5 Bí Quyết Tuyển Dụng Chuyên viên Nhân Sự Cần Biết
25.12.2017 2718 santavietnam
MỤC LỤC
- Hiểu rõ vai trò của vị trí công việc đang cần tuyển dụng
- Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ và kỹ năng của người được tuyển
- Đánh giá khả năng ứng viên qua kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn và các kỹ năng mềm
- Áp dụng tốt quy trình tuyển dụng nhân sự chuẩn và phỏng vấn sàng lọc qua nhiều bước
- Hãy tin vào trực giác
Một chuyên viên nhân sự "được việc" là người có bí quyết tuyển dụng để tìm kiếm, sàng lọc và lựa chọn những nhân viên tài năng, thực sự phù hợp với yêu cầu công việc. Vậy bí quyết đó là gì? Cùng Tuyencongnhan.vn khám phá điều này!
Hiểu rõ vai trò của vị trí công việc đang cần tuyển dụng
Bất kì một công việc hay ngành nghề nào muốn thành công thì tối thiểu nhất cũng phải nắm và hiểu được bản chất, yêu cầu cụ thể mà công việc đó cần. Khi lên kế hoạch tuyển dụng, chuyên viên nhân sự phải là người xác định rõ những yêu cầu thiết yếu nhất để lập bản mô tả công việc phục vụ cho tin tức đăng tuyển. Bởi mỗi vị trí đều sẽ giới hạn một vai trò, quyền và nghĩa vụ nhất định. Việc chuyên viên nhân sự hiểu chưa đầy đủ hoặc hiểu sai sẽ tạo ra những tin đăng tuyển không phù hợp, có thể khiến ứng viên hoang mang hay ngại ngùng khi nộp hồ sơ ứng tuyển vì họ cảm thấy quá sức hoặc yêu cầu công việc và mức lương không tương xứng,...Ngược lại, nếu mô tả công việc quá sơ sài và không tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp thì chính bạn là người khiến doanh nghiệp chịu thiệt vì tuyển chọn nhân viên không phù hợp, công việc quá đơn giản trong khi họ lại được hưởng mức lương có thể cao hơn so với những gì mà họ đang đóng góp.
Ngoài ra, việc nắm và hiểu rõ vai trò của vị trí công việc đang cần tuyển dụng giúp chuyên viên nhân sự thống kế và tổng hợp những yêu cầu cần thiết nhất của một ứng viên để đặt ra những câu hỏi thực sự chất lượng trong lúc phỏng vấn nhằm tìm kiếm nhân viên phù hợp với công việc đang tuyển dụng.
Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ và kỹ năng của người được tuyển
Với vị trí công việc đã có sẵn, để lên bản mô tả công việc chi tiết và chính xác, cách tốt nhất là nên quan sát, tham khảo và đánh giá những việc nhân viên đương nhiệm đang làm hàng ngày, tuần, tháng như: những công việc chính phải làm trong ngày/ tuần/ tháng; cách phân bổ thời gian làm việc cho từng công việc; những công cụ hỗ trợ nào được sử dụng cho công việc đó (công cụ dụng cụ, chương trình phần mềm, các nguồn thông tin,...); những khó khăn, thách thức phải gặp khi đảm nhiệm một nhiệm vụ cụ thể; những mong muốn (phù hợp) nào tạo điều kiện thuận lợi cho công việc;...Hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ sót bất kỳ điểm quan trọng nào để tìm kiếm một nhân viên thực sự phù hợp với yêu cầu công việc đang cần tuyển dụng.
Trường hợp bạn muốn tuyển một ví trí mới, chưa từng có trước đây trong công ty, hãy cân nhắc thật kỹ các ý kiến của cấp trên, tham khảo thêm các nguồn tin trên mạng xã hội, từ bạn bè có kiinh nghiệm với công việc này,...để xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, vai trò và kỹ năng thiết yếu mà ứng viên cần có.
Tham khảo thêm: 2 kinh nghiệm sàng lọc hồ sơ ứng viên hiệu quả nhà tuyển dụng cần biết
Đánh giá khả năng ứng viên qua kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn và các kỹ năng mềm
Để đánh giá ứng viên phù hợp, bạn phải dựa vào kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn và các kỹ năng mềm đang có của ứng viên.
