Tìm hiểu 7 món đồ nghề không thể thiếu của thợ nguội
30.11.2020 2166 bientap
Với nghề nguội, trong quá trình làm việc người thợ sẽ cần sử dụng nhiều loại trang thiết bị và dụng cụ khác nhau để thực hiện việc gia công, lắp ráp các sản phẩm cơ khí. Nếu bạn là học viên nghề này thì cùng Tuyencongnhan.vn tìm hiểu những đồ nghề không thể thiếu cho công việc của 1 thợ nguội nhé!
► Những trang thiết bị thợ nguội thường dùng
- Bàn nguội
Bàn nguội là nơi người thợ thực hiện công việc gia công của mình. Về yêu cầu, bàn nguội phải được gia công chắc chắn, không bị xê dịch trong quá trình làm việc và có ngăn kéo để cất dụng cụ. Hiện có 2 loại bàn nguội là:
2 loại bàn nguội |
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Bàn nguội đơn (Dùng cho 1 người làm việc)
|
→ Trong quá trình làm việc, thợ nguội sẽ không bị ảnh hưởng lẫn nhau, nhất là những công việc đòi hỏi độ chính xác cao như lấy dấu… |
→ Trang bị tốn kém, tốn nhiều diện tích |
Bàn nguội kép (Dùng cho 2 người trở lên cùng gia công) |
→ Chắc chắn, ít tốn diện tích, đỡ tốn kém chi phí mua sắm bàn nguội |
→ Vì nhiều thợ cùng làm việc nên dễ gây rung động, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của nhau |
- Êtô
Êtô chính là dụng cụ gá dùng để kẹp chặt vật cần gia công. Êtô gồm: êtô nguội và êtô máy được lắp trên máy phay, khoan…
Về êtô nguội, có 3 kiểu khác nhau:
• Êtô chân: có chân dài - được gắn chặt vào chân bàn nguội nhờ bộ phận giữ kẹp.
• Êtô tay: dùng để kẹp và giữ vật gia công có kích thước nhỏ, thường cầm tay
• Êtô song hành: được gá trên bàn nguội nhờ lỗ bulông trên mặt đế, 2 má kẹp của êtô luôn song song với nhau và kẹp tiếp xúc với vật gia công. Đây là loại êtô dùng nhiều trong gia công các chi tiết chính xác.
* Hướng dẫn sử dụng êtô bàn:
→ Chọn vị trí đứng phù hợp, đặt chân phải thẳng với đường tâm êtô, người thẳng sao cho khi duỗi tay phải chạm được vào phần má kẹp êtô.
→ Mở má kẹp êtô: dùng tay phải nắm chặt đầu dưới tay quay, thực hiện việc quay ngược chiều kim đồng hồ và mở má kẹp ra một khoảng rộng hơn vật gia công.
→ Kẹp vật chặt: đặt vật gia công vào giữa 2 má kẹp sao cho vật nằm trên mặt phẳng ngang, cao hơn má kẹp 10mm. Sau đó quay tay quay theo chiều kim đồng hồ để kẹp vật lại. Lưu ý cần kiểm tra lại và điều chỉnh vật gia công đúng vị trí.
→ Tháo vật kẹp: quay tay quay từ từ - nới lỏng má kẹp 1 chút, đảm bảo vật kẹp không bị rơi -> lấy vật gia công ra -> quay tay tay theo ngược chiều kim đồng hồ.
→ Bảo dưỡng êtô: dùng bàn chải vệ sinh những góc êtô bám bụi, tra dầu vào những chỗ cần thiết.
→ Đóng các má kẹp lại: vặn tay quay theo chiều kim đồng hồ đóng má kẹp lại, lưu ý để 2 má kẹp cách nhau 1 khoảng nhỏ, phần tay quay thẳng xuống phía dưới.
- Máy mài 2 đá
Khi sử dụng máy mài, thợ nguội cần lưu ý những điều kiện an toàn sau:
• Trước khi vận hành máy, phải kiểm tra tình trạng hoạt động các bộ phận, nắp che đá mài, kiểm tra phần khe hở của bệ tì với mặt làm việc của đá có quá 3mm không. Chỉ điều chỉnh phần bệ tì khi đá đứng yên.
