Máy vắt sổ là gì? 5 lưu ý vận hành máy vắt sổ nên biết
15.12.2022 2835 thanhphuongthaobctt
Muốn hoàn thiện sản phẩm may mặc thì bên cạnh những chiếc máy may công nghiệp, máy vắt sổ cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ hơn. Vậy máy vắt sổ là gì? Những loại máy vắt sổ đang thịnh hành nhất hiện nay. Lưu ý gì khi sử dụng máy vắt sổ? Để trả lời các câu hỏi này, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Vieclamnhamay.vn nhé.
Máy vắt sổ là loại máy thường được thợ may sử dụng trong quá trình hoàn thiện sản phẩm may mặc. Tìm hiểu khái niệm “máy vắt sổ là gì?” và những thông tin liên quan đến thiết bị này sẽ góp phần giúp công nhân may hiểu rõ hơn về công việc.
Máy vắt sổ là gì?
Máy vắt sổ là loại máy thực hiện các đường may theo đường zích zắc với chức năng ghép nối, cuốn mép các chi tiết với nhau. Máy vắt sổ được thực hiện với mục đích hỗ trợ việc cuốn mép chi tiết vải, rồi cắt thành phẩm không còn tình trạng xờm xơ, giúp thành phẩm hoàn chỉnh chất lượng hơn.
Đặc biệt, máy vắt sổ có tầm quan trọng trong việc hoàn thiện sản phẩm may mặc và đóng góp vào việc gia tăng hiệu suất làm việc cho thợ may. Tìm hiểu về cách làm việc của loại máy này sẽ giúp công nhân dễ dàng nắm bắt và vận hành công việc dễ dàng hơn.
Máy vắt sổ trong nhà máy, xí nghiệp gồm những loại nào?
1. Những tiêu chí để phân loại máy vắt sổ
Một số tiêu chí để phân loại máy vắt sổ gồm:
- Số lượng chỉ của từng loại máy vắt sổ sẽ chia thành các loại máy vắt sổ như: Máy vắt sổ 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ, 4 chỉ, 5 chỉ,...
- Nhu cầu sản xuất: Tùy thuộc vào từng tính chất công việc, mục đích sản xuất sản phẩm của từng người mà sẽ có loại máy vắt sổ đáp ứng nhu cầu đó.
2. Những loại máy vắt sổ thông dụng hiện nay
Trong khuôn khổ bài viết này, Vieclamnhamay.vn sẽ giới thiệu những loại máy vắt sổ thông dụng được phân chia theo nhu cầu sản xuất.
- Máy vắt sổ Juki
Loại máy vắt sổ Juki là thiết bị đang được nhiều người có chuyên môn đánh giá cao về chất lượng, đường khâu vắt sổ đẹp. Phần lớn các nhà máy xí nghiệp đều sử dụng loại máy này trong quá trình vận hành sản xuất. Máy vắt sổ này có tốc độ 6000 mũi trên 1 phút nên góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện sản phẩm may mặc một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
- Máy vắt sổ Siruba liền trục 2 kim 4 chỉ
Có nguồn gốc hoạt động từ Đài Loan, máy vắt sổ này là một trong những thương hiệu nổi tiếng trong ngành may mặc. Tốc độ của máy khoảng 5000 mũi/ phút, máy góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện và rút ngắn thời gian may sản phẩm. Hơn nữa, loại máy này có ưu điểm vượt trội là may được trên nhiều loại vải khác nhau.
- Máy vắt sổ Yamato
Máy vắt sổ bắt nguồn từ thương hiệu xứ sở hoa anh đào, có nhiều ưu điểm nổi bật như độ bền cao, thời gian hoàn thiện thành phẩm nhanh chóng, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn. Máy vắt sổ Yamato có rất nhiều loại khác nhau, nhưng lại sở hữu kiểu dáng thiết kế đa dạng, hiện đại, tích hợp chức năng khóa mũi hiện đại, thông minh.
