2 Thực Trạng Mấu Chốt Gây Khó Khăn Trong Việc Tìm Kiếm Nguồn Nhân Lực Trẻ Hiện Nay Tại Việt Nam
29.12.2017 2976 trangthunb93
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn lao động trẻ dồi dào, có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ưu thế này lại chưa được khai thác triệt để để mang lại hiệu quả tối ưu cho sự phát triển chung của nước ta khi mà mỗi năm số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng đáng báo động.
Nguồn nhân lực thiếu và yếu
Mỗi năm, cả nước có đến hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không phải ai trong số đó cũng tìm được việc làm. Lý do là gì?
Được biết, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp luôn cao là do sự mất cân bằng trong việc chọn bậc học của học sinh trung học phổ thông hiện nay. Theo tìm hiểu của Tuyencongnhan.vn, trung bình cứ 100 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có nguyện vọng tiếp tục học tập thì có đến 88 em muốn vào Đại học, 8 em muốn vào cao đẳng và chỉ có 4 em muốn học hệ trung cấp.
Đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng thất nghiệp một phần do xu hướng chọn ngành nghề học. Bởi, phần lớn học sinh đều tự vẽ ước mơ cho mình và mong muốn được chen chân vào giảng đường Đại học hay Cao đẳng, các em không hề biết rằng có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự thuộc các nhóm ngành lao động chưa qua đào tạo như công nhân hay lao động phổ thông.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Chủ tịch HĐQT Công ty L&A cho biết, hiện nay, có khoảng 21% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân viên trình độ trung cấp, 17% tuyển cao đẳng và chỉ có 15% tuyển Đại học. Bên cạnh đó, có đến 27% số sinh viên ra trường nhưng không xin được việc do ngành học không đáp ứng được nhu cầu thị trường hay nhà tuyển dụng và văn hóa doanh nghiệp không phù hợp hoặc họ không chấp nhận làm việc trái ngành đã được đào tạo. Điều này minh chứng rõ cho sự không khớp nhau giữa nơi tuyển dụng và ứng viên.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhận định rằng gần như đa số các sinh viên mới ra trường tìm được việc làm đều phải được đào tạo lại khi tiếp xúc với môi trường công việc thực tế. Theo tìm hiểu, có đến 94% sinh viên ra trường phải đào tạo lại và 96% đảm bảo họ đã sẵn sàng cho công việc nhưng trên thực tế, chỉ có 11% trong số đó thật sự sẵn sàng. Chuyên môn và các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc là những yếu tố cần được đào tạo lại cho sinh viên.
Tham khảo thêm: 4 Bí Quyết Tìm Kiếm Ứng Viên Tài Năng Dành Cho Doanh Nghiệp Nhỏ
Thiếu sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ tương lai
Tuy nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội chứ không phải các doanh nghiệp (theo kiểu đào tạo lại) nhưng cần có sự hợp tác cùng nhau để tạo nên đội ngũ nhân lực trẻ, năng động và sẵn sàng cống hiến. "Nên coi đây là trách nhiệm chung của xã hội trong mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực mới có chất lượng tốt hơn. Muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp, kể cả nhà trường phải cùng ngồi lại với nhau, chia sẻ phương thức đào tạo con người như nhiệm vụ và trách nhiệm chung được xã hội giao phó" - quan điểm của Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Trung tâm John von Neumann, Đại học Quốc gia TP. HCM.
Đào tạo trên sách vở là cần thiết, tuy nhiên, cần đi đôi với thực hành thực tế. Nhà trường và Doanh nghiệp cần hợp tác cùng nhau để tìm và bổ sung nguồn nhân lực trẻ thực sự tài năng cho xã hội, cống hiến hết mình vì sự phát triển chung của đất nước. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "đứt gãy" giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bởi, "Phải có một thế hệ thầy chiến lược, trò chiến lược thì mới có thể có được thế hệ nhân lực trẻ phục vụ doanh nghiệp, phục vụ đất nước. Lính mới thì cần có lính cũ kèm cặp. Thương trường là một trường đại học lớn, phải làm sao để ươm được mầm thì nó mới có thể phát triển được" - chia sẻ của ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ. Hay "mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp hay doanh nhân với trí thức là mối quan hệ sống còn. Nếu nơi nào đào tạo con người và nơi sử dụng con người không có quan hệ mật thiết, không gắn bó chặt chẽ với nhau thì việc có được nguồn nhân lực trẻ đáp ứng nhu cầu sẽ còn khó dài dài" - nhận định của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.
Giải pháp đặt ra là sự cần thiết trong việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cụ thể, nhà trường sẽ giới thiệu những sinh viên thực sự ưu tú vào thực tập tại doanh nghiệp đã liên kết và sau khi ra trường, những sinh viên đó nếu đáp ứng được yêu cầu sẽ về làm cho doanh nghiệp, giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại và đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc. Mặt khác, để tìm được nguồn ứng viên đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng, không ít doanh nghiệp hay nhà trường áp dụng quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt: tuyển dụng - thực tập - đánh giá - phỏng vấn tuyển dụng - thử việc - tuyển dụng chính thức. Quy trình này thể hiện sự linh hoạt trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng hiện nay.
Một cách khác, để tạo ra nguồn nhân lực trẻ hiệu quả đó là một số doanh nghiệp áp dụng phương thức đào tạo theo kiểu vừa học - vừa làm. Nghĩa là, trong một nhóm công nhân làm việc tại doanh nghiệp, luôn có khoảng 10 công nhân lành nghề làm nòng cốt để hướng dẫn những công nhân mới, thiếu hoặc chưa có kinh nghiệm; đồng thời thường xuyên mở các khóa đào tạo chuyên môn do các kỹ sư lành nghề đứng lớp, hàng tiết truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng làm việc trong nghề nhằm tạo động lực phấn đấu cho nguồn nhân lực trẻ.
Xem thêm: 6 Câu Hỏi Đắt Giá Giúp Nhà Tuyển Dụng Tìm Kiếm Ứng Viên Tài Năng
Ms. Công nhân