Lương 3P là gì? Ưu điểm của hình thức trả lương theo phương pháp 3P NLĐ cần biết
06.10.2017 16854 hongthuy95
Lương 3P là thuật ngữ được áp dụng khá phổ biến tại các doanh nghiệp (DN) như một cơ chế trả tiền lương cho người lao động (NLĐ). Vậy bạn có biết lương 3P là gì? Ưu điểm của hình thức trả lương theo phương pháp 3P? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu điều này!
Lựa chọn hình thức trả lương phù hợp mang lại ích lợi nhất định cho cả DN lẫn NLĐ. Trả lương theo phương pháp 3P là một trong những hình thức phổ biến hiện nay. Lương 3P là gì và ưu điểm khi DN trả lương 3P là gì?
Lương 3P là gì?
Lương 3P là một hệ thống lương được xây dựng sao cho các phần thu nhập cá nhân đảm bảo phản ánh 3 yếu tố: (P1) Position – vị trí công việc; (P2) Person – năng lực cá nhân và (P3) Performance – kết quả công việc. Cụ thể:
+ P1 - vị trí: mức thu nhập của NLĐ làm việc tại một DN phụ thuộc vào vị trí/công việc mà họ đảm nhận, được phản ánh qua khung lương mà họ được hưởng. Khung lương khác nhau, cao hay thấp được đánh giá dựa trên các yêu cầu về: kiến thức, kỹ năng (chuyên môn, nhân sự, quản lý), mức độ phức tạp của công việc, trách nhiệm và điều kiện làm việc của từng cá nhân NLĐ.
+ P2 - năng lực: từ bước thiết lập hệ thống khung lương tại P1, việc tiếp theo là xác định mức lương/bậc lương cho một nhân sự cụ thể. NLĐ được xếp vào khung lương của một nhóm công việc và được xếp loại bậc lương dựa vào mức độ đáp ứng năng lực yêu cầu của khung lương đó cũng như khả năng đáp ứng nhân lực thay thế trên thị trường.
+ P3 - hiệu suất: bước cuối cùng để biết được mức lương phải trả cho một NLĐ cụ thể là tiến hành định giá lương theo hiệu quả công việc, tức là đánh giá thành tích/kết quả công việc mà họ đạt được.
Việc áp dụng phương pháp trả lương 3P giúp khắc phục được các nhược điểm của phương pháp trả lương truyền thống như quá chú trọng đến bằng cấp, thâm niên hoặc ấn tượng ban đầu; không phân biệt được năng lực thực hiện công việc và đóng góp của cá nhân vào việc hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Tham khảo thêm: Quy trình tính và thanh toán tiền lương người lao động cần biết
Ưu điểm của hệ thống lương 3P
+ Đảm bảo công bằng nội bộ
Việc trả lương theo hình thức này giải thích cho các thắc mắc của NLĐ rằng “tại sao mức lương của các vị trí và các nhân viên trong cùng DN lại không giống nhau?”. Qua đây, NLĐ cũng sẽ hiểu rõ “làm thế nào để được hưởng lương cao và thu nhập tốt hơn?”, từ đó, họ có thể phấn đấu, cạnh tranh để đạt được chỉ tiêu đề ra của chính mình và của cả công ty; hoàn thành công việc được giao, đem lại hiệu quả cho công việc.
+ Đảm bảo công bằng bên ngoài
Việc khảo sát thị trường để xác định mức lương thị trường đang trả cho các vị trí, theo từng quy mô DN giúp DN xác định mức lương phù hợp với nhu cầu thực tế, từ đó có thể thu hút nhân tài thông qua chính sách lương “hấp dẫn” của mình; đảm bảo mức lương đưa ra là phù hợp và không làm ảnh hưởng đến mức lương chung ngoài thị trường.
+ Tạo động lực phát triển doanh nghiệp
Việc áp dụng hình thức trả lương 3P khuyến khích NLĐ quan tâm nhiều hơn đến kết quả công việc sau cùng; từ đó, họ sẽ có nhiều đóng góp để hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế thấp nhất rủi ro nhằm mang lại hiệu suất làm việc cao nhất, hiệu quả nhất giúp DN phát triển nhất. Khi đó, DN sẽ chi ra khoản lương phù hợp với tình hình kinh doanh của DN và mức độ cống hiến của từng nhân viên cho từng vị trí công việc vào từng thời điểm.
=> Nói một cách đơn giản và dễ hiểu thì lương 3P có ưu điểm vượt trội ở chỗ đảm bảo tính công bằng cho cả 2 bên: NLĐ nhận về số tiền công xứng đáng với khả năng và giá trị họ mang lại cho DN - DN giữ chân được người giỏi và không phải lãng phí tiền cho những nhân viên không có năng lực.
Còn đó những bất lợi khi áp dụng trả lương 3P
Theo các nhà quản lý, cái khó của việc áp dụng trả lương 3P là DN sẽ phải tiến hành đánh giá (lại) năng lực nhân viên để xếp lương cho phù hợp. Việc làm này tiêu tốn thời gian và nhân lực, cả chi phí thực hiện nữa. Tuy nhiên, không đảm bảo sẽ nhận về kết quả minh bạch và chính xác, do có thể có người không trung thực, hay người đánh giá bị yếu tố cảm tính chi phối nên đánh giá sai.
Khi thực hiện đánh giá, có thể sẽ có những cuộc tranh cãi nổ ra giữa các phòng ban, bộ phận về chuyện thiếu khách quan, thiếu công bằng trong kết quả đánh giá nhân viên này, quản lý kia. Trong trường hợp này, trả lương 3P có thể gây ra hậu quả khá nghiêm trọng: làm mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ tập thể sâu sắc.
Một điểm chưa tối ưu nữa khiến mục đích của hình thức trả lương 3P thất bài chính là một số DN tùy áp dụng hệ thống lương 3P nhưng vẫn duy trì chi những khoản phụ cấp, như: thâm niên, chức vụ, quan hệ... làm phá vỡ mục tiêu đảm bảo công bằng trong nội bộ lẫn bên ngoài công ty, vô tình khiến cho 3P trở thành hệ thống trả lương gây rối rắm thêm.
Tính toán để chọn ra hình thức trả lương phù hợp, sao cho vừa thỏa mãn mong đợi của nhân viên nhưng không làm gia tăng chi phí cũng như thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp là bài toán không hề đơn giản. Áp dụng hình thức trả lương 3P nếu muốn mang lại hiệu quả thì cần được áp dụng đúng chỗ, đúng lúc, đúng bối cảnh; nếu không sẽ rất dễ gặp phải những bất lợi đã nêu.
Xem thêm: Các hình thức trả lương và cách tính lương người lao động cần biết
Theo tìm hiểu, lương 3P hiện tại là hình thức trả lương được áp dụng phổ biến nhất, mang đến sự hài lòng cho cả DN lẫn NLĐ. Hy vọng những thông tin được Vieclamnhamay.vn chia sẻ trên đây là hữu ích, giúp bạn hiểu chính xác lương 3P là gì - ưu điểm khi DN trả lương 3P là gì - bất lợi khi áp dụng trả lương 3P là gì... từ đó lựa chọn phương án triển khai phù hợp.
Ms. Công nhân