- Máy vắt sổ Jack
Máy vắt sổ Jack được thị trường sử dụng một cách phổ biến hiện nay với nhiều ưu điểm vượt trội cụ thể như sau: Tiết kiệm điện năng, tốc độ may nhanh chóng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng, dùng trên các loại vải khác nhau đều được,...
- Máy vắt sổ brother
Là loại máy có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc nên thiết kế đa dạng và có thể thay đổi mũi kim vắt sổ tùy thuộc theo nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, máy cũng không đưa ra quy định theo từng loại chỉ mà sẽ linh hoạt theo nhu cầu của thợ may. Bên cạnh may vắt sổ, máy này còn dùng để lên lai, cuốn mép, đính cườm,...
Các lưu ý vận hành máy vắt sổ thợ may cần biết
Để vận hành máy vắt sổ hiệu quả, nhanh chóng, thợ may nên lưu ý một số vấn đề về cách sử dụng và các lỗi thường gặp dưới đây:
1. Các lưu ý khi vận hành máy vắt sổ
Nếu thợ may chưa biết cách sử dụng máy vắt sổ, có thể đọc tham khảo hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu: Tại đây. Ngoài ra, cần chú ý một số vấn đề khi vận hành máy như sau:
- Lúc khởi động máy, công nhân nên cho thiết bị hoạt động từ chế độ thấp đến cao.
- Khi thực hiện các thao tác hoàn thiện thành phẩm, chỉ sẽ dễ bị rối, tác động xấu đến quá trình làm việc như gãy cò, gãy kim hay máy dừng hoạt động. Cho nên, thợ may cần phải chuẩn bị các sợi chỉ thẳng, không có mối nối.
- Khi may vắt sổ, bạn nên chú ý đến đường chỉ xuất hiện trên ống. Bởi lẽ nếu không may sợi chỉ bị tuôn ra, chúng sẽ vướng vào giá làm đứt sợi chỉ.
- Thợ may luôn chú ý nâng chân vịt trong quá trình thực hiện thao tác may. Nếu bỏ qua thao tác này, chỉ sẽ dễ bị rối, đứt và đường chỉ sai lệch.
- Lựa chọn các loại kim thích hợp: Tùy thuộc vào từng chất liệu vải, các loại kim gắn vào máy cần được kiểm tra, lựa chọn một cách chuẩn xác nhất. Đối với các loại vải mỏng, bạn nên dùng kim số 9. Còn ở vải thun, quần tây, bạn nên sử dụng kim số 11. Kim số 14 sẽ thích hợp cho việc may quần jean.
2. Những lỗi phát sinh khi dùng máy vắt sổ
Một số lỗi phát sinh khi sử dụng máy vắt sổ mà thợ may cần lưu ý để hạn chế như sau:
- Rối chỉ: Đây là một trong những lỗi thường gặp với các công nhân may mới, chưa có kinh nghiệm. Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ việc vải quá dày hoặc chưa nâng chân vịt lên trên. Thợ may nên cố gắng khắc phục lỗi này để giảm bớt việc gãy cò chỉ.
- Đứt chỉ: Trong quá trình may vắt sổ, tình trạng đứt chỉ sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Phần lớn nguyên nhân là vì lỗi vận hành của máy móc. Hơn nữa, nếu máy chạy với tốc độ quá nhanh hoặc chậm thì sợi chỉ cũng dễ bị đứt khi may.
- Đường may không đẹp: Đường may thường sẽ chịu sự chênh lệch giữa chỉ cò và chỉ kim. Bạn nên kiểm tra lại các loại chỉ nào đang bị lỏng nên cần xử lý kịp thời.
Như vậy, với những kiến thức hữu ích này, hẳn thợ may đã nắm rõ khái niệm “máy vắt sổ là gì?” và các thông tin khác xoay quanh thiết bị này. Mong rằng chúng sẽ góp phần giúp cho quá trình hoàn thiện sản phẩm nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Ms. Công nhân (Tổng hợp)