Tuyệt chiêu phỏng vấn qua điện thoại giúp NTD sàng lọc ứng viên hiệu quả
13.06.2023 431 doantrangbc
Phỏng vấn qua điện thoại là một bước trong quy trình tuyển dụng thường được nhà tuyển dụng (NTD) sử dụng để tiếp cận và đánh giá sơ bộ ứng viên trước khi quyết định mời họ tham gia phỏng vấn trực tiếp. Vậy làm thế nào để tận dụng tối đa thời gian phỏng vấn từ đó tìm ra những ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp mình? Tất cả sẽ được bật mí ngay sau đây.
Phỏng vấn qua điện thoại hiện nay được nhiều doanh nghiệp áp dụng bởi những ưu điểm nổi trội như tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Đồng thời, cũng giúp NTD dễ dàng tiếp cận với các ứng viên ở bất cứ nơi nào, mở rộng phạm vi tuyển dụng hơn.
NTD cần chuẩn bị gì để có một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hoàn hảo
Phỏng vấn qua điện thoại thường mang tính chất nhanh chóng và đơn giản, tuy nhiên NTD vẫn nên lưu ý một vài yếu tố để mang lại kết quả như mong đợi.
- Tạo danh sách câu hỏi phù hợp với từng vị trí công việc sẽ phỏng vấn
Bạn nên lần lượt sắp xếp các câu hỏi để tạo nên một cấu trúc cuộc gọi hợp lý, thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty và không làm tốn thời gian của cả hai bên.
Câu hỏi được đưa ra sẽ dựa vào mô tả công việc, nhiệm vụ sắp tới của nhân viên mới và chiến lược kinh doanh của bạn. Sử dụng các câu hỏi giống nhau cho cùng một vị trí công việc sẽ giúp NTD dễ dàng so sánh sự phù hợp của ứng viên một cách công bằng.
- Lên lịch trước với ứng viên để đảm bảo thời gian phỏng vấn phù hợp.
Bạn có thể gửi email thông báo hoặc gọi điện trước để xác nhận với ứng viên về thời gian phù hợp để thực hiện phỏng vấn.
- Tìm hiểu về ứng viên
NTD cần tìm hiểu, chuẩn bị sẵn sơ yếu lý lịch, CV của ứng viên để đối chiếu thông tin và đưa ra những câu hỏi chính xác nhất. Ghi chú lại những vấn đề cần hỏi liên quan đến kỹ năng, kinh nghiệm của ứng viên để yêu cầu họ giải thích rõ hơn trong lúc thực hiện phỏng vấn qua điện thoại.
- Chú ý thời gian phỏng vấn
Các cuộc phỏng vấn qua điện thoại nên được thực hiện trong 20 - 30 phút là lý tưởng nhất. Vì vậy với vai trò là người dẫn dắt cuộc trò chuyện bạn cần căn chỉnh thời gian phù hợp cho từng nội dung câu hỏi để có thể khai thác những thông tin cần thiết nhất.
- Không nên thực hiện quá nhiều cuộc phỏng vấn trong ngày
Phỏng vấn qua điện thoại được cho là khá nhanh chóng, tuy nhiên người thực hiện phỏng vấn cũng không nên cố gắng thực hiện quá nhiều cuộc phỏng vấn qua điện thoại trong một ngày. Bởi có thể khiến bạn sẽ trở nên mệt mỏi và cảm thấy ít hứng thú với các cuộc thảo luận, từ đó giảm khả năng lưu ý đến các chi tiết, cũng như có nguy cơ đánh giá sai tiềm năng của ứng viên.
- Thông báo các bước tiếp theo
Cuối cùng trước khi kết thúc phỏng vấn qua điện thoại, NTD nên thông báo với ứng viên các bước tiếp theo sau khi buổi phỏng vấn này kết thúc. Bao gồm thời gian thông báo kết quả, cách thức phỏng vấn vòng tiếp theo nếu đạt,... Điều này sẽ cho thấy sự chuyên nghiệp của bạn cũng như hạn chế tình trạng ứng viên gửi email, gọi điện nhiều lần để hỏi về kết quả phỏng vấn.
