu mức độ nguy hiểm xuống mức thấp nhất.
Ngộ độc khí là một trong những rủi ro thường gặp ở những nhà máy công nghiệp có tần suất làm việc cao. Cả doanh nghiệp và người lao động cần chú ý những thông tin chia sẻ trên đây để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.
Có thể bạn quan tâm: Tranh cãi giảm giờ làm chính thức - tăng thời gian làm thêm, người lao động nghĩ gì?
Ms. Công nhân