7 Nguyên nhân khiến xe dễ cháy vào mùa hè và biện pháp phòng tránh
08.07.2020 1380 hongthuy95
Xe đang đi bỗng bốc cháy dữ dội khiến lái xe và hành khách trên xe hoảng loạn, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn về người và tài sản. Đâu là nguyên nhân khiến xe dễ bốc cháy, nhất là vào mùa hè? Nên phòng tránh thế nào? Tham khảo bài viết chi tiết của Vieclamnhamay.vn để “bắt bệnh” cho xe nhé!

"Sổ tay lái xe" - Tài liệu vàng mọi lái xe cần biết trước khi hành nghề
7 Nguyên nhân khiến xe dễ cháy vào mùa hè
+ Chập cháy hệ thống điện
Khi xe hoạt động liên tục trong nhiều giờ mà không có thời gian nghỉ để làm mát khiến các lớp vỏ dây điện có nguy cơ bị co giãn, mềm nhũn đến chảy nhựa, mất đi tác dụng bảo vệ. Lúc này, các dây điện trần chằng chịt sẽ tiếp xúc trực tiếp với nhau gây nên hiện tượng chập cháy.
Đây được đánh giá là nguyên nhân lớn và phổ biến nhất, xảy ra nhiều hơn đối với xe khách, xe chạy đường dài hay xe giường nằm du lịch… Những xe này thường có hệ thống điện phức tạp do phải cung cấp điện cho cùng lúc nhiều thiết bị như đèn nội thất, tivi, điều hòa, camera, tủ lạnh mini… Khi hoạt động quá tải sẽ bị chập cháy, nổ vô cùng nguy hiểm.
+ Rò rỉ nhiên liệu
Nếu dầu nhớt, nhiên liệu xe bị rò rỉ ra ngoài theo một vết nứt nào đó trên ống dẫn hay khớp, gioăng trong khoang động cơ thì khả năng cao xe sẽ bốc cháy nếu chạy liên tục và trong điều kiện thời tiết luôn ở mức nhiệt cao như mùa hè. Ngoài ra, việc đổ/ thêm nhiên liệu như xăng vào bình quá đầy, hay sử dụng dầu nhớt xuống cấp, nhiên liệu kém chất lượng khi bị tràn hay rò rỉ ra ngoài trong quá trình di chuyển cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nếu gặp tia đánh lửa hay vật bắt lửa.
+ Đậu đỗ xe sai chỗ
Nguyên nhân này ít gặp phải nhưng vẫn có thể xảy ra. Việc đậu đỗ xe quá lâu dưới trời nắng nóng gắt sẽ khiến nhiệt độ bên trong xe tăng cao gây cháy, thường gặp ở những xe đời cũ hay không thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì.
+ Hở ống xả
Khí xả thải ra thường ở nhiệt độ rất cao và có thể lẫn hỗn hợp khí thừa chưa cháy hết. Trường hợp bị hở ống xả ngay đầu ra động cơ (dù ít gặp phải) do bị ăn mòn sẽ gây cháy các chi tiết phi kim và nhanh chóng lan sang các khu vực khác.

+ Lỗi từ chủ xe hay tài xế
Cũng gây nên hiện tượng chập-cháy điện nhưng sự cố này xảy ra bởi các chủ xe/ tài xế, nhất là xe khách, tự ý lắp đặt thêm các thiết bị có nguồn không tương thích, lắp và sử dụng cùng lúc quá nhiều làm quá tải nhiệt dẫn đến cháy nổ.
+ Lỗi bảo dưỡng xe
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy phổ biến. Lý do là vì sau khi bảo dưỡng máy móc, kỹ thuật viên hay thợ sửa chữa xe vô tình chạm vào các búi dây điện khiến chúng bị xoắn vào nhau mà không biết – khi máy vận hành gây nên cọ xát, làm hở lõi đồng và tia lửa điện phát vào hơi xăng, dầu rò rỉ gây cháy. Một trường hợp sơ ý khác có thể gặp là bất cẩn để lại các giẻ lau dính dầu, mỡ vương vào cổ ống xả cũng trở thành vật bắt lửa cao.
+ Tác động từ bên ngoài
Vướng rơm rạ vào gầm xe khi đi qua vùng nông thôn, bị túi nilon hay giấy, đồ khô mắc vào gầm máy hoặc chứa đồ, hành lý có vật dễ gây hay bắt cháy cũng là những tác nhân thường gặp khiến xe bốc cháy khi gặp nhiệt độ cao. Ngoài ra, va chạm mạnh do tai nạn giao thông cũng có thể làm rò rỉ nhiên liệu, kết hợp với hơi nóng và gió gây cháy.
Làm thế nào để hạn chế cháy nổ cho xe?
Chính sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người điều khiển phương tiện gây nên các sự cố cháy nổ cho xe, nhất là xe khách chạy đường dài dưới thời tiết nóng bức của mùa hè. Để hạn chế rủi ro không may này, hãy nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng tránh được Cảnh Sát PCCC và CNCH CA TP.Hà Nội khuyến cáo sau đây:
- Nhất định phải thực hiện bảo dưỡng, bảo trì phương tiện đúng định kỳ và khuyến cáo của nhà sản xuất
- Luôn luôn kiểm tra nội thất, hệ thống điện, các khớp nối-dẫn nguyên liệu và gầm xe trước khi khởi hành đề phòng chuột cắn, hở mối nối, hỏng mạch điện hay vướng vật dễ gây cháy (bao nilon, giẻ lau khô, giấy, rơm rạ…)
- Kiểm tra nước làm mát và bổ sung thêm khi cần
- Tuyệt đối không tự chế, lắp thêm các thiết bị lấy nguồn điện của xe
- Hạn chế đậu đỗ xe quá lâu dưới trời nắng nóng. Trường hợp bắt buộc phải đậu xe, hãy trang bị dán phim cách nhiệt hay bạt trùm tương thích để bảo vệ, chống nóng cho xe
- Không vận hành xe liên tục, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng
- Không chở trên xe những vật, đồ dùng dễ gây cháy
- Không hút thuốc hay bật lửa trong xe
- Hạn chế tối đa các cung đường có phơi rơm rạ. Nếu bắt buộc phải đi qua, hãy cho xe đi thật chậm đồng thời kiểm tra ngay gầm xe khi hết quãng đường đó để đảm bảo an toàn
- Nếu nghi ngờ xe có nguy cơ hay thậm chí phát hiện bốc cháy, hãy gọi ngay cho cứu hộ để được trợ giúp.

Chập cháy hệ thống điện, bị bắt lửa bởi các vật dụng dễ gây cháy hay lỗi kỹ thuật, bảo dưỡng khác là những sự cố thường gặp khiến xe dễ bốc cháy, nhất là vào mùa hè nắng gắt. Hy vọng những thông tin được Vieclamnhamay.vn chia sẻ trên đây sẽ giúp các bác tài cẩn thận hơn trước mỗi chuyến hành trình, hạn chế tối đa những sự cố hay tai nạn xảy đến.
Ms. Công nhân