Học sinh được nghỉ vì Virus Corona, bao giờ công nhân ngừng việc?
03.02.2020 28249 vi.vothanh
Tối ngày 2/2, Văn phòng chính phủ Việt Nam đã gửi công văn đến Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về việc cho phép trẻ mầm non, HS - SV nghỉ học để phòng chống virus Corona. Đứng trước tình trạng sức khỏe có nguy cơ bị đe dọa, nhiều người bày tỏ lo lắng: “Học sinh không phải đến trường, bao giờ đến lượt công nhân ngừng việc”?
Học sinh được tạm nghỉ, công nhân hoang mang vì không có người chăm con
Theo thống kê, đến sáng ngày 3/2, đã có 17.384 ca nhiễm Virus Corona trên toàn thế giới, 362 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tại Việt Nam vừa ghi nhận trường hợp thứ 8 dương tính với bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng virus này gây ra. Trước tình hình báo động đó, tối ngày 2/2, Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi đến Bộ GD & ĐT, Bộ Y tế gấp rút hướng dẫn các đơn vị cho trẻ em sinh hoạt tại nhà trẻ, mầm non và học sinh tạm nghỉ để phòng dịch.
Hiện, các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Khánh Hòa, Hồ Chí Minh, Bình Dương... đã linh hoạt thực hiện theo chỉ đạo của thủ tướng. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến tình huống trớ trêu: Trẻ mầm non, học sinh nghỉ học nhưng người lao động vẫn đi làm, vậy ai sẽ trông nom trẻ? Nhất là đối với những công nhân xa nhà đang làm việc tại các KCN, họ tỏ ra lo lắng vì hoàn cảnh neo người, thực sự không biết xử lý như thế nào cho thuận tiện.

Chị Nhàn, công nhân tại Hồ Chí Minh cho hay: “Tôi mới ở quê trở lại thành phố làm việc được vài ngày thì nhà trường thông báo cho con nghỉ học. Bé vừa lên lớp 1, không thể ở nhà một mình được, gửi hàng xóm cũng khó lòng yên tâm vì con khá nhỏ, vẫn chưa ý thức hoặc thành thạo các kỹ năng phòng tránh dịch bệnh khi tiếp xúc với mọi người”. Anh Tuấn, công nhân tại KCN Bình Dương cũng cho hay: “Trẻ mầm non nghỉ nhưng phụ huynh vẫn đi làm thì chúng tôi chịu thua. Tôi phải sắp xếp để vợ nghỉ làm trông con chứ ở trọ, ông bà lại dưới quê đâu ai giúp được gì. Biết là vì sức khỏe của mọi người nhưng tình hình này mà kéo dài thì kinh tế chắc còn gặp nhiều khó khăn”.
Cũng như chị Nhàn, anh Tuấn, nhiều công nhân khác lo lắng vì không biết phải xử trí như thế nào cho hợp lý. Thời điểm này, bước ra đường phải trùm kín, bảo vệ sức khỏe bản thân, giờ đưa con nhỏ đến trường chẳng yên tâm, mà để ở nhà lại không có ai chăm sóc.

Vì sao công nhân không được nghỉ làm để phòng dịch?
Không chỉ lo lắng cho con nhỏ, những công nhân đang làm việc tại các KCN có lao động Trung Quốc cũng vô cùng hoang mang. Nhất là mới đây, sau 3 trường hợp công nhân viên bị nhiễm Virus Corona từ vùng dịch Vũ Hán, Việt Nam vừa xác nhận thêm một nữ công nhân cũng lây nhiễm do đi cùng chuyến bay, sinh hoạt sau khi trở về nước với nhóm đồng nghiệp trên. Những thông tin này khiến mọi người lại càng lo sợ hơn bởi KCN là nơi có hàng ngàn NLĐ ra vào mỗi ngày, nếu nhỡ may 1 ca nhiễm bệnh, tình trạng lây lan sẽ diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, ngay sau khi chính phủ công bố quyết định cho học sinh tạm nghỉ để phòng dịch, nhiều người đã lên tiếng: “Còn công nhân thì sao? Mỗi ngày chúng tôi phải tiếp xúc với hàng chục quản lý, cán bộ là người Trung Quốc, quá trình kiểm soát lỏng lẻo lấy gì đảm bảo sức khỏe?”

Thế nhưng, xét trong trường hợp này thực sự rất khó xử lý. Nếu ngành dịch vụ như Nhà hàng - khách sạn, vui chơi giải trí phải tiếp xúc với hàng trăm du khách mỗi ngày thì công nhân ở nhiều nơi cũng phải gặp gỡ, làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo là người Trung Quốc. Trước mắt, chính phủ chỉ có thể cho học sinh tạm đến trường và hướng dẫn phòng tránh bệnh trong học đường để hạn chế nguy cơ dịch lây lan. Còn về kinh tế, không thể nói ngừng là lập tức dừng hẳn. Bởi quyết định này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của nhà nước nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Hơn nữa, mọi công nhân đều bị vướng trong vòng lẩng quẩng: Đi làm sợ nhiễm bệnh, nghỉ làm lại không có tiền tiêu. Chính vì vậy, nếu tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, các doanh nghiệp đều tiến hành áp dụng những biện pháp phòng tránh dịch bệnh thay vì tạm ngừng hoạt động để đảm bảo sức khỏe cho công nhân.

Sở dĩ, một bộ phận công nhân tỏ thái độ muốn nghỉ việc hay phản ứng gay gắt cũng vì nhiều doanh nghiệp ngày đầu trở lại sản xuất sau thời gian nghỉ Tết chưa linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh kịp thời. Hoặc nhiều đơn vị nhỏ lẻ chưa trang bị được các biện pháp kiểm định y tế, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao. Đối với các trường hợp này, nếu cảm thấy sức khỏe không được đảm bảo an toàn, trước tiên NLĐ cần tự bảo vệ mình, bằng cách chủ động kiến nghị đến cấp trên để có những biện pháp hỗ trợ phòng ngừa tốt hơn. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn của bộ Y tế như đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên vệ sinh tay bằng dung dịch kháng khuẩn trước và sau ăn... Khi có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh, nhanh chóng cách ly và kiểm tra tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Hiện nay, hiểu được nỗi lo của NLĐ, rất nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng tổ chức rà soát thân nhiệt, phát khẩu trang, hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh cho mọi người. Điển hình như các KCN lớn ở Bình Dương, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh... cũng đã lần lượt đo thân nhiệt 3 lần/ ngày cho công nhân viên, phát khẩu trang y tế, kiểm soát chặt chẽ cán bộ Trung Quốc để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ...

Tình hình dịch bệnh hiện đang bùng phát mạnh mẽ, hầu hết mọi người đều sống trong trạng thái lo sợ. Rất mong các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhà nước, chú trọng hơn đến sức khỏe công nhân. Về phía NLĐ, nhiệm vụ của công nhân là nỗ lực làm việc, áp dụng đúng những phương pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đã khuyến cáo nhằm đẩy lùi dịch bệnh để mọi hoạt động trở lại bình thường...
Có thể bạn quan tâm: Báo động Virus Corona, công nhân cần làm gì để bảo vệ mình khỏi đại dịch?
Vũ Vi