• Nếu máy không có bệ tì và nắp che an toàn, không thực hiện mài.
• Khi mài phải đeo kính và lắp kính bảo hiểm.
- Máy khoan
Máy khoan là thiết bị chủ yếu dùng để cắt ren, gia công các lỗ hình trụ suốt và không suốt… Phần mũi khoan chính là dụng cụ cắt tạo lỗ cho vật chưa có lỗ sẵn.
► Những dụng cụ cần cho công việc của thợ nguội
- Dụng cụ tác động
Là những dụng cụ dùng để đập truyền lực từ cánh tay sang dụng cụ cắt hay tác động trực tiếp lên vật gia công. Dụng cụ tác động chủ yếu là búa nguội, gồm 2 loại là búa đầu tròn và búa đầu vuông.
- Dụng cụ gia công
• Cưa tay: cắt phôi theo kích thước yêu cầu, cắt bỏ phần thừa
• Mũi khoan: dụng cụ cắt dùng để gia công lỗ
• Mũi cạo: dụng cụ cắt dùng để gia công tinh sản phẩm, tạo độ bóng và độ chính xác cao
• Đục: dụng cụ cắt dùng khi cần gia công các bề mặt không cần độ chính xác hay bóc đi một lớp kim loại dày
• Giũa: dùng để gia công những vật cần độ chính xác - độ bóng không cao lắm, cắt gọt lớp kim loại mỏng. Giũa thường dùng gia công lại sản phẩm sau khi đục xong.
- Dụng cụ đo và kiểm tra
• Thước lá: thường được chế tạo từ thép hợp kim dụng cụ, rộng từ 10 - 25mm, dày từ 0,5 - 1,5mm; có khắc vạch kích thước. Thước lá dùng để đo độ dài của thanh, trục hoặc xác định khoảng cách giữa các vị trí như: lỗ, rãnh…
Khi đo, thợ nguội sẽ đặt thước song song mặt chi tiết, vuông góc với cạnh chi tiết hoặc khi đo đường kính thì có thể xoay thước theo nhiều vị trí. Để đọc kích thước chính xác, tia mắt phải vuông góc với mặt kích thước tại vị trí đo.
• Thước cặp: có độ chính xác từ 0,02 - 0,1mm, dùng để đo những khoảng cách không lớn (đường kính trong, đường kính ngoài, các bề mặt trụ tròn xoay…)
Khi đọc trị số thước cặp cần lưu ý:
→ Phải giữ thẳng thước trước mặt để đọc kết quả đo chính xác
→ Với số nguyên mm cần đọc theo thang chia thân thước chính, tính từ trái sang phải - tương ứng vạch 0 của du xích
→ Số lẻ sẽ được xác định bằng cách nhân số thứ tự vạch chia du xích trùng với thang chia thân thước với độ chính xác của thân thước, không kể vạch 0.
• Thước góc: xác định trị số thực của góc cần đo
• Ê-ke: đây là dụng cụ dùng để kiểm tra mặt phẳng và góc vuông - không xác định được trị số sai lệch.
→ Khi kiểm tra góc vuông, 1 tay cầm chi tiết - tay còn lại cầm ê-ke, áp 2 mặt ê-ke vào 2 mặt của chi tiết, đặt ngang tầm mắt và quan sát khe hở ánh sáng. Nếu khe sáng rất hẹp hoặc không có khe sáng thì góc đó là 90 độ, trường hợp khe sáng không đều nhau thì góc kiểm tra có thể lớn hoặc nhỏ hơn 90 độ.
→ Khi kiểm tra mặt phẳng, 1 tay cầm chi tiết - tay kia cầm ê-ke rồi áp cạnh ê-ke lên mặt của chi tiết, hướng thước về phía mắt nhìn, đưa lên ngang tầm mắt để quan sát khe hở ánh sáng. Nếu khe sáng đều chứng tỏ mặt chi tiết kiểm tra phẳng.
Trên đây là những trang thiết bị và dụng cụ mà thợ nguội thường xuyên sử dụng khi làm việc. Nếu là học viên cơ khí, bạn hãy học cách sử dụng thành thạo những đồ nghề này để ứng dụng tốt vào công việc sau này…
Ms. Công nhân