Doanh nghiệp với bài toán tuyển công nhân lành nghề
08.03.2016 3617 haiyen.tran37
MỤC LỤC
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có một nguồn nhân lực thật tốt. Đối với các doanh nghiệp có số lượng lao động đông đảo như các khu công nghiệp thì bài toán tuyển công nhân lành nghề luôn được các lãnh đạo quan tâm.
Công nhân lành nghề - Doanh nghiệp nào cũng muốn!
Lý do thì rất đơn giản, các công nhân lành nghề năng suất lao động tốt, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao. Có rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp so với tuyển công nhân mới, tay nghề kém và nhất là họ thường làm việc không ổn định, dễ thay đổi nơi làm việc chỉ vì một vài lí do nhỏ. Tất nhiên thật khó để hàng ngàn công nhân trong một công ty đều có tay nghề cao, nhưng việc có một đội ngũ công nhân lành nghề hùng hậu là bước quan trọng để các doanh nghiệp phát triển tốt.
Tuyển công nhân lành nghề - bài toán khó với nhiều doanh nghiệp
Dĩ nhiên với năng lực làm việc tốt, để tuyển được nhiều công nhân lành nghề và giữ chân được họ cũng là một điều không dễ dàng. Họ đủ kinh nghiệm và thông minh để cân nhắc cho mình những điều kiện làm việc cùng với mức lương thưởng, chế độ dành cho người lao động tốt nhất có thể. Doanh nghiệp dĩ nhiên không thể cho họ quá nhiều, nhưng lại cần đủ sức để lôi kéo nhân lực. Vì vậy các doanh nghiệp cũng đang trong cuộc đua tuyển công nhân lành nghề cho mình.
Các doanh nghiệp đã tung ra những chiêu gì để thu hút công nhân lành nghề ?
Thưởng thêm ngay khi vào làm việc nếu có tay nghề tốt
Đợt cuối năm, nhiều doanh nghiệp may mặc tại thành phố Hồ Chí Minh rơi vào khủng hoảng thiếu hụt nhân sự. Bởi, mặc dù đã tuyển một lượng lớn công nhân từ đợt đầu năm nhưng lượng lao động này dần bỏ việc. Trong khi đó đơn đặt hàng cuối năm dồn dập, lượng hàng hóa phải hoàn thành quá nhiều. Mà ngành may lại là một trong những nghề cần công nhân có tay nghề tốt và kinh nghiệm làm việc.
Thưởng thêm ngay khi vào làm để thu hút lao động lành nghề
Để bù đắp thiếu hụt lao động và nhanh chóng tuyển được những công nhân có tay nghề may tốt nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách “treo thưởng”. Thưởng ngay nếu công nhân xin vào làm vượt qua được đợt thi tay nghề. Đây cũng là một cách có thể thu hút được nhân lực, tuyển được công nhân lành nghề. Tuy nhiên nếu các chế độ lao động, lương thưởng khác không tốt thì cũng khó giữ chân được những công nhân này.
Tham khảo thêm: 4 Lời khuyên cho nhà tuyển dụng năm 2016
Tuyển vào vị trí tốt hơn
Một số doanh nghiệp không cần lượng lớn công nhân lành nghề nhưng họ vẫn cần những người dẫn dắt những công nhân mới. Vì vậy họ tuyển công nhân lành nghề vào những vị trí tốt như tổ trưởng, nhóm trưởng…để thu hút những lao động chất lượng, có thể giúp họ đào tạo ra nhiều công nhân có tay nghề khá. Dĩ nhiên khi có một vị trí tốt, có tương lai thì công nhân có tay nghề tốt sẽ sàng cống hiến nhiều hơn và gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Chế độ lương thưởng, đãi ngộ tốt
Đây có lẽ là một trong những phương pháp thu hút lao động tốt nhất. Các doanh nghiệp nên có chế độ riêng cho các công nhân lành nghề khi vào làm nếu họ vượt qua được những kỳ kiểm tra mà doanh nghiệp đề ra. Bởi bất cứ ai, khi họ đã có kinh nghiệm làm việc dù là công nhân, kỹ sư, giáo viên hay bác sĩ họ đều rất ngại bắt đầu công việc lại từ vạch xuất phát. Họ luôn tìm kiếm những vị trí xứng đáng hoặc gần xứng đáng với trình độ và năng lực của họ. Thậm chí nếu chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp bạn quá kém, các công nhân lành nghề có thể rời bỏ bạn mà đến các đơn vị có chế độ tốt hơn khi mà họ không cần bắt đầu từ con số không và không bị thiệt hại lợi ích.
Công nhân lành nghề mong muốn có chế độ đãi ngộ tốt hơn
Đừng bắt công nhân trung thành, khi doanh nghiệp không nghĩ đến lợi ích của họ!
Tuyển công nhân lành nghề đã khó. Giữ chân công nhân lành nghề lại càng không phải là một điều đơn giản. Chúng ta điều biết tất cả các doanh nghiệp hoạt động đều vì mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao nhất. Nhưng họ lại thường quên rằng công nhân khi bỏ sức lao động họ cũng mong nhận được mức lương và những mức ưu đãi tốt nhất.
Nhiều doanh nghiệp trách móc công nhân không trung thành, nhanh bỏ việc trong khi bản thân doanh nghiệp không hề quan tâm đến lợi ích công nhân. Thậm chí cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí có thể. Doanh nghiệp có quyền đòi hỏi trình độ và năng lực làm việc của công nhân. Nhưng công nhân, họ cũng không có nghĩa vụ phải trung thành với những “ông chủ” không cho họ được những lợi ích xứng đáng.
Lợi ích doanh nghiệp cần song hành với lợi ích của công nhân
Công nhân và doanh nghiệp như mối quan hệ cộng sinh, vì vậy lợi ích phải cùng chia sẻ và có sự cân bằng nhất định. Không tự nhiên mà các công ty, doanh nghiệp nước ngoài có chế độ ưu đãi, chăm sóc rất tốt cho nhân lực của họ cho dù họ phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ hàng tháng, hàng năm. Bởi vì họ biết, họ cho công nhân nhiều ưu đãi thì doanh nghiệp chính là bên được lợi về lâu dài.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam song song với việc tuyển công nhân lành nghề thì đã rất chú trọng những ưu đãi dành cho họ. Chế độ tăng lương, thưởng, chế độ bảo hiểm và nhiều chế độ khác đều rất tốt. Họ còn chú trọng từng bữa ăn và môi trường làm việc an toàn cho công nhân. Như vậy có lẽ công nhân không bao giờ có ý định rời bỏ họ. Họ cũng không lo mất đi những lao động giúp họ kiếm ra nhiều tiền nhất cũng không mất nhiều thời gian và chi phí để tuyển và đào tạo lao động mới. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho những công nhân lao động có tay nghề tốt, muốn làm việc hết mình để cống hiến cho xã hội cũng như giúp bản thân có một cuộc sống tốt hơn.
Hi vọng rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là công nhân tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều chế độ và ưu đãi để tuyển được nhiều công nhân lành nghề mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Song song với đó là tạo điều kiện để họ có thể yên tâm phát triển tay nghề, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà không cần phải lo lắng cơm áo gạo tiền cũng như nguy cơ ảnh hưởng để sức khỏe, an toàn lao động.
Xem thêm: 5 “Vũ khí” tìm ứng viên giỏi
Ms. Công nhân
Ảnh nguồn Internet