07 câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại NTD có thể tham khảo
Câu hỏi 1: Hãy giới thiệu đôi nét về bản thân?
Đây là câu hỏi không thể thiếu dù là phỏng vấn qua điện thoại hay trực tiếp. Hầu hết mọi thông tin cá nhân đã được thể hiện trong hồ sơ xin việc nhưng câu hỏi này sẽ giúp người thực hiện phỏng vấn đánh giá thái độ, cách ứng xử và sự tự tin của ứng viên khi chia sẻ.
Câu hỏi 2: Vì sao bạn ứng tuyển vào vị trí này?
Tìm hiểu về lý do ứng tuyển giúp NTD nắm bắt được mục tiêu tìm kiếm việc làm của ứng viên, đó cũng là một cơ sở quan trọng để xem họ có phù hợp với vị trí công việc hay không.
Câu hỏi 3: Bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này chưa? Nếu có, bạn có thể nói rõ hơn về kinh nghiệm của mình được không?
Từ những kinh nghiệm ứng viên chia sẻ NTD có thể đối chiếu với yêu cầu công việc mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Từ đó là cơ sở đánh giá xem ứng viên có phù hợp với tính chất công việc không.
Câu hỏi 4: Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Một ứng viên thực sự quan tâm đến vị trí công việc mình ứng tuyển sẽ không thể không tìm hiểu, cập nhật thông tin cơ bản về công ty. Vì vậy câu hỏi này giúp NTD đánh giá lại lần nữa ứng viên có thật sự nghiêm túc với công việc này hay không, muốn gắn bó lâu dài với công ty hay không. Ngoài ra nó còn cho thấy thái độ chuyên nghiệp, chu đáo và cẩn thận của từng ứng viên.
Câu hỏi 5: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì nếu trúng tuyển vào vị trí này?
Đây là câu hỏi giúp cho NTD tìm kiếm những ứng viên có định hướng công việc rõ ràng. Khi có mục tiêu cho công việc trước mắt chứng tỏ ứng viên am hiểu về lộ trình phát triển của công việc, cũng như cho thấy tiềm năng gắn bó lâu dài cùng công ty. Đó là một tiêu chí mà rất nhiều NTD tìm kiếm.
Câu hỏi 6: Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Từ những câu hỏi trên về trình độ, kinh nghiệm của ứng viên, NTD có thể nhìn nhận sơ bộ được khả năng của họ để đưa ra mức lương dành cho họ. Tuy nhiên, hãy trao đổi để tìm hiểu mức lương mong muốn của ứng viên có đáp ứng ngân sách của công ty hay không.
Câu hỏi 7: Bạn có câu hỏi nào cho tôi không?
Dùng câu hỏi này để kết thúc buổi phỏng vấn không chỉ giúp ứng viên bày tỏ những quan tâm của mình về buổi phỏng vấn cũng như công việc sắp tới mà nó còn giúp NTD đánh giá được sự tập trung của ứng viên trong suốt buổi phỏng vấn thực hiện. Một ứng viên khôn ngoan và có sự tập trung sẽ không hỏi lại những gì mà nhà tuyển dụng đã trình bày trước đó.
Trên đây là 07 câu hỏi thường xuất hiện trong các buổi phỏng vấn qua điện thoại. Những câu hỏi này giúp cho nhà tuyển dụng sàng lọc được những ứng viên phù hợp nhất. Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính chất tham khảo, bởi tùy vào tính chất công việc, đặc trưng từng lĩnh vực mà NTD có thể linh hoạt, sáng tạo trong cách đặt câu hỏi để mang đến kết quả phỏng vấn tốt nhất, tìm kiếm được những ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp mình.
7 Điều ứng viên cần chuẩn bị cho buổi phỏng vấn online suôn sẻ
Ms. Công nhân