Bảng Các Tiêu Chí, Quy Trình Và Mẫu Đánh Giá Nhân Viên Nhà Máy

24.02.2018 33474 hongthuy95

Đánh giá nhân viên là việc làm vô cùng quan trọng của quy trình quản lý nhân sự trong nhà máy. Bài viết này, Vieclamnhamay.vn xin chia sẻ bảng các tiêu chí, quy trình và mẫu đánh giá nhân viên nhà máy để bạn tham khảo và áp dụng!

bảng các tiêu chí, quy trình và mẫu đánh giá nhân viên nhà máy
Nhiều nhà máy thực hiện đánh giá nhân viên định kỳ

Vì sao phải đánh giá nhân viên nhà máy?

Đánh giá nhân viên nhà máy được các Tổ trưởng, Quản đốc hay ban lãnh đạo thực hiện định kỳ hàng tuần/ tháng/ quý/ năm nhằm kiểm tra, đánh giá năng suất và thái độ làm việc của nhân viên cấp dưới trực tiếp phụ trách. Qua đó, xét duyệt mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc, sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp cũng như thái độ giao tiếp ứng xử giữa nhân viên với đồng nghiệp và các cấp bậc khác hiện có trong nhà máy,… từ đó tìm kiếm và đưa ra các chế độ thưởng - phạt hợp lý cho từng cá nhân, đội nhóm nhân viên; kịp thời phát hiện cá nhân chưa đạt yêu cầu để chấn chỉnh, khắc phục hoặc thải loại nếu cần, xây dựng đội ngũ nhân sự ưu tú, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng công việc.

Việc đánh giá nhân viên cũng giúp các bộ phận quản lý nhà máy tự đánh giá hiệu suất công việc của chính họ về công tác quản lý và điều hành nhân sự; từ đó tiếp tục phát huy những mặt tốt, đồng thời phát hiện những thiếu sót hiện có để tìm hướng thay đổi hay xử lý kịp thời.

Các tiêu chí đánh giá nhân viên nhà máy

Tùy thuộc vào quy mô nhà máy, mục đích đánh giá và vị trí cần đánh giá mà các nhà Quản lý sẽ áp dụng các mẫu đánh giá nhân viên (có sẵn) theo quy định. Một bảng đánh giá nhân viên hiệu quả phải đảm bảo tính đa dạng và đầy đủ các tiêu chí đánh giá, khách quan trong quy trình thực hiện và công bằng trong xét duyệt, công khai kết quả.

Thông thường, một bảng đánh giá nhân viên nhà máy sẽ bao gồm các tiêu chí căn bản sau:

+ Đánh giá thái độ

- Tuân thủ, chấp hành nội quy của công ty: giờ làm việc và nội quy lao động; nội quy, quy chế làm việc của công ty.

- Làm việc theo chính sách và quy trình

- Trung thực

- Nhiệt tình

- Sẵn sàng thực hiện các công việc được giao phó

- Tích cực tham gia vào các hoạt động chung của công ty

+ Đánh giá tác phong

- Tuân thủ quy định về đồng phục, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ

- Nhanh nhẹn, linh hoạt

- Có ý thức giữ gìn vệ sinh chung và vệ sinh nơi làm việc

+ Đánh giá các mối quan hệ

- Thân thiện, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cấp trên, đồng nghiệp và khách hàng

- Giải quyết yêu cầu của cấp trên và khách hàng: nhanh chóng, kịp thời, chính xác

- Thái độ chăm sóc khách hàng: cẩn thận, chu đáo, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng

+ Đánh giá hiệu quả công việc

- Tinh thần hợp tác trong công việc

- Thao tác thực hiện công việc: nhanh nhẹn, linh hoạt, có hiệu quả

- Chất lượng, số lượng công việc hoàn thành (không đạt, đạt hoặc vượt mức)

- Mức độ hiểu biết về công việc được giao

- Khả năng tiếp thu công việc

- Hiểu rõ các nghiệp vụ của công việc

- Kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc

- Mức độ tin cậy

- Tính kỷ luật

- Khả năng làm việc độc lập, tự chủ động trong công việc

- ….

bảng các tiêu chí, quy trình và mẫu đánh giá nhân viên nhà máy
Đánh giá nhân viên định kỳ giúp quản lý hiệu quả và xử lý kịp thời phát sinh

