7 Điều ứng viên cần chuẩn bị cho buổi phỏng vấn online suôn sẻ
01.06.2020 4739 hongthuy95
MỤC LỤC
Xu hướng phỏng vấn online chắc chắn sẽ được lựa chọn nhiều hơn hẳn sau dịch Covid-19. Bạn sắp có buổi phỏng vấn tìm việc trực tuyến nhưng hoang mang không biết nên chuẩn bị những gì? Dưới đây là một số chia sẻ hữu ích từ chính HR chuyên nghiệp để bạn tham khảo.
Phỏng vấn online sẽ trở thành xu hướng tuyển dụng mới thời đại 4.0?
Không chỉ đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định giãn cách xã hội đợt bùng phát dịch Covid-19, thực tế, trước đó, nhiều công ty cũng đã áp dụng hình thức phỏng vấn online đan xen hoặc thay thế cho mô hình phỏng vấn mặt-đối-mặt truyền thống vì tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất là vòng sàng lọc. Ứng viên tìm việc cũng nhận được nhiều lợi ích hơn như không cần di chuyển đến điểm hẹn, không sợ kẹt xe, lạc đường hay quá hồi hộp khi tương tác trực tiếp…
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận nhiều ứng viên vì chưa quen với hình thức phỏng vấn mới này mà còn bỡ ngỡ và gặp phải không ít trở ngại, chưa biết cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng qua màn hình, thiếu sự tương tác tự nhiên khiến hành vi trở nên gượng gạo…
Tuy nhiên, nếu phía công ty yêu cầu phỏng vấn trực tuyến, một ứng viên chuyên nghiệp phải biết tận dụng cơ hội và thể hiện thật tốt để gây ấn tượng và ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng – muốn vậy, hãy đầu tư tốt cho khâu chuẩn bị được Vieclamnhamay.vn chia sẻ ngay sau đây.
7 Điều ứng viên cần chuẩn bị cho buổi phỏng vấn online
- Sắp xếp thời gian phỏng vấn cụ thể
Bạn chắc chắn đã nộp hồ sơ xin việc online tại nhiều nơi. Do đó, khả năng nhận được lời mời phỏng vấn không chỉ có một. Vì vậy, để tránh trùng lặp làm bỏ lỡ cơ hội, hãy chủ động sắp xếp thời gian của bản thân để tự đề xuất một khung giờ phỏng vấn phù hợp nhất. Đặc biệt, cần lưu ý về mốc thời gian sáng/ chiều/ tối cụ thể để tránh việc 2 bên hiểu nhầm khung giờ hẹn của nhau, chẳng hạn như bạn hẹn 7 giờ tối nhưng không ghi rõ hoặc dùng 19h trong khi nhà tuyển dụng lại hiểu thành 7h sáng… Bên cạnh đó, đừng quên nhắc nhở bản thân ghi nhớ lịch hẹn bằng cách ghi chú mốc thời gian cho từng buổi phỏng vấn vào điện thoại, lịch bàn hay bất cứ đâu bạn cảm thấy có hiệu quả.
- Chuẩn bị các tài liệu cần thiết
Phỏng vấn online thực ra không quá khác biệt so với phỏng vấn trực tiếp, chỉ khác là quá trình tương tác và đối thoại được thực hiện trực tuyến qua màn hình. Vì vậy, bạn cũng cần chuẩn bị các loại giấy tờ như bằng cấp, bằng khen, chứng chỉ… cho thấy bản thâm phù hợp với vị trí đang ứng tuyển để “show” cho nhà tuyển dụng thấy khi chia sẻ thông tin cá nhân. Ngoài ra, các tài liệu liên quan hay các notes nhỏ những ý cần trả lời cho các câu hỏi quen thuộc có thể gặp phải sẽ giúp bạn tham khảo để có câu trả lời chính xác và đầy đủ hơn.
- Trang phục phỏng vấn gọn gàng, lịch sự
Điều này sẽ tạo ấn tượng đầu tiên tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng. Rằng bạn thực sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và tôn trọng người phỏng vấn, dù không gặp mặt trực tiếp. Không cần quá cầu kỳ nhưng trang phục tham gia phỏng vấn online cũng cần phải gọn gàng, lịch sự, trang nhã và phù hợp.
- Kiểm tra thiết bị kết nối kỹ càng
Cần thừa nhận rằng sự thành công của một cuộc phỏng vấn online phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị kỹ thuật – công cụ kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng. Đó có thể là laptop, máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại… bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet để thực hiện “facetime” qua màn hình. Để buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, hãy chắc chắn rằng chúng sẽ luôn làm tốt nhiệm vụ của mình là truyền tin và truyền hình ảnh tốt nhất. Bởi, nếu bắt đầu buổi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng không nhìn thấy hay nghe thấy rõ bạn, tín hiệu chập chờn hay thường xuyên bị gián đoạn, mất kết nối… thì đó sẽ là điểm trừ lớn, thậm chí cuộc nói chuyện sẽ bị hủy bỏ. Ngoài ra, nếu cần thiết, hãy sử dụng tai nghe và micro để cải thiện âm thanh khi tham gia phỏng vấn. Để kiểm tra xem sự chuẩn bị đã tốt và đầy đủ chưa, hãy gọi thử cho một ai đó là người quen của bạn, nhờ họ phản hồi xem chất lượng hình ảnh và âm thanh của cuộc gọi đã ổn định chưa, điều chỉnh và xử lý ngay nếu có sự cố.
- Không gian phỏng vấn yên tĩnh và phù hợp
Lựa chọn và sắp xếp vị trí phỏng vấn phù hợp, yên tĩnh, thoáng và ngăn nắp sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Tuyệt đối không ngồi tại nơi quá ồn ào và đông người qua lại hay quá bừa bộn, u ám… Bởi, điều này phần nào thể hiện tính cách và thái độ của bạn trong công việc, làm cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá và sàng lọc nhanh ứng viên tiềm năng.
- Tập trả lời các câu hỏi thông dụng
Bạn sẽ tự tin và chỉn chu hơn khi trả lời các câu hỏi “tủ” nếu đã chuẩn bị kỹ và may mắn được hỏi đến. Đừng chủ quan rằng chúng đơn giản và chỉ cần nói đúng sự thật thực tế là xong. Đôi khi câu từ phù hợp và mức độ suôn sẻ, diễn đạt tự nhiên sẽ là điểm cộng cho sự chuyên nghiệp và cố gắng của bạn. Luyện tập trước gương, gọi và tập trả lời với một ai đó… là cách hay nên được áp dụng.
- Phong thái tự tin và chuyên nghiệp
Mọi sự chuẩn bị đã xong – hãy chắc chắn rằng bạn luôn tỏ ra là một ứng viên tự tin và chuyên nghiệp nhất, cả trong cách ứng xử, chào hỏi; trả lời câu hỏi phỏng vấn và tương tác qua các cử chỉ, hành vi bằng mắt, gương mặt, nụ cười, tay, dáng ngồi… Một sự thoải mái nhưng nghiêm túc và điềm tĩnh; tự tin nhưng chăm chú và tập trung sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Ứng viên nào cũng sẽ có cơ hội tham gia phỏng vấn online nếu có nhu cầu tìm việc trong thời đại 4.0 như hiện nay. Vì vậy, để đảm bảo buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, hãy chắc chắn rằng bạn đã nghiêm túc chuẩn bị mọi thứ tốt nhất và sẵn sàng bắt đầu tương tác với nhà tuyển dụng qua màn hình trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm: Có nên tìm việc làm online?
Ms. Công nhân