Kinh nghiệm quản lý công nhân may chuyền trưởng cần biết
15.07.2019 33184 hongthuy95
Chuyền trưởng hay tổ trưởng chuyền may là người trực tiếp quản lý hoạt động của công nhân may trong tổ sản xuất khi được phân công. Vậy một chuyền trưởng cần làm gì để quản lý công nhân hiệu quả? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu điều này!
Kinh nghiệm trong việc xếp bậc công nhân
Bậc công nhân hay tay nghề của công nhân do chuyền trưởng đánh giá và quyết định. Muốn xếp bậc chính xác, công bằng và “được lòng” tất cả công nhân đòi hỏi người quản lý phải thường xuyên theo dõi, nhìn nhận và đánh giá kỹ năng, trình độ chuyên môn cũng như thái độ làm việc, ý chí cầu tiến,…trong suốt thời gian xét, xếp bậc. Xếp đúng người, đúng bậc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ưu ái, nâng bậc người thân, hay ép, bất công với người yếu. Công khai xếp bậc từng công nhân để đảm bảo tính minh bạch.
Kinh nghiệm sắp xếp nhân sự trên chuyền sản xuất
Sắp xếp nhân sự trên chuyền sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng quyết định không nhỏ đến năng suất công việc của cả chuyền. Có rất nhiều cách để sắp xếp nhân sự trên chuyền sản xuất. Cụ thể:
+ Sắp xếp chuyền theo kiểu đồng đều: cách sắp xếp này được hiểu nôm na như kiểu làm việc theo nhóm. Tức là ghép những nhóm công nhân có tay nghề tương đương nhau vào một tổ, nhóm theo kiểu dây chuyền cụm. Ví dụ: nhóm (cụm) chuyên vắt sổ, nhóm chuyên dán túi, nhóm chuyên bổ cơi,…Hoặc cũng có thể chia theo kiểu dây chuyền dọc (dây chuyền tayler) như: nhóm từ công đoạn sang dấu, kẻ vẽ; nhóm từ bổ cơi túi đến hoàn thiện túi;…
+ Sắp xếp chuyền theo kiểu đan xen, hỗ trợ: cách sắp xếp này được hiểu là trong một nhóm sẽ có người giỏi hơn và người chưa giỏi; khi đó, những người tay nghề cao sẽ kèm cho những người tay nghề thấp. Mỗi công nhân cũng sẽ đảm nhận một công việc phù hợp với tay nghề trong nhóm của mình. Cụ thể: công nhân bậc 1 (mới làm, thử việc…) sẽ làm các công việc đơn giản là những công đoạn ghim đáp, ghim cơi,…; công nhân bậc 2 thì bổ cơi, mí cơi, hoàn thiện túi và thêm công đoạn của những công nhân bậc 1 đi kèm,…Để hoạt động tốt và hiệu quả, kiểu sắp xếp này đòi hỏi sự đoàn kết, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau, tránh đùn đẩy, ích kỷ làm ảnh hưởng đến công việc chung.
+ Sắp xếp theo thời gian, đơn giá: ghép các công đoạn gần kề nhau nhưng phải tính cho tổng thời gian đều nhau. Mục đích là phải làm cho lương công nhân tương đối đồng đều, không chênh lệch nhiều giữa người may tốt/ kém. Bởi lương quá thấp dễ khiến công nhân chán nản, bỏ việc hoặc có những hành vi “hại” nhau ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung.
Kinh nghiệm tổ chức, phân chia lao động trên chuyền hiệu quả
Không chỉ là việc sắp xếp nhân sự, việc tổ chức, phân chia lao động cũng cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong tổ. Để làm được điều này, người quản lý phải có kiến thức chuyên môn giỏi về việc thiết kế chuyền, phải nắm vững khả năng của từng công nhân để phân chia hợp lý, đảm bảo phù hợp với khả năng, trình độ và nguyện vọng của từng người.
Người quản lý phải là người tổng hợp rất nhiều kinh nghiệm
Đối với vị trí chuyền trưởng, yêu cầu tối thiểu phải biết may, nắm rõ những kỹ thuật may từ cơ bản đến nâng cao để truyền đạt, hướng dẫn và thực hành cho công nhân khi cần. Ngoài ra còn phải nắm chắc kết cấu sản phẩm; phải biết thiết kế mô hình chuyền; bóc tách hàng hóa; đánh giá công nhân; đánh giá năng suất theo nhóm, theo công đoạn; theo dõi năng suất để biết những nhóm, công đoạn nào bị ách tắt để có hướng giải quyết kịp thời;…
Kinh nghiệm xử lý tình huống trên chuyền
Một quản lý giỏi là người linh hoạt giải quyết mọi tình huống trên chuyền từ công nhân nghỉ, máy móc hư, sản phẩm sai kỹ thuật đến mâu thuẫn cá nhân giữa các công nhân, đánh nhau, cãi nhau,…Cụ thể:
+ Máy móc hỏng thường ít khi sửa (lỗi nặng) mà phải thay thế ngay. Sửa chữa máy móc trên chuyền không nên sửa tại chỗ, máy hỏng nên thay ngay máy khác vào thay thế, thiết bị hỏng phải được đưa ra bộ phận chuyên trách để xử lý,…đảm bảo công việc được vận hành đúng tiến độ.
+ Với công nhân cũng thế. Trường hợp công nhân nghỉ phải đề nghị bổ sung các công nhân dự phòng (có thể là từ chuyền khác hoặc hợp đồng thời vụ). Ngoài ra, có thể ghép các công đoạn lồng nhau theo nhóm, có nhóm trưởng, khi công nhân trong nhóm nghỉ thì nhóm đó phải hoàn thành luôn cả công đoạn của thành viên trong nhóm mình do nhóm trưởng chỉ định và chịu trách nhiệm trước chuyền trưởng.
+ Trường hợp công nhân mâu thuẫn trong giờ làm việc cũng cần được giải quyết kịp lúc, tránh trường hợp “đình công” ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung của tổ, nhóm. Khi đó, chuyền trưởng phải là người quan sát, lắng nghe, nhìn nhận, đánh giá và đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, giải tỏa mọi khúc mắt của sự việc, giúp công nhân nhanh chóng đi vào công việc. Một quản lý có năng lực không chỉ giỏi trong hoạt động sản xuất mà còn có tâm trong quản lý nhân sự, đảm bảo tạo môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện cho công nhân.
+ Bố trí người phụ chuyền/ nhóm trưởng là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ công việc chuyền trưởng. Người này sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp số, thứ tự, luồn dây, luồn chốt,…; thừa lệnh quản lý nhóm; chịu trách nhiệm hàng của nhóm mình để đáp ứng cho nhóm khác; đảm bảo các công đoạn được thực hiện trơn tru, hiệu quả, không bị ách tắt ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Một người quản lý được cho là thành công khi và chỉ khi người đó có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, đồng thời phải biết cách quản lý con người giỏi, ngoài ra còn phải biết khéo léo với cấp trên nhưng cũng không nhu mì với cấp dưới.
Xem thêm: Quy trình làm việc của tổ trưởng chuyền may và những điều cần biết
Ms. Công nhân