 

+ Đánh giá kỹ năng

- Giao tiếp

- Làm việc nhóm

- Sáng tạo

- Giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định

- Hoạch định công việc và quản lý, thực hiện

- Thích ứng với công việc/ áp lực công việc

- Thành thạo các kỹ năng mềm khác: thuyết trình, đàm phán, thuyết phục,…

+ Đánh giá việc sử dụng trang thiết bị

- Sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị phục vụ công việc

- Có tinh thần sử dụng tiết kiệm, quản lý và bảo quản tài sản của công ty

Bảng đánh giá nhân viên càng chi tiết sẽ đảm bảo tính chính xác, khách quan và minh bạch về kết quả đánh giá sau cùng (gồm: xuất sắc, khá, trung bình và kém), từ đó người đánh giá sẽ đưa ra những nhận xét cụ thể hơn về ưu - khuyết điểm của từng nhân viên, đánh giá chung và kiến nghị (khen thưởng hay kỷ luật).

Các hình thức đánh giá nhân viên nhà máy

Trên cơ sở xác định các tiêu chí đánh giá nhân viên, mỗi nhà máy sẽ áp dụng các hình thức đánh giá phù hợp. Cụ thể:

- Tự đánh giá: nhân viên tự nhận bảng đánh giá và tự đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng như thái độ làm việc của bản thân rồi trình lên cấp trên đánh giá và xét duyệt.

- Đánh giá theo cấp bậc từ cấp quản lý đến nhân viên dưới quyền: mỗi nhà Quản lý cấp trên sẽ chịu trách nhiệm đánh giá trực tiếp nhân viên cấp dưới của mình, sau đó tổng hợp lại và thống nhất kế hoạch điều chỉnh và phát triển nhân viên.

- Đánh giá ngang cấp: kiểu “đánh giá chéo”, đánh giá lẫn nhau giữa những nhân viên cùng cấp bậc, ngang vị trí với nhau theo các tiêu chí: chuyên môn, thái độ làm việc, hiệu quả công việc,…

- Đánh giá toàn diện: dựa trên những nhận xét về nhân viên từ khách hàng, đồng nghiệp, những người xung quanh và cả nhà Quản lý trực tiếp để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ nhất về nhân viên cần đánh giá.

Quy trình đánh giá nhân viên nhà máy

Xác lập quy trình và tuân thủ thực hiện theo quy trình giúp quá trình đánh giá nhân viên được thuận lợi, đảm bảo diễn ra trôi chảy, công bằng, minh bạch và nhất quán. Định kỳ thực hiện đánh giá nhân viên sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một thang đo định lượng về những đóng góp cụ thể của từng nhân viên vào sự phát triển chung của doanh nghiệp, từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan để áp dụng những chế độ thưởng - phạt hợp lý; đồng thời còn giúp tăng trưởng cả về chất lẫn lượng cho doanh nghiệp về lâu dài.

Một quy trình đánh giá nhân viên nhà máy đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả sẽ bao gồm 5 bước sau:

+ Xây dựng mẫu đánh giá cụ thể

Mẫu đánh giá chuẩn phải thể hiện tính cụ thể, công bằng và khách quan với việc tập trung đánh giá các tiêu chí nhất định. Tuy không thể bao hàm hết mọi chi tiết của một tiêu chí nhưng cần nêu bật những điểm nổi bật nhất, trên cơ sở tham khảo ý kiến của đông đảo nhân sự, kể cả những nhân viên được đánh giá.

Một mẫu đánh giá nhân viên cần đảm bảo trình bày các yếu tố như: chấp hành nội quy, thái độ, kỹ năng, mức độ hoàn thành công việc… được đánh giá cụ thể qua các thang điểm theo quy định. Ngoài ra, cần thiết lập các phần/ mục đánh giá riêng dành cho các nhà quản lý để họ trực tiếp đánh giá nhân viên cấp dưới của mình.

