Mở xưởng sản xuất hàng may mặc cần làm hồ sơ ra sao?
01.03.2023 920 hongthuy95
Không ít công nhân may sau thời gian dài làm thuê ra quyết định mở xưởng sản xuất để làm chủ. Tuy nhiên, thủ tục giấy tờ vẫn là cái khó của họ, do lâu nay vốn ít hiểu biết và không có nhiều thời gian tìm hiểu vấn đề này. Bạn có ý định mở xưởng sản xuất hàng may mặc và cần biết phải chuẩn bị hồ sơ ra sao? Để Vieclamnhamay.vn điểm nhanh thông tin cần nhé!
Công nhân may mở xưởng tự sản xuất khi nào?
Khi tích lũy được kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, cùng với các mối quan hệ cần thiết cũng như một số vốn nhất định, ngoài ra còn tìm hiểu và nắm được cơ bản cách thức vận hành sản xuất, quản lý công nhân, quy định của luật về sản xuất kinh doanh và an toàn lao động… Nói như thế để thấy, mục tiêu mở xưởng tự sản xuất làm chủ rất tốt, tạo động lực để công nhân phấn đấu vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, mở xưởng là chuyện không dễ, vận hành và duy trì sản xuất rồi mở rộng kinh doanh khó hơn rất nhiều lần. Do đó, công nhân nếu muốn hiện thực hóa “ước mơ” làm chủ cần suy tính kỹ càng.
Mở xưởng sản xuất hàng may mặc cần làm hồ sơ ra sao?
Tùy vào quy mô xưởng, số lượng lao động làm việc và một số yếu tố đặc thù khác mà chuyện mở xưởng sản xuất cần được đăng ký kinh doanh theo đúng luật, với thủ tục hồ sơ phải chuẩn bị tương ứng khác nhau. Cụ thể:
+ Mở xưởng may nhỏ tại nhà, quy mô dưới 10 lao động
Mọi cơ sở kinh doanh đúng luật đều phải đăng ký kinh doanh (ĐKKD) theo hình thức tương ứng (trừ một số ngành, nghề giản đơn, cho thu nhập thấp thì không phải đăng ký). Việc mở xưởng may nhỏ tại nhà cũng vậy. Khi đó, người mở cần tiến hành ĐKKD dưới 1 trong 2 hình thức, là: thành lập doanh nghiệp hoặc ĐKKD hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, vì chỉ kinh doanh nhỏ, quy mô dưới 10 lao động nên ĐKKD hộ kinh doanh là đơn giản và phù hợp.
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh được quy định cụ thể tại Nghị định 78/2015/Nđ-CP như sau:
Cá nhân hoặc người đại diện nhóm cá nhân chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, với các nội dung bao gồm:
+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có)
+ Ngành, nghề kinh doanh
+ Vốn kinh doanh
+ Số lượng lao động
+ Họ và tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân, nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh
- Bản sao công chứng Thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân, nhóm cá nhân tương ứng
- Bản sao công chứng biên bản họp nhóm cá nhân (nếu có) về việc thành lập hộ kinh doanh
Hồ sơ được gửi đến cơ quan ĐKKD cấp quận/huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đúng và đủ hồ sơ, kèm theo thỏa mãn các điều kiện về đăng ký hộ kinh doanh theo quy định (như: ngành, nghề kinh doanh dự định đăng ký phù hợp, tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp, nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định) cơ quan ĐKKD có thẩm quyền sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tương ứng hợp pháp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ sẽ được thông báo rõ nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung chi tiết bằng văn bản.
+ Mở xưởng may quy mô vừa, trên 10 lao động
Theo quy định, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong đó, đăng ký Công ty TNHH một thành viên nếu chỉ 1 cá nhân thành lập doanh nghiệp - đăng ký Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần, Công ty Hợp doanh khi có từ 2 thành viên. Khi đó, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tương ứng sẽ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên công ty nếu là công ty TNHH hoặc công ty Hợp doanh/ cổ đông sáng lập công ty, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nếu là công ty CP
- Bản sao công chứng các giấy tờ tương ứng theo loại hình doanh nghiệp, gồm:
+) Đối với Công ty TNHH:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân nếu thành viên là cá nhân, là người đại diện theo pháp luật
+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức nếu thành viên là tổ chức, cùng văn bản cử người đại diện theo ủy quyền
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu là nhà đầu tư nước ngoài
+) Đối với Công ty CP:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân nếu cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài lá cá nhân, là người đại diện theo pháp luật
+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức nếu cổ đông là tổ chức, cùng văn bản cử người đại diện theo ủy quyền
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư là người nước ngoài
+) Đối với Công ty Hợp doanh:
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu là nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, tùy vào loại hình kinh doanh lựa chọn, kế hoạch kinh doanh dự kiến mà công nhân tính toán mở xưởng sản xuất hàng may mặc phù hợp, từ đó chuẩn bị và nộp hồ sơ đúng, đủ để nhận được giấy đăng ký kinh doanh và sản xuất kinh doanh đúng luật.
Ms. Công nhân (tổng hợp)