Xin đừng nói suông, hãy quan tâm công nhân nữ bằng hành động!
05.03.2020 1620 vi.vothanh
Đến hẹn lại lên, ngày 08/03 hằng năm, người người lại đua nhau ngợi ca vai trò của nữ giới trong xã hội. Và đằng sau niềm tự hào ấy là hàng triệu công nhân nữ đang ngày đêm làm việc vất vả tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hơn ai hết, họ chịu nhiều thiệt thòi bởi quyền lợi không đảm bảo… Liệu rằng, có bao giờ bạn nghĩ: “Nếu được một điều ước, công nhân nữ họ mong gì, cần gì” ?
30 phút nghỉ ngơi ngày “đèn đỏ” đã được áp dụng phổ biến chưa?
Có thể nói, quy định cho lao động nữ nghỉ 30 phút trong thời kỳ kinh nguyệt là hành động rất nhân văn của pháp luật. Tuy nhiên, khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế dường như còn quá xa. Bởi hệ thống làm việc theo dây chuyền ở nhà máy luôn có sự thống nhất chặt chẽ, nếu lượng lao động nữ nhiều và nghỉ việc cùng lúc hoặc trái giờ nhau sẽ dẫn đến bất ổn trong sản xuất. Vẫn có một số doanh nghiệp áp dụng đúng luật hoặc quy đổi thành tiền trợ cấp kinh nguyệt. Thế nhưng, với những công ty nhỏ, điều khoản này dường như bị phớt lờ và công nhân nữ mất đi quyền lợi chính đáng mà lẽ ra mình phải được hưởng.

Khám sức khỏe định kỳ cho nữ giới bao nhiêu lần/ năm?
Câu chuyện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động luôn là vấn đề vướng mắc khi nhắc đến. Theo luật, công nhân nữ được tổ chức khám sức khỏe sinh sản ít nhất 6 tháng/ lần. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện trách nhiệm này một cách lấy lệ, cho có hình thức hoặc thậm chí bị lãng quên. Vậy, quyền lợi của lao động nữ ở đâu? Pháp luật đưa ra là một chuyện, doanh nghiệp có thực hiện tận tâm hay không lại là chuyện khác.
Công nhân nữ mang thai dưới 7 tháng không có thời gian nghỉ ngơi...
Theo quy định, lao động nữ khi mang thai ở tháng thứ 7 trở đi, nếu làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại sẽ chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn hoặc được nghỉ ít nhất 60 phút mỗi ngày hưởng nguyên lương. Trên thực tế, thời gian mang thai từ 1 - 3 tháng cực kỳ quan trọng, giai đoạn này phụ nữ cũng thường xuyên ốm nghén, mệt mỏi… Ấy vậy mà, vẫn có nhiều trường hợp công nhân nữ mang thai xin đi ăn cơm trước 5 phút lại bị cấp trên bắt bẻ. Dường như, cơ chế quản lý ở một số nơi còn quá cứng nhắc, điều này khiến nữ công nhân chịu nhiều áp lực trong thời gian bầu bí, dẫn đến những sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn.

Công nhân nữ có nguy cơ mất việc sau khi sinh
Dù luật đã quy định doanh nghiệp không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi lao động nữ nghỉ thai sản. Thế nhưng, thực tế lại không dễ dàng như vậy. Nhiều công nhân lúc trở lại làm việc bị bố trí khác xa so với nhiệm vụ ban đầu. Lý do vì doanh nghiệp không thể đợi người lao động và không phải lúc nào cũng đủ dây chuyền sản xuất để công nhân làm lại việc cũ. Vậy nên, nhiều phụ nữ sau sinh đã phải nghỉ việc hoặc làm không đúng chuyên môn với mình. Cũng theo khảo sát của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua các tổ chức Công đoàn, lao động nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới về công việc, thu nhập, đặc biệt là nguy cơ mất việc làm cao hơn nam.
Phụ nữ cần được quan tâm về mọi mặt…
Dường như, giữa lý thuyết về quyền lợi và áp dụng vào thực tế còn gặp rất nhiều vướng mắc. Phải mất bao lâu nữa, lao động nữ mới được hưởng trọn vẹn quyền lợi của mình thay vì những lời hứa hẹn từ các cấp quản lý.
Với những nơi đời sống nữ công nhân còn khó khăn, công đoàn - doanh nghiệp nên quan tâm, hỗ trợ người lao động theo chính sách pháp luật để họ gắn bó dài lâu hơn. Có như vậy, hiệu quả làm việc mới tốt và mang lại năng suất cao trong kinh doanh.

Nói như thế, không có nghĩa là tất cả công nhân nữ ở nước ta hiện nay đều thiệt thòi. Tại nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Foxconn, LG, Honda Việt Nam... sức khỏe, quyền lợi của người lao động được ưu tiên trên hết. Tổ chức công đoàn luôn quan tâm sát sao đời sống đoàn viên, thường xuyên triển khai các khóa học sức khỏe sinh sản, đào tạo kỹ năng nghề... Chị Hiền, một công nhân lâu năm tại Samsung chia sẻ: “Mỗi tháng, chúng tôi được nghỉ 3 tiếng gọi là chế độ kinh nguyệt, có thể chia đều thời gian ra từng ngày hoặc dồn 1 lần đều duyệt. Giá mà ở tất cả các nơi khác, chị em đều được áp dụng chính sách này thì tốt biết mấy”...

Không mong lời chúc trang trọng, chẳng phải hoa quà cầu kỳ, điều mà các công nhân nữ cần nhất chính là quyền lợi khi làm việc. Nếu tất cả các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình với lao động nữ, chắc chắn rằng ngày nào cũng là Quốc tế Phụ nữ chứ không riêng gì 08/03.
Vũ Vi