+ Xác định các chỉ tiêu đánh giá

Việc xác định các chỉ tiêu đánh giá giúp người đánh giá dễ dàng xác định mức độ đáp ứng các tiêu chí đánh giá đưa ra, từ đó, đảm bảo tính chính xác, khách quan trong đánh giá, đồng thời tiết kiệm được thời gian và công sức tổng hợp, thống kê và đưa ra kết quả sau cùng. Bởi, khi xác định được các chỉ tiêu đánh giá, người đánh giá chỉ cần nhìn vào các dữ liệu hiện có trên đó là có thể ngay lập tức đưa ra kết quả đánh giá sau cùng một cách chính xác nhất.

Để đơn giản và dễ thực hiện, hầu hết các bảng đánh giá chuẩn đều quy ước các thang điểm đánh giá cho từng tiêu chí đánh giá tương ứng. Ví dụ: dựa trên thang điểm 5 với 5 điểm = Xuất sắc (thường xuyên vượt mức yêu cầu); 4 điểm = Tốt (thường xuyên đạt yêu cầu và đôi khi vượt mức yêu cầu); 3 điểm = Khá tốt (thường xuyên đạt yêu cầu); 2 điểm = Yếu (hiếm khi đạt yêu cầu, cần được hướng dẫn thêm); 1 điểm = Rất yếu (hoàn toàn không đạt yêu cầu), người đánh giá sẽ lần lượt chấm điểm cho từng tiêu chí được nêu trong bảng đánh giá nhân viên, sau cùng sẽ cộng tổng các điểm lại và quy đổi ra kết quả đánh giá chung để xếp loại nhân viên theo từng mức độ tương ứng với 5 thang đo trên.

bảng các tiêu chí, quy trình và mẫu đánh giá nhân viên nhà máy
Cần xây dựng quy trình đánh giá nhân viên cụ thể để tạo tính đồng bộ

 

+ Quy định về cách thức đánh giá và nghiệm thu

Mục tiêu cuối cùng của việc đánh giá nhân viên là nghiệm thu và đưa ra kết quả sau cùng. Bởi vậy, trước khi tiến hành thực hiện buổi đánh giá nhân viên, hãy chắc chắn rằng tất cả những người đánh giá đều hiểu về cách thức đánh giá và nghiệm thu: thời gian diễn ra buổi đánh giá, đánh giá về cái gì, đánh giá như thế nào, cách đánh giá ra sao, quy đổi về kết quả sau cùng như thế nào,…

+ Xác lập và ban hành các chính sách, chế độ thưởng - phạt cụ thể

Ý nghĩa của việc định kỳ đánh giá nhân viên là đánh giá và xếp loại nhân viên, tìm kiếm những nhân viên xuất sắc/ yếu kém đển đưa ra các chính sách, chế độ thưởng - phạt cụ thể, đúng người đúng mục đích: làm tốt sẽ được khen thưởng (thưởng, tăng lương, thăng chức,…), làm không tốt sẽ bị trách phạt (không thưởng, trừ lương, đuổi việc/ gián chức,…)

Các chính sách, chế độ thưởng - phạt cần được liệt kê và trình bày chi tiết, rõ ràng về quy trình xử lý/ áp dụng nếu nhân viên nằm trong phạm vi chính sách, chế độ đó. Cụ thể: mức thưởng sẽ là bao nhiêu tương ứng với năng suất đạt được, phạt cảnh cáo, lập biên bản kiểm điểm hay đình chỉ công tác,… tương ứng với mức độ nghiêm trọng của sự việc gây ra,…

+ Tiến hành đánh giá và nghiệm thu

Sau khi hoàn thành được các bước xây dựng hệ thống đánh giá nhân viên gồm mẫu đánh giá, các quy định chỉ tiêu đánh giá, các chính sách, chế độ phù hợp, xác định thời gian bắt đầu tiến hành đánh giá, hãy tiến hành buổi đánh giá và nghiệm thu. Tùy theo mục đích đánh giá của mỗi doanh nghiệp sẽ áp dụng các thời điểm đánh giá cụ thể khác nhau. Một số doanh nghiệp thực hiện đánh giá hàng tuần/ tháng, cũng có doanh nghiệp thực hiện theo quý hoặc mỗi năm một lần. Dù tần suất thực hiện đánh giá của doanh nghiệp có như thế nào thì cũng hãy đảm bảo các công việc được thực hiện đúng thời hạn, đúng quy trình, công bằng và minh bạch.

