7 Nguyên tắc cần lưu ý khi làm Phiên dịch viên tiếng Nhật
03.02.2025 1688 hongthuy95
Nhật Bản là đất nước coi trọng lễ nghi và phép tắc trong mọi trường hợp, mọi tình huống; cả trong giao tiếp lẫn công việc. Bạn là phiên dịch viên tiếng Nhật mới vào nghề và đang lo sợ phạm phải những sự cố không mong muốn xảy ra khi làm phiên dịch? Đừng lo, Vieclamnhamay.vn xin chia sẻ một số nguyên tắc cần lưu ý khi làm phiên dịch viên tiếng Nhật để bạn tham khảo và áp dụng
Phiên dịch tiếng Nhật là công việc như thế nào?
Phiên dịch tiếng Nhật là một trong những nghề hot nhất hiện nay. Phiên dịch viên (PDV) tiếng Nhật chuyên nghiệp nhận được mức thù lao rất cao cùng chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến vô cùng hấp dẫn. (Tham khảo mức lương chi tiết khi làm PDV tiếng Nhật: Tại đây!)
Tuy nhiên, nghề phiên dịch nói chung và nghề phiên dịch tiếng Nhật nói riêng là một công việc đòi hỏi ở người dịch kiến thức tổng thể, nhất là vốn từ ngữ, từ vựng và kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực cần phiên dịch; bởi, không phải cứ giỏi ngoại ngữ, giao tiếp trôi chảy tiếng thì sẽ làm phiên dịch viên giỏi. Ngoài ra, việc tìm hiểu và tổng hợp các kiến thức về 2 nền văn hóa của 2 ngôn ngữ dịch; khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp thông tin; sự linh hoạt trong xử lý câu chữ, sử dụng vốn từ và tạo sự liên kết giữa các câu; luôn có cái nhìn trung lập về những vấn đề phiên dịch, đề cao đạo đức nghề nghiệp… cũng là những yếu tố không thể thiếu nếu muốn trở thành PDV chuyên nghiệp, được săn đón.
Đặc biệt, người Nhật rất coi trọng tiểu tiết (tức những chi tiết nhỏ) thuộc về lĩnh vực văn hóa; do đó, để không xảy ra những sai sót không đáng có, trong các cuộc giao dịch giữa người Nhật và người Việt (hay quốc gia khác), PDV cần hết sức lưu ý, thận trọng và khéo léo trong tiếp nhận và giải quyết vấn đề.
Những lưu ý cần biết khi làm phiên dịch viên tiếng Nhật
- Sự chuẩn bị
Sự chuẩn bị tốt mang lại hiệu quả cao trong công việc phiên dịch. Ngay sau khi nhận được tài liệu về nội dung và những thông tin liên quan đến buổi dịch, việc của các PDV là tiếp nhận nội dung và chuẩn bị đầy đủ nhất có thể những từ vựng, vấn đề hay dữ liệu liên quan đến nội dung đó để sử dụng trôi chảy và có hiệu quả trong buổi dịch chính thức. Đừng để đến khi buổi dịch diễn ra mà bản thân chưa chuẩn bị bất cứ tài liệu nào liên quan, thậm chí không biết buổi dịch sẽ diễn ra với chủ đề gì, nội dung ra sao, khách hàng (diễn giả) và khách mời là ai, họ là người như thế nào…
- Đúng giờ
Đây là nguyên tắc làm việc tối thiểu nhất của người Nhật; họ luôn đánh giá cao những người làm việc chuyên nghiệp và đúng giờ. Với nghề phiên dịch, hãy đến địa điểm/ không gian dịch sớm hơn ít nhất khoảng từ 15-30 phút để có đủ thời gian làm quen với không gian, kiểm tra chất lượng âm thanh, thiết bị phiên dịch cũng như làm chủ được tâm lý giúp bạn tự tin hơn trong buổi dịch. Ngoài ra, việc đến sớm cũng giúp PDV có đủ thời gian trao đổi và thống nhất những thắc mắc nhỏ với khách hàng, làm quen, giao tiếp để tạo cảm giác thoải mái trước buổi dịch.
- Trang phục
Trang phục lịch sự, nhã nhặn và phù hợp với không gian, tính chất buổi dịch giúp PDV gây ấn tượng và ghi điểm với khách hàng cũng như khách mời quan trọng có mặt trong buổi dịch. Hãy ăn mặc trang phục nghiêm túc, đồng bộ với mọi người; tránh việc ăn mặc quá sặc sỡ hay màu mè, cầu kỳ hay xộc xệch khiến mất hình tượng trong mắt người nhìn.
- Chỗ ngồi
Như Vieclamnhamay.vn đã từng đề cập trong bài “tác phong nghề nghiệp của PDV” trước đó, PDV dịch đuổi, PDV dịch tháp tùng cần hết sức lưu ý đến vị trí ngồi/ đứng/ đi của mình so với khách hàng và khách mời. Thông thường, người phiên dịch cần ngồi/ đứng/ đi phía bên trái diễn giả, không được ngồi/ đứng/ đi bên phải vì đó là vị trí của trợ lý cấp dưới của họ. Ngoài ra, việc ngồi gần người nói cũng sẽ giúp PDV dễ dàng lắng nghe và tiếp thu thông tin một cách rõ ràng, tránh phát sinh những thông tin sai lệch đến người nghe
- Phát âm
Phát âm rõ ràng, chuẩn; giọng nói truyền cảm dễ nghe; không nói ngọng, nói lắp; không dùng tiếng địa phương, tiếng lóng; âm lượng nói vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ; tốc độ nói hợp lý, không quá nhanh cũng không quá chậm… là những tiêu chuẩn PDV tiếng Nhật cần có trong buổi phiên dịch nhằm đảm bảo truyền đạt thông tin đến người nghe một cách chính xác và dễ hiểu nhất.
- Truyền đạt nội dung dịch
Công việc đòi hỏi PDV phải tuyệt đối tuân thủ nguyên bản khi phiên dịch; tức không thêm/ bớt từ, câu, đoạn; không làm khác đi nội dung cần phiên dịch sẽ có thể khiến người nghe khó hiểu, hiểu không đầy đủ hoặc hiểu sai ý của diễn giả. Là một PDV chuyên nghiệp, bạn nên dịch thoáng ý nhưng vẫn đảm bảo đúng và đầy đủ nhất ý nghĩa cần truyền đạt.
- Xử lý vấn đề, sự cố khi phiên dịch
Trong quá trình phiên dịch, việc gặp phải sự cố, vấn đề ngoài mong đợi là chuyện không thể tránh khỏi. Đó có thể là dịch sai, dịch không thu hút hay bị đuổi khỏi buổi dịch… Việc của PDV chuyên nghiệp là bình tĩnh tiếp nhận vấn đề - nhanh nhạy và linh hoạt tìm hướng xử lý - khéo léo giải quyết để không ảnh hưởng đến chất lượng chung của buổi dịch. Muốn làm được điều này, người phiên dịch phải trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện thường xuyên.
Với những nguyên tắc cần lưu ý khi làm PDV tiếng Nhật được Vieclamnhamay.vn chia sẻ trên đây hy vọng sẽ giúp các PDV tiếng Nhật mới vào nghề trang bị tốt những kiến thức cần có trong công việc, rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu từ phía doanh nghiệp, khách hàng. Ứng viên tìm việc phiên dịch cũng nên tổng hợp những nguyên tắc này để bước đầu hình dung yêu cầu công việc trong tương lai; từ đó có sự chuẩn bị thật tốt để “làm hài lòng” mọi nhà tuyển dụng.
Ms. Công nhân