Nỗi niềm công nhân với 7 áp lực điển hình không biết tỏ cùng ai
01.03.2021 7471 hongthuy95
Làm công nhân vốn luôn bị xã hội khi dễ, chọn nhầm nơi “nuôi thân” lại tủi thân gấp bội phần. Từ chuyện lương, thưởng, chế độ đến chuyền trưởng/ quản đốc thiếu tâm lý hay những gánh nặng điển hình vốn dĩ cứ đeo bám từng ngày khiến nhiều người luôn mang áp lực từ chỗ làm về nhà và ngược lại…
Ép lương
Cùng là công nhân may, cùng có thâm niên, tay nghề và bậc thợ nhưng nếu làm ở Bình Dương hay Tp.HCM sẽ có mức lương, thu nhập cao hơn hẳn những người làm tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Dẫu biết mức sống ở mỗi nơi khác nhau, quy định về lương tối thiểu vùng cũng khác nhau nhưng sự chênh lệch quá xa về thu nhập hàng tháng trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu, chi phí nhà ở, điện nước, sinh hoạt đều cao khiến cuộc sống của nhiều công nhân không mấy đầy đủ, thiếu thoải mái chứ không dám nghĩ đến có phần dư tích lũy.
Được biết, không ít doanh nghiệp “rởm” lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một lượng lớn công nhân ít học, đưa mức lương thấp, không phụ cấp, trợ cấp, không xét tăng lương, thưởng thâm niên… Số khác dù biết mình thiệt thòi, mất quyền lợi nhưng vẫn cố báu víu làm tiếp vì ngại đổi việc hoặc tìm việc khó.
Bị trừ lương
Trễ 1 phút chấm công bị trừ lương. Đồng phục nhăn nhúm bị trừ lương. Đi vệ sinh lâu trên 5 phút bị trừ lương… và rất nhiều những quy định trừ lương quái gỡ khác đến từ những nhà xưởng “chẳng ra làm sao”.
“Dù đã rất cố gắng nhưng có những hôm kẹt xe hay thức dậy muộn vì hôm trước tăng ca đến gần sáng; rồi những hôm bị đau bụng đột ngột, phải ôm nhà vệ sinh liên tục… thế là bài ca “bị trừ lương “ cứ văng vẳng ngay từ đầu chuyền. Thôi thì quy định là quy định. Vấp lỗi nào, phải nộp phạt lỗi đó. Trong tổ thậm chí có công nhân đến tháng bị mất hơn nửa tháng lương do bị trừ lương quá nhiều”
Rõ ràng, sâu sát trong quản lý và giám sát tiến độ làm việc của công nhân là đúng. Nhưng cơ chế và chính sách phải quán triệt và phù hợp. Thay vì cứng nhắc trong từng quy định, chuyền trưởng hay quản đốc có tâm là người linh hoạt trong quyết định để đưa ra những xử lý hợp tình, hợp lý, để người lao động yên tâm làm việc và được tạo điều kiện khi gặp khó khăn hay sự cố ngoài mong muốn.
Chi phí sinh hoạt, chăm con
Từ chuyện bị ép lương, lương thấp hay không được tăng ca, áp lực tiền chi tiêu cho các khoản sinh hoạt thường ngày đè nặng. Nhất là những gia đình có con đang tuổi ăn, tuổi học, mức phí hàng tháng bị đội lên khá cao.
“Ngoài tiền thuê nhà, ăn uống, điện, nước, điện thoại, vợ chồng tôi còn phải xin tăng ca liên tục để có tiền đóng học phí, mua sách vở, quần áo mới cho con; rồi xe đạp đến trường, thuốc thang nếu chẳng may đau ốm… Cứ thế, mỗi tháng cũng ngót nghét 5-6 triệu cho nhà 4 người. Chưa kể phải cố gắng kiếm thêm để gửi về quê cho bố mẹ già 2 bên chứ thu nhập (đã tính tăng ca) 14 triệu của 2 vợ chồng là không thể đủ.”
