Thủy kích là gì? Lái xe xử lý thế nào khi gặp tình trạng thủy kích?
26.11.2020 1159 hongthuy95
Lái xe trong nội thành Sài Gòn hay lưu thông vào mùa mưa lũ có thể khiến xe rơi vào tình trạng thủy kích. Vậy thủy kích là gì? Lái xe xử lý thế nào khi xe rơi vào tình huống thủy kích? Đi tìm lời giải đáp cùng Tuyencongnhan.vn nhé!
Thủy kích là một trong những nỗi ám ảnh của lái xe vì vừa không thể tiếp tục di chuyển, vừa tiêu tốn chi phí sửa chữa lớn. Hiểu thủy kích là gì và cách xử lý ra sao sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc lái xe.
Thủy kích là gì?
Thủy kích là thuật ngữ chỉ hiện tượng xe bị ngập khiến nước tràn vào đường ống hút gió, làm xe chết máy đột ngột.
Xe gặp tình trạng thủy kích, nguy cơ cao sẽ bị hỏng hóc động cơ (trái tim của xe), nhất là nếu lái xe cố đề máy để nổ trở lại. Lúc này, nước sẽ bị hút sâu vào bên trong rồi chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp, xuất hiện lực ép lớn, tạo phản lực làm biến dạng tay biên và piston; tay biên bị biến dạng quá mức sẽ bị gãy và chọc thủng thành động cơ, phá hủy máy xe. Đây là hiện tượng thường gặp khi di chuyển qua những đoạn đường ngập sâu trong mùa mưa lũ hay lúc thủy triều lên.
Hậu quả của Thủy kích là gì?
Không cần nói thì nhiều lái xe cũng thừa biết hậu quả của thủy kích là gì, nghiêm trọng tới đâu. Xe gặp phải tình trạng này không những không thể tiếp tục di chuyển, tốn chi phí gọi cứu hộ mà “đau” hơn nữa là chi phí sửa chữa sẽ vô cùng cao, tỉ lệ thuận với số hư hỏng và giá phụ tùng thay thế. Đã có xe bị thủy kích, nhẹ thì tốn vài triệu, nặng thì phải chi đến hàng chục triệu, thậm chí trăm triệu cho chi phí thay tay biên, cụm động cơ mới, hệ thống điện như đèn, còi, âm thanh giải trí…
Thêm nữa, nếu xe bị ngập nước sâu, gầm xe và vỏ xe có thể bị ăn mòn, oxy hóa, gỉ rét, ố vàng khó khắc phục; các chi tiết nội thất như thảm, ghế dựa và nhiều thứ khác cũng sẽ bị ẩm mốc, hư hại cần sửa chữa hoặc thay mới.
Xử lý thế nào khi xe bị Thủy kích?
Dù thừa biết những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến nếu xe bị thủy kích, tuy nhiên, vì chủ quan gầm cao hay có lý do buộc phải đi qua đoạn đường ngập nước, xe bạn có nguy cơ cao sẽ bị chết máy. Lúc này nên xử lý thế nào để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất?
Như đã trình bày trên đây, khi xe gặp hiện tượng thủy kích, tức chết máy đột ngột thì không còn cách nào an toàn và hiệu quả hơn là ngay lập tức tắt công tắc máy rồi gọi cứu hộ đến để đưa xe về gara hay nơi sửa chữa uy tín. Tuyệt đối không cố đề máy với hy vọng xe sẽ nổ máy trở lại, làm như thế chỉ khiến tình trạnh hư hỏng trở nên nghiêm trọng hơn, đồng nghĩa với chi phí sửa chữa bị đội lên cao hơn.
Thêm nữa, nếu không bắt buộc, hãy lựa chọn một cung đường khác không hoặc bị ngập nông hơn để đi. Trường hợp nhất định phải đi qua đoạn đường ngập nước, hãy tuân thủ nguyên tắc lái xe an toàn mùa mưa bão mà Tuyencongnhan.vn đã chia sẻ ở bài viết trước đó (click vào link để xem chi tiết).
Một giải pháp thực tế được nhiều bác tài lựa chọn nữa là mua gói bảo hiểm xe có bao gồm bảo hiểm thủy kích. Chi phí vào khoảng 0,3-0,5% giá trị sử dụng của xe hiện tại. Nghĩa là, nếu chẳng may xe gặp hiện tượng thủy kích, chi phí sửa chữa sẽ được phía bảo hiểm hỗ trợ chi trả theo thỏa thuận gói bảo hiểm tương ứng.
Còn với những xe không sửa chữa được thì dĩ nhiên cần suy nghĩ đến chuyện đổi xe mới, nhiều tài xế vì thế mà mua xe gầm cao hơn.
Một số lưu ý an toàn khác
- Nếu được hãy đẩy xe đến vị trí cao hơn để giảm mực nước ngập, tránh để xe ngâm nước quá lâu
- Không tự ý kiểm tra và sửa chữa nếu không có chuyên môn kỹ thuật vì có thể khiến tình trạng hư hỏng trở nên trầm trọng hơn
- Chú ý tới mức nước ngập trước khi mở cửa xe ra ngoài. Tuyệt đối không mở cửa nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào cabin gây hư hỏng hệ thống điện và nội thất bên trong. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy di chuyển qua cửa sổ bên hoặc cửa sổ trời…
Hy vọng với lý giải thủy kích là gì, tác hại khi xe bị thủy kích ra sao, cách xử lý thế nào để giảm thiểu thiệt hại giúp các lái xe cẩn trọng hơn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão cuối năm.
Ms. Công nhân