Tăng lương công nhân: Doanh nghiệp nói cao, người lao động vẫn chưa đủ sống
06.07.2017 2116 bientap
Liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu hiện nay, giới doanh nghiệp cho rằng đang tăng quá cao. Trong khi đó, về phía người lao động phản ánh thì mức lương công nhân hiện vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu.
Hiện tại, Hội đồng tiền lương Quốc gia đang triển khai việc họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Vì thế mà chủ đề “lương công nhân – doanh nghiệp – người lao động” lại được đặt lên bàn cân và trở nên nóng hơn giờ hết.
Tăng lương công nhân – Doanh nghiệp nói cao
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 được tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua, hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về lộ trình tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 của chính phủ. Theo đó, phía doanh nghiệp cho rằng nếu tiếp tục tăng lương thì họ sẽ bị tăng chi phí và nguy cơ người lao động bị mất việc làm là rất cao. Và điều này cũng sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh về lao động của Việt Nam khi so sánh với các nước trong khu vực.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBA) tại Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Tiền LTT năm 2017 của Việt Nam đã tăng 7,3%, cao hơn rất nhiều so với chỉ số tăng 2,6% của CPI. Tăng lương sẽ giúp người lao động có đời sống tốt hơn, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng nội địa, tuy nhiên, những ngành sản xuất thế mạnh như: gia công sản xuất, dệt may, da giày sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi tăng lương sẽ chi phối không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, mà chúng tôi kiến nghị chính phủ Việt Nam nên tập trung đầu tư hơn vào nền tảng công nghiệp bằng việc tích cực mời gọi đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và hạn chế tăng lương tối thiểu”.
Bạn muốn tìm hiểu thêm: Các hình thức trả lương và cách tính lương người lao động cần biết
Trong khi đó, dẫn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, mức LTT hiện nay của nước ta là cao so với mức tăng năng suất lao động và không mang lại lợi ích nào cho doanh nghiệp. Việc tăng lương sẽ tạo gánh nặng cho quỹ lương của doanh nghiệp vì phải tăng các khoản đóng bảo hiểm cho công nhân, người lao động. Khi chi phí tăng quá cao rất dễ dẫn đến khả năng các doanh nghiệp FDI, liên doanh, công ty cổ phần… buộc phải cắt giảm lao động.
… người lao động vẫn chưa đủ sống
Theo chia sẻ của PCT Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – ông Mai Đức Chính, việc tăng lương cho người lao động được thực hiện điều 91 của Bộ luật Lao động là phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Nhưng hiện nay mức lương công nhân vẫn chưa đủ sống, thêm vào đó là tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Với mức lương bèo bọt, rất nhiều công nhân sau nhiều năm làm việc vẫn phải ở nhà trọ, sử dụng thực phẩm bẩn.
“Đúng ra, việc tăng lương tối thiểu này phải được thực hiện ngay từ năm 2013 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực; tuy nhiên, thời điểm đó, Chính phủ nhận thấy nếu triển khai ngay sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nên đã thống nhất với các cơ quan liên quan xây dựng một lộ trình tăng lương cụ thể. Thế nhưng, sau nhiều lần họp bàn vẫn chưa đưa ra được lộ trình tối ưu nhất.”
Theo quan điểm của Liên đoàn, nếu mức lương tăng đến mức đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản thì việc điều chỉnh lương tối thiểu các năm sau chỉ cần căn cứ vào các yếu tố: năng suất lao động, CPI, trượt giá.
Với người lao động, việc tăng lương không chỉ giúp họ giải quyết được bài toán “cơm, áo, gạo, tiền” mà còn tạo ra động lực để công nhân phấn đấu làm việc tốt hơn. Vì thế mà bài toán tăng lương làm sao phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động đang chờ câu trả lời từ những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm.
Xem thêm: Lương nhân viên ngành nào có khả năng tăng nhiều nhất năm 2017?
Ms.Công nhân