Thủ tục đăng ký mã số thuế doanh nghiệp kế toán cần biết
11.02.2019 1348 bientap
Một doanh nghiệp muốn hoạt động không thể thiếu mã số thuế hay còn gọi là mã số doanh nghiệp. Là ứng viên tìm việc kế toán trong công ty mới thành lập, bạn cần nắm được thủ tục đăng ký mã số thuế doanh nghiệp. Bài viết sau đây, Vieclamnhamay.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ càng thủ tục đăng ký này.

► Thời hạn đăng ký mã số thuế doanh nghiệp
Theo quy định tại Thông tư số 01 năm 2013 của Bộ Kế hoạch đầu tư, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy phép thành lập và hoạt động/ Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục đăng ký mã số thuế doanh nghiệp và các chi nhánh trực thuộc. Nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép và xử lý theo luật quản lý thuế.
► Hồ sơ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp tùy từng thành phần doanh nghiệp - sẽ có sự khác nhau:
- Với tổ chức hoạt động kinh doanh (trừ các đơn vị trực thuộc)
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 01 ban hành kèm Thông tư 80 năm 2012 của Bộ Tài chính.
+ Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – với các doanh nghiệp FDI.
+ Bản sao Quyết định thành lập (nếu có).
- Với các đơn vị trực thuộc (Chi nhánh công ty)
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 02 ban hành kèm Thông tư 80/ 2012 của Bộ Tài chính và các bản kê (nếu có).
+ Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chi nhánh hoặc Giấy phép đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 03 – Thông tư 80/2012 của BTC – kèm bản kê cửa hàng khác Quận, Huyện, Thị xã, Tỉnh với cơ sở chính.
+ Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài – nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 04 – Thông tư 80/2012 của BTC – kèm bản kê nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài mà phía Việt Nam nộp hộ thuế.
+ Bản trích lục tiếng Việt hợp đồng ký với nhà thầu nước ngoài.
- Với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, nộp thuế thông qua bên Việt Nam.
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 04 – Thông tư 80/2012 của BTC.
+ Bản trích lục tiếng Việt hợp đồng ký với phía Việt Nam.
- Với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự - cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam (có hoàn thuế giá trị gia tăng)
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 06 – Thông tư 80/2012 của BTC.
- Với tổ chức được ủy quyền thu thuế, phí, lệ phí…; chủ dự án, nhà thầu chính nước ngoài của các dự án ODA
+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 01 – Thông tư 80/2012 của BTC.
Xem chi tiết và download các mẫu tờ khai ban hành kèm Thông tư 80/2012 của Bộ Tài chính: Tại đây

► Quy trình đăng ký mã số thuế doanh nghiệp
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết, kế toán phụ trách đăng ký mã số thuế đến nộp trực tiếp tại Cục thuế địa phương hoặc có thể gửi chuyển phát thông qua hệ thống bưu chính.
Khi nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan thuế sẽ kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế. Chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ xử lý hồ sơ và cấp mã số thuế cho doanh nghiệp.
► Lưu ý với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Riêng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – sau khi có Giấy chứng nhận đầu tư cần thực hiện thủ tục xin cấp dấu trước khi xin cấp mã số thuế doanh nghiệp.
Mong rằng bài viết của chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trong vấn đề thủ tục đăng ký mã số thuế doanh nghiệp. Hãy tiếp tục cập nhật các tin tức – bài viết về chủ đề kế toán mới nhất tại chuyên mục Blog nghề của Vieclamnhamay.vn.
Ms. Công nhân