Điều chuyển lao động tạm thời và 5 điều cần biết
08.09.2020 2416 hongthuy95
MỤC LỤC
- Điều chuyển lao động tạm thời là gì?
- Điều chuyển lao động tạm thời diễn ra thế nào?
- DN có cần được sự đồng ý của NLĐ khi điều chuyển lao động tạm thời không?
- Tiền lương của NLĐ trong thời gian điều chuyển lao động tạm thời ra sao?
- DN, NSDLĐ bị xử lý ra sao nếu điều chuyển lao động tạm thời trái pháp luật?
Trong một số trường hợp nhất định, doanh nghiệp được phép tạm thời điều chuyển người lao động sang làm công việc khác. Bạn có biết điều chuyển lao động tạm thời là gì? Thời gian điều chuyển tạm thời bao lâu? Trách nhiệm của doanh nghiệp thế nào? Quyền lợi của người lao động ra sao?... Nếu chưa có nhiều thông tin, cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu nhé!

Điều chuyển lao động tạm thời là gì?
Điều chuyển lao động tạm thời là hành vi phân công người lao động (NLĐ) đang phụ trách nhiệm vụ công việc này sang đảm nhận nhiệm vụ công việc khác không giống với công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong các trường hợp bất khả kháng do các yếu tố tác động từ bên ngoài như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; sự cố điện, nước; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc để đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu sản xuất, kinh doanh (được thể hiện rõ trong nội quy của DN) từ phía doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong một khoảng thời gian nhất định, phù hợp với quy định của Luật.
(Căn cứ theo Điều 31 Bộ Luật lao động 2012 và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)
Điều chuyển lao động tạm thời diễn ra thế nào?
Việc điều chuyển lao động tạm thời chỉ được diễn ra trong nội bộ DN, NLĐ sẽ được cân nhắc điều chuyển tạm thời từ bộ phận này sang bộ phận khác, từ công việc này sang công việc khác trái khi cần.
DN có cần được sự đồng ý của NLĐ khi điều chuyển lao động tạm thời không?
Điều chuyển lao động tạm thời là quyền đơn phương của DN, NSDLĐ trong các trường hợp cụ thể (đã liệt kê trên đây), trong thời gian không quá 60 ngày cộng dồn trong 1 năm và phải báo trước cho NLĐ ít nhất 3 ngày, đồng thời, công việc mới được bố trí tạm thời phải phù hợp với sức khỏe, giới tính của NLĐ.
Trường hợp DN muốn kéo dài thời gian điều chuyển (nhiều hơn 60 ngày) thì phải nhận được sự đồng ý của NLĐ bằng văn bản. Ngoài ra, nếu DN muốn NLĐ đảm nhận luôn công việc mới thì cần nhận được sự đồng ý thỏa thuận của NLĐ bằng văn bản, phụ lục HĐLĐ hoặc HĐLĐ mới (sau khi đã chấm dứt HĐLĐ ban đầu).

Tiền lương của NLĐ trong thời gian điều chuyển lao động tạm thời ra sao?
Trong thời gian điều chuyển lao động tạm thời, NLĐ được hưởng mức lương theo công việc mới. Nếu mức lương của công việc mới thấp hơn mức lương của công việc cũ (theo thỏa thuận trong HĐLĐ) thì DN, NSDLĐ phải bảo lưu mức lương cũ cho NLĐ (tức NLĐ được giữ nguyên mức lương cũ) trong thời hạn 30 ngày làm việc. Sau khoảng thời gian này, mức lương trả cho NLĐ ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc cũ và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Trường hợp NLĐ không đồng ý điều chuyển lao động tạm thời sang công việc khác so với thỏa thuận trong hợp đồng mà vẫn muốn quay trở lại làm công việc cũ thì 2 bên vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết ở công việc cũ. Nếu không đạt được thỏa thuận và NLĐ phải ngừng việc thì DN, NSDLĐ không có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà phải trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định, ngược lại, NLĐ thì có quyền này vì DN, NSDLĐ đã không bố trí công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc theo đúng thỏa thuận đã ký kết trong HĐLĐ.
DN, NSDLĐ bị xử lý ra sao nếu điều chuyển lao động tạm thời trái pháp luật?
- Phạt tiền từ 2 - 6 triệu đồng nếu DN, NSDLĐ có hành vi điều chuyển lao động tạm thời nhưng không báo cho NLĐ liên quan trước ít nhất 3 ngày làm việc hoặc không tháo báo rõ thời hạn điều chuyển tạm thời hay bố trí công việc mới không phù hợp với sức khỏe, giới tính của NLĐ.
- Phạt tiền từ 6 - 14 triệu đồng nếu DN, NSDLĐ có hành vi chuyển NLĐ sang làm công việc mới khác với công việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ nhưng không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của NLĐ theo quy định.
(Căn cứ theo Khoản 1 Điều 5, Khoản 1, Điểm c, Khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

DN, NSDLĐ chỉ được điều chuyển lao động tạm thời trong một số trường hợp nhất định. Hy vọng bài chia sẻ trên đây của Vieclamnhamay.vn sẽ hữu ích với NLĐ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi thuộc danh sách điều chuyển lao động tạm thời.
Ms. Công nhân