Chuyền may là gì? Tổ chức chuyền may theo hình thức nào hiệu quả nhất?
07.10.2020 23597 hongthuy95
Anh A được phân công vào Chuyền 1, chị B được sắp xếp vào dây chuyền vắt sổ… là cách chia việc thường gặp trong một xí nghiệp, cơ sở sản xuất hàng may mặc, gọi là một chuyền may. Vậy chuyền may là gì? Phân loại dây chuyền sản xuất trong ngành may ra sao? Tổ chức chuyền may theo hình thức nào hiệu quả nhất? Hãy tìm hiểu cùng Tuyencongnhan.vn nhé!
Tùy thuộc vào quy mô sản xuất và định hướng tổ chức sẽ bố trí một hoặc nhiều chuyền may, tương ứng với các hình thức dây chuyền sản xuất phù hợp và hiệu quả. Hiểu chuyền may là gì – Các loại dây chuyền may phổ biến – Ưu và nhược điểm của từng loại sẽ giúp nhiều cho công việc của Tổ trưởng chuyền may.
Chuyền may là gì?
Chuyền may hay dây chuyền may là một hệ thống sản xuất chủ lực trong ngành hàng may mặc, bao gồm cả người lao động và các trang thiết bị máy may, máy móc phụ trợ để thực hiện nhiệm vụ may và lắp ráp các chi tiết bán thành phẩm riêng lẻ thành một sản phẩm hoàn chỉnh theo đúng quy trình, quy định được giao.
Chuyền may sẽ gồm nhiều công nhân may, thực hiện chung 1 hoặc nhiều nhiệm vụ công việc khác nhau, được quản lý và điều hành bởi Tổ trưởng chuyền may.
Quy trình làm việc của Tổ trưởng chuyền may và những điều cần biết
Các loại dây chuyền may phổ biến
Có nhiều cách để phân loại dây chuyền may.
* Căn cứ vào cấu trúc chuyền
Có:
+ Dây chuyền hàng dọc
Hay còn gọi là dây chuyền nước chảy, cả người và máy sẽ được bố trí theo hàng dọc và thực hiện công việc với bán thành phẩm theo đúng thứ tự của quy trình may, liên tiếp và liên tục từ đầu chuyền đến cuối chuyền.
Dây chuyền dạng này thường có khoảng 20 công nhân trở lại. Bán thành phẩm sẽ được di chuyển từng chiếc cho công nhân bằng tay tự lấy hoặc qua chuyền tải, băng chuyền theo nguyên tắc: lấy hàng bên trái, may và đưa hàng hoàn thành lên phía trước.
Dạng dây chuyền này áp dụng hiệu quả khi sản lượng mã hàng ít, quy trình lắp ráp đơn giản, dây chuyền ngắn.
Ưu điểm: Bố trí gọn nhẹ, dễ kiểm soát tiến độ công việc và quản lý bán thành phẩm – Sản phẩm được lắp ráp theo diễn tiến hợp lý, đi thẳng về phía trước và không quay lại – Thời gian ra chuyền ngắn, lượng hàng tồn giữa các công đoạn ít – Thời gian và hiệu suất làm việc của công nhân đồng đều trong ca
Nhược điểm: Một công nhân vắng mặt hoặc xảy ra sự cố tại một vị trí nào đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của cả chuyền – Tổ chức sản xuất không tốt dễ gây ùn tắc trong chuyền – Dễ phát sinh tâm lý chán nản với công nhân vì lặp lại mãi một công đoạn
Các dạng chuyền hàng dọc phổ biến: Chuyền dọc có bàn xếp dọc – Chuyền dọc có bàn nằm ngang – Chuyền dọc có bàn trượt – Chuyền dọc có bàn xếp xéo – Chuyền chữ U…
+ Dây chuyền cụm
Là dạng dây chuyền được chia thành từng nhóm, cụm nhỏ tương ứng với từng loại công việc cùng một lúc, mỗi cụm thường gồm 4-6 hoặc 6-10 máy - áp dụng khi sản lượng mã hàng nhiều, may nhiều mã hàng khác nhau cùng một lúc, sản xuất ổn định trong một thời gian dài.
Theo đó, công nhân sẽ nhận bó hàng do trưởng nhóm giao, may xong bó này mới lấy thêm bó khác. Bán thành phẩm sẽ được di chuyển bằng tay, xe nhỏ hoặc giá đẩy.