Một số lưu ý khi thực hiện đánh giá nhân viên

- Cần thiết phải đưa ra nhận xét toàn diện cả về điểm mạnh và điểm yếu của nhân viên, nên đánh giá một cách khách quan, đúng sự thật, tránh tình trạng nhân viên được đánh giá cảm thấy thiếu tôn trọng hay tự tin quá mức.

- Cần đề xuất chi tiết, rõ ràng những hướng khắc phục lỗi về thái độ, kỹ năng, mức độ phù hợp với công việc,… Hãy thể hiện mình là người đánh giá công tâm, có chính kiến và biết nhìn nhận vấn đề; khi góp ý cho nhân viên về những điểm yếu của họ, hãy chỉ rõ điều bạn muốn nhân viên đó cải thiện/ thay đổi là gì.

- Cần khuyến khích sự tham gia phản hồi ý kiến của nhân viên sau khi đưa ra kết quả đánh giá, hãy tạo cơ hội để nhân viên đó thể hiện quan điểm của mình (đồng tình hay không đồng tình) với kết quả đánh giá đó, nhân viên đó có đóng góp ý kiến gì cho quá trình cải thiện những mặt chưa đạt của họ hay không,…

- Cần đảm bảo buổi đánh giá được thực hiện công khai, dưới sự tham gia và giám sát có tổ chức, quá trình nghiệm thu và trả kết quả phải tiến hành minh bạch, đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng.

Mẫu bảng đánh giá nhân viên nhà máy

Như đã trình bày tại phần “Các tiêu chí đánh giá nhân viên nhà máy”, các doanh nghiệp sẽ dựa vào bản mô tả công việc và quy định, yêu cầu cụ thể của từng vị trí nhân viên, bộ phận để lập bảng đánh giá nhân viên phù hợp. Vieclamnhamay.vn xin chia sẻ mẫu bảng đánh giá nhân viên nhà máy tiêu chuẩn và được áp dụng phổ biến nhất hiện nay để bạn tham khảo:

Tham khảo chi tiết và download mẫu bảng đánh giá nhân viên nhà máy: Tại đây!

Đánh giá nhân viên thực sự có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý nhân sự, phát triển nhà máy. Đánh giá đúng người, đúng việc để khích lệ hoặc xử lý kịp lúc giúp thúc đẩy sản xuất, tiêu giảm tiêu cực, hướng đến sự phát triển toàn diện, công bằng và minh bạch hơn.

Ms. Công nhân​

4.5 (445 đánh giá)
Bảng Các Tiêu Chí, Quy Trình Và Mẫu Đánh Giá Nhân Viên Nhà Máy Bảng Các Tiêu Chí, Quy Trình Và Mẫu Đánh Giá Nhân Viên Nhà Máy

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chi tiết quá trình chuẩn bị và phân công triển khai sản xuất trong phân xưởng

Chi tiết quá trình chuẩn bị và phân công triển khai sản xuất trong phân xưở...

Một đơn hàng nhận từ đối tác sẽ được phân xưởng lên kế hoạch và triển khai sản xuất chi tiết. Theo đó, từng bộ phận, vị trí sẽ tiến hành thực hiện nhi...

18.11.2024 80

Gọi tên 02 phương thức sản xuất hiện có trong nhà máy, xí nghiệp

Gọi tên 02 phương thức sản xuất hiện có trong nhà máy, xí nghiệp

Mọi nhà máy, phân xưởng đều nỗ lực tìm kiếm và gia tăng đơn hàng để tăng gia sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận. Người lao động vì thế cũng được hư...

30.10.2024 104

Nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm cho người lao động?

Nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm cho người lao động?

Nhiều người chỉ muốn được nhận lương cố định hàng tháng theo thỏa thuận trong khi số khác lại yêu cầu chi trả lương dựa trên tổng sản phẩm đạt chuẩn l...

29.10.2024 98

Chiến lược giảm thuế và 08 giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp

Chiến lược giảm thuế và 08 giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp nào cũng muốn tối ưu mức thuế phải đóng theo quy định. Chiến lược giảm thuế vì thế mà cần thiết và cực kỳ quan trọng. Vậy chiến lược giảm...

26.09.2024 146