Về kinh nghiệm làm việc, thông thường, ứng viên sẽ được đánh giá dựa trên 3 điểm chính: kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động theo vị trí ứng tuyển, kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm làm việc với các công ty trước đó. Với ứng viên trong ngành, tức kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động theo vị trí ứng tuyển và kinh nghiệm chuyên môn hoàn toàn quyết định đến CV xin việc với những vị trí yêu cầu có kiến thức về sản phẩm và đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, với ứng viên trái ngành hoặc sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, thì bạn cần dựa vào kinh nghiệm làm việc với các công ty trước đó, các kinh nghiệm làm thêm khi còn học ở trường và các kỹ năng mềm liên quan để đánh giá mức độ năng lực tiềm năng của ứng viên, đồng thời nhận biết xem họ có thể học hỏi để nâng cao trình độ và kiến thức liên quan không và liệu công ty có sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc để đào tạo họ hay không.
Về trình độ học vấn, hãy xác định xem yêu cầu công việc có đòi hỏi ứng viên phải tốt nghiệp từ một cơ sở đào tạo cụ thể nào không (như Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề, tốt nghiệp THPT,...), có bằng cấp hay chứng chỉ chuyên ngành nào không,...để tìm kiếm ứng viên phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.
Về kỹ năng mềm, bạn cũng phải xác định các kỹ năng mềm cần thiết liên quan đến yêu cầu công việc như kỹ năng quan sát, lắng nghe, cẩn thận, tỉ mỉ, chịu áp lực công việc, ... để tìm kiếm ứng viên phù hợp.
Áp dụng tốt quy trình tuyển dụng nhân sự chuẩn và phỏng vấn sàng lọc qua nhiều bước
Việc áp dụng đúng quy trình tuyển dụng nhân sự chuẩn sẽ giúp bạn tiếp cận ứng viên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Thông qua các bước cụ thể của quá trình tuyển dụng, bạn sẽ sàng lọc được một số ứng viên có tiềm năng hoặc phù hợp với yêu cầu công việc của vị trí đang cần tuyển dụng.
Bạn cũng nên cân nhắc để đầu tư thời gian và công sức phỏng vấn sàn lọc qua nhiều bước, dù là doanh nghiệp nhỏ, để chắc chắn rằng, nhân viên bạn vừa tìm được thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc như đã thỏa thuận. Đầu tiên, hãy sắp xếp phỏng vấn ứng viên qua điện thoại. Tiếp đến, hãy thực hiện buổi phỏng vấn lần 2 tại văn phòng để tìm hiểu kỹ hơn các thông tin mà ứng viên đã cung cấp. Sau cùng, hãy tạo một buổi phỏng vấn thoải mái bên ngoài môi trường làm việc để có góc nhìn toàn diện nhất về ứng viên mình muốn tuyển, quan sát và đánh giá thật chính xác trước khi đưa ra quyết định (bước phỏng vấn này thường được bỏ qua với những vị trí công việc không đòi hỏi kỹ năng và nghiệp vụ quá cao).
Hãy tin vào trực giác
Một chuyên viên nhân sự giỏi không chỉ dựa vào khả năng phân tích tình hình và những hồ sơ xin việc hoàn hảo, mà còn phải là người thật sự nhạy bén trong việc nhận ra ứng viên phù hợp nhất. Để làm được điều này, bạn cần phỏng vấn qua nhiều vòng và đánh giá mọi thứ dựa trên mặt khách quan lẫn chủ quan của vấn đề. Bởi "Tôi không bao giờ tin hoàn toàn vào một hồ sơ ứng tuyển hoàn hảo nếu chưa phỏng vấn qua ứng viên. Tôi sẽ chỉ tuyển dụng ứng viên nào đã qua phỏng vấn nhiều vòng và thuyết phục được tôi rằng họ có thể đảm nhiệm được vị trí đó” - chia sẻ của một chuyên viên nhân sự "cứng" trong ngành.
Chỉ cần xác định rõ "bạn cần gì ở ứng viên?" để sàng lọc và tìm kiếm những người thực sự phù hợp với yêu cầu công việc cho vị trí đang cần tuyển dụng.
Xem thêm: Tuyển dụng nhân sự - Nên chọn kinh nghiệm hay tính cách?
Ms. Công nhân