Tin vui cho người lao động, được nghỉ thêm 1 ngày lễ dịp Quốc khánh
20.11.2019 2395 vi.vothanh
Sáng ngày 20/11, Quốc Hội đã chính thức thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương dịp Quốc khánh 2/9, giữ nguyên giờ làm thêm tối đa và tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động.
Nội dung của Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được thông qua gồm 17 chương và 220 điều, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Trong kỳ họp lần này, có 90.06% đại biểu Quốc hội tán thành với những điểm sửa đổi. Các nội dung được chỉnh lý bao gồm: Thời giờ làm việc, tuổi nghỉ hưu, ngày nghỉ trong năm, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở làm việc… Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác như chính sách về hợp đồng lao động, tiền lương, quy định riêng đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên. Trong số đó, 3 nội dung thay đổi được nhiều người chú ý nhất là vấn đề ngày nghỉ lễ, tuổi nghỉ hưu và thời gian làm thêm. Cụ thể:
Tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương dịp Quốc khánh 2/9
Từ năm 2021, người lao động sẽ được bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm có hưởng nguyên lương vào ngày liền kề (trước hoặc sau) lễ Quốc Khánh. Cụ thể ngày nào sẽ được chính phủ quy định theo điều kiện thời gian thích hợp của từng năm. Như vậy, vào dịp 2/9, cả nước sẽ được nghỉ ít nhất 2 ngày. Mục đích của sự thay đổi này nhằm giúp người lao động có thêm thời gian tham gia vào các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Tết độc lập. Đồng thời cũng đáp ứng được mong muốn của nhiều bậc phụ huynh trong việc chăm sóc, chuẩn bị cho con cái trước khi bước vào năm học mới.
Giữ nguyên giờ làm thêm tối đa 300 giờ/ năm
Về thời gian làm việc hàng tuần 48 giờ, “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của bộ luật hiện hành” và sẽ “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”. Lý do đưa ra là vì hiện tại, chính phủ chưa thể đánh giá được tác động của việc thay đổi này.
Về nội dung mở rộng khung thời giờ làm thêm, Bộ luật quy định thời giờ làm thêm tối đa vẫn giữ trong khoảng từ 200 - 300 giờ/năm. Tuy nhiên, được quyền nâng mức tối đa 40h/tháng thay vì 30h/tháng như trước đây. Điều này giúp doanh nghiệp có thể điều chỉnh số giờ làm thêm trong tháng vào mùa cao điểm lên mức cao nhất nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá số giờ làm thêm trong năm.
Mặt khác, doanh nghiệp chỉ được tổ chức làm thêm khi có sự đồng ý của người lao động và không được quá mức 50% số giờ làm việc/ngày. Bộ luật cũng bổ sung thêm quy định cụ thể trường hợp nào được phép tổ chức giờ làm thêm trên 200h - 300h/năm.
Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người làm việc trong điều kiện bình thường được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cụ thể từ năm 2021: Lao động nam đủ 60 tuổi 03 tháng và lao động nữ đủ 55 tuổi 4 tháng sẽ được nghỉ hưu. Sau đó, mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ tăng thêm 3 tháng, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng thêm 4 tháng. Đến năm 2028, lao động nam đủ 62 tuổi sẽ nghỉ hưu, lao động nữ đủ 57 tuổi 8 tháng sẽ nghỉ hưu. Năm 2035, lao động nữ đủ 60 tuổi sẽ nghỉ hưu, lao động nam đủ 63 tuổi 9 tháng sẽ nghỉ hưu.
Riêng đối với người lao động ở một số trường hợp đặc biệt, tuổi nghỉ hưu được quy định như sau:
Trước đây, độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55 và quy định này có từ những năm 1961. Hiện nay, nước ta lại đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nên việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm phù hợp với tuổi thọ trung bình của người Việt và đảm bảo ổn định Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Sau một thời gian lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía, Quốc Hội đã có quyết định thay đổi cụ thể trong Bộ Luật Lao động. Đây được xem là một bước đi mới của nhà nước nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động.
Vũ Vi