Tăng ca liên tục
Đúng là nhiều công nhân mong được tăng ca để có thêm thu nhập, chi tiêu thoải mái hơn. Những lúc người nhiều, việc ít, lương lại giảm như thế này (do ảnh hưởng của dịch bệnh) thì chuyện tăng ca thực sự được trông đợi. Tuy nhiên, không phải cứ muốn tăng ca là được. Luật quy định thời gian tăng ca tối đa và quyền lợi kèm theo cho công nhân viên. Ấy thế mà, nhiều doanh nghiệp vẫn nhắm mắt làm ngơ, cố tình “bóc lột” sức lao động của nhiều lao động yếu thế để trục lợi.
Công nhân dù biết mình thua thiệt nhưng vì cần tiền, dẫu tăng ca cực khổ, bị trả lương thấp nhưng vẫn chấp nhận do nghĩ “có còn hơn không, được đồng nào hay đồng đó”.
Không chăm lo cho con tốt hơn
Thu nhập thấp khiến số lần đưa con đi chơi mỗi dịp cuối tuần hay ngày lễ, tết với công nhân là điều gì đó rất xa xỉ. Thêm nữa, việc tăng ca liên tục cũng chiếm hết thời gian bên con của họ. Nhiều người nhận ra mình lơ là trong việc chăm sóc, dạy dỗ và quan tâm, chơi đùa cùng con nhưng không thể làm khác được. Áp lực cơm áo gạo tiền bắt buộc họ phải làm, làm nhiều, làm hết sức mới mong có một mức thu nhập ổn để nuôi con, chuyện chăm con có thể sau này mới tính được.
Không có thời gian dành cho bản thân
Với nữ công nhân, chuyện chăm chút cho bản thân vốn đã ít, những ai có chồng, có con lại còn hiếm hoi hơn. “Nhiều khi nghĩ thôi đã thấy xa xỉ. Tết đến không dám ra tiệm làm tóc, vệ sinh bộ móng tay hay sắm cái váy mới, đôi giày đẹp. Tất cả đều dành hết cho chồng con”. Gặp phải người chồng hiểu chuyện thì êm ấm. Có kẻ còn tỏ vẻ chán ngấy vì nhìn vợ lôi thôi lết thết, không xinh đẹp, dịu dàng, không quan tâm, lo lắng cho mình nhiều như những cô gái ngoài kia. Thế là có thói hư bên ngoài. Chưa kể nhiều hôm tan ca còn rủ nhau chén chú chén anh với đồng nghiệp, chi phí phát sinh ngoài dự kiến bị đội lên quá cao chỉ trong vài tiếng.
Quát mắng tại chỗ
Khi được hỏi điều ám ảnh nhất khi đi làm công nhân là gì? Nhiều người rùng mình bảo: “Đó chính là gặp phải Chuyền trưởng hay Quản đốc khó tính, không tâm lý, lại hay cậy quyền bắt nạt công nhân”. Hỏi ra mới biết, những người này thường hay to tiếng với kẻ dưới, hễ mắc lỗi là “bô bô” lên chửi xối xả tại chỗ không suy nghĩ, cũng không để cấp dưới giải thích hay thanh minh. Cứ thế, không bị áp lực vì đơn hàng, mẫu mã cũng dính stress vì xấu hổ, bất công.
“Sai bị chửi đã đành. Khi không bị lôi ra đứng nghe chửi càng bất mãn hơn. Có hôm chị ta khó chịu trong người hay gây lộn với người nhà, hoặc đơn giản nếu mình làm gì khiến chị ta không vừa mắt thì y như rằng, một lát sau sẽ bị lấy lí do A, lý do B mà quở mắng, trách phạt. Nếu là người tâm lý và tế nhị, chúng tôi chưa đúng, có thể gọi ra gặp riêng để nhắc nhở cũng được mà!”
Dù là công nhân nhưng chẳng ai mong cuộc sống của mình khó khăn hay túng quẩn. Thay vì bất mãn với cuộc đời, sao không nỗ lực hơn mỗi ngày. Làm việc thật tốt để được công nhận - Tranh thủ tìm thêm việc làm ngoài giờ - Chi tiêu hợp lý… chắc chắn sẽ khiến đời sống cả vật chất và tinh thần được cải thiện, thậm chí nâng cao; gia đình vui vẻ, hạnh phúc.
Ms. Công nhân