Ưu điểm: Sự vắng mặt hay gặp sự cố ở cá nhân này không ảnh hưởng đến công việc của cá nhân khác trong cùng một cụm – Có nhiều hàng dự trữ cho chuyền – Nâng cao tay nghề của công nhân vì được làm nhiều công đoạn
Nhược điểm: Khó theo dõi và kiểm soát để đánh giá chất lượng công việc của từng cá nhân trong cụm – Khó cân đối hiệu suất giữa các nhóm – Thời gian ra hàng chậm, khó xác định chính xác – Phải có người đi lấy hàng riêng – Thành phẩm chưa hoàn thành nhiều nên dễ lẫn lộn – Cần nhiều thời gian huấn luyện nhân viên hơn vì phải làm nhiều công đoạn
+ Dây chuyền đơn vị
Là dây chuyền mà mỗi bước công việc sẽ có nhiều người cùng tham gia làm, sản phẩm được tạo ra ngay tại mỗi nơi làm việc
Ưu điểm: Dễ tổ chức sản xuất do ít người – Phù hợp với các lô hàng nhỏ
Nhược điểm: Tính chuyên môn hóa không cao – Năng suất thấp
+ Dây chuyền hỗn hợp
Là dạng dây chuyền kết hợp cả dây chuyền dọc và dây chuyền cụm để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh. Tổ chức chuyền may theo dây chuyền này giúp tận dụng những ưu điểm và hạn chế nhược điểm của từng loại dây chuyền bộ phận.
* Căn cứ vào mức độ chuyên môn hóa của dây chuyền
Có:
+ Dây chuyền chuyên môn hóa hẹp: Sản xuất các mặt hàng có quy trình công nghệ tương đối giống nhau trên dây chuyền
+ Dây chuyền chuyên môn hóa rộng: Sản xuất nhiều loại mặt hàng
* Căn cứ vào công suất của dây chuyền
Có:
+ Dây chuyền có công suất nhỏ
+ Dây chuyền có công suất vừa
+ Dây chuyền có công suất lớn
* Căn cứ vào phương tiện vận chuyển
Có:
+ Cơ khí hóa: Sử dụng xe đẩy, băng chuyền đưa bán thành phẩm tới các vị trí trong chuyền
+ Tự động hóa: Sử dụng chuyền treo tự động hoặc bán tự động đưa bán thành phẩm tới các vị trí trong chuyền
* Căn cứ vào mức độ áp dụng KHKT trong chuyền may
Có:
+ Dây chuyền thế hệ 1: Sử dụng phần lớn các thiết bị đã được cơ khí hóa (máy may thông thường)
+ Dây chuyền thế hệ 2: Sử dụng phần lớn các thiết bị tự động và bán tự động (máy cắt chỉ tự động, máy bổ túi tự động, máy điện tử…)
Tổ chức chuyền may theo hình thức nào hiệu quả nhất?
Sẽ không có một kết luận chung nào về lựa chọn loại dây chuyền tốt nhất. Việc bố trí dây chuyền cần đảm bảo phù hợp để mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Tùy thuộc vào quy mô sản xuất, loại hình sản xuất, mặt hàng sản xuất… của mỗi nơi sẽ bố trí dây chuyền tương ứng phù hợp.
Nhìn chung, dây chuyền dọc (ngang) và dây chuyền cụm được ứng dụng nhiều nhất; tốt hơn nữa thì chọn dây chuyền hỗn hợp (dọc – cụm).
Ngoài ra, khi bố trí dây chuyền may cần lưu ý thỏa mãn các nguyên tắc:
- Đường đi sản phẩm ngắn nhất
- Khoảng cách và thời gian công nhân di chuyển ngắn nhất
- Thiết bị được bố trí và sắp xếp khoa học để công nhân dễ làm việc nhất
- Thiết bị được sắp xếp trên chuyền may sao cho dễ quan sát và kiểm soát nhất; ngoài ra còn phải dễ di chuyển và hoán đổi khi cần
- Tiết kiệm diện tích mặt bằng nhất...
Trên đây là tất tần tật những gì liên quan đến chuyền may cần biết, từ chuyền may là gì đến phân loại chuyền may hay bố trí, lựa chọn loại chuyền may nào… hy vọng sẽ hữu ích cho những ai đã và sẽ quan tâm đến công việc ngành may.
Ms. Công nhân