Nhớ về chuyến hồi hương chưa từng có: Là di cư vì từ bỏ hay để hồi sức rồi trở lại?
19.10.2021 738 hongthuy95
Trên chiếc xe máy cũ lỉnh kỉnh áo quần - quạt - xoong - nồi - chảo, anh Bảo chở theo vợ, con bám đuôi theo đoàn rời phố thị về Kiên Giang sau 3 tháng mất việc không thu nhập. Lần đầu sau 13 năm tha hương, anh thấy mình không còn ràng buộc hay lưu luyến thành phố nữa…
Khốn cùng vì dịch bệnh
Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam từ đầu năm 2021 với quy mô vừa và nhỏ, chỉ ảnh hưởng cục bộ tại một số tỉnh thành, với một vài ngành nghề, lĩnh vực đặc thù như dịch vụ, du lịch, lưu trú, ăn uống… Phía nhà máy, khu công nghiệp có nhưng không đáng kể. Công nhân khi ấy là một trong những công việc ổn định nhất nhì, với thu nhập cao. Những tưởng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát thì bất ngờ dịch bùng phát mạnh, một lần tại Bắc Giang, Bắc Ninh hồi tháng 4 nhưng được khống chế ngay nên hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp chỉ bị gián đoạn trong thời gian ngắn, từ 14 ngày đến tối đa 1 tháng.
Đợt bùng phát dịch nặng và dai dẳng nhất nước rơi vào tháng 7, ngay tại địa điểm sôi động bậc nhất Việt Nam - TP.HCM. Sự ảnh hưởng của Covid-19 đến nay mới thực sự hiện rõ. Suốt 3 tháng ròng rã, Sài Gòn siết chặt việc đi lại, áp dụng biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, bắt buộc “ai ở đâu ở yên đó”, nhiều lao động phổ thông vì thế mà lâm cảnh khốn cùng khi mất việc, không thu nhập, không trợ cấp. Chưa từng ai nghĩ “miền đất hứa” lại có ngày không chứa nỗi những công nhân tha hương như họ. Bất lực, khó khăn kéo dài, nhiều người không thể chịu đựng để đợi dịch được nữa nên bỏ phố về quê, tháo chạy bất chấp nguy cơ mất an toàn trong giao thông lẫn dịch bệnh…
Thống kê cho thấy, trong hơn 69.000 nguời lao động ở các tỉnh phía Nam có đến 62% mất việc làm vì dịch bệnh. Vì nguồn tài chính tích lũy không dư dả mấy nên khoảng 50% trong số này chỉ đủ sức cầm cự trong 1 tháng, 37% sống được từ 3-6 tháng, chỉ 4,4% dư tiền sống trên 6 tháng.
Về quê để sống tiếp
Sáng 3/10, anh Bảo nhận được 3 triệu đồng từ khoản hỗ trợ của chính quyền thành phố. Số tiền này được anh trả nóng tiền thuê phòng 4 tháng nay. Dù được chủ nhà trọ giảm đến 70% tiền thuê mỗi tháng nhưng phải đến hôm nay anh mới có tiền để trả dứt điểm trước giờ về quê. Đây cũng là khoản trợ cấp duy nhất anh Bảo nhận được từ khi thất nghiệp đến nay, bởi công việc trước đó chỉ là thời vụ, không chế độ, không bảo hiểm.
Được biết, lần hồi hương này có lẽ kéo dài mãi. Gia đình anh chưa có dự định quay trở lên thành phố để kiếm việc làm mà sẽ về ở nhờ nhà cha mẹ già tìm sinh kế mới. Bởi làm sao biết dịch khi nào thì hết hẳn, Sài Gòn liệu có thêm lần phong tỏa cứng nào không, những người bên cạnh liệu có một ngày trở thành F0, thậm chí ra đi mãi mãi mà không thể gặp gia đình lần cuối… chưa kể, vợ anh sắp sinh đứa thứ 2, cô con gái đầu cũng chuẩn bị bước vào lớp 1, xưởng sản xuất nơi hai vợ chồng làm công nhân trước đó lại chưa có kế hoạch hoạt động trở lại thì lấy đâu ra công việc, tiền của mà bám trụ… Cứ thế, bao nhiêu mối lo cùng suy nghĩ chéo chồng trong tâm trí người đàn ông chỉ mới 31 tuổi này.
Cũng khốn cùng như anh Bảo, T.V. Dũng, 36 tuổi, quê Quảng Bình vào Đồng Nai lập nghiệp 7 năm nay nhưng giờ cũng cạn tiền. Anh Dũng chạy xe ôm, vợ làm công nhân may, mỗi tháng cũng kiếm được chục triệu đồng vừa đủ chăm lo cho cuộc sống xa quê. Nhưng rồi dịch… công việc từ đó bị đình trệ, gia đình 4 miệng ăn có hôm chia nhau gói mì sống. Ngày tỉnh nới lỏng giãn cách, vì sợ dịch và đói ăn, anh Dũng rủ vợ đưa con chạy xe về quê.
A Páo, công nhân dân tộc Mông ở biên giới phía Bắc cũng vừa quyết định chở vợ rời Bình Dương chạy hàng nghìn km về quê tránh dịch. Nhớ về ký ức hơn 60 ngày nán lại thành phố đợi việc, anh rơm rớm: “Bạn không hiểu được cái cảm giác một ngày 2 vợ chồng ăn một gói lương khô cùng mẫu bánh ngọt thôi đâu. Chẳng thấy no gì hết nhưng vẫn phải cố ăn cùng nước để sống”. Được biết, A Páo cùng vợ vào miền Nam hồi đầu tháng 5, làm công nhân cho một xí nghiệp nhỏ rồi bị cắt giảm vì dịch hồi tháng 7 rồi. Lúc đầu cả hai tính nấn ná thêm 2 tuần xem tình hình nhưng rồi lại kéo dài đến tận 2,3 tháng nay. Khốn cùng, đói khổ, giờ chỉ biết về nhà mới đỡ mối lo. Bởi, về nhà không chết đói, chỉ không có việc.
Gia đình của anh Bảo, Dũng hay A Páo là một vài trong số hàng vạn, thậm chí hàng triệu lao động miền Nam tìm đường trở về nhà bằng mọi cách kể từ khi các tỉnh đàng trong nới lỏng giãn cách, chủ yếu hướng về miền Tây hoặc chạy ra phía Bắc. Có người được đón về bằng xe khách, kẻ tháo chạy bằng xe máy, xe đạp hay kể cả xe lôi tự chế hoặc đi bộ… Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến ngày 6/10, lượng người về Đồng Tháp là 26.000 người, An Giang 40.000 người, Sóc Trăng 50.000 người, Cà Mau gần 20.000 người, Kiên Giang 40.000 người, Nghệ An 87.000 người, Huế 40.000 người, Hà Giang hơn 2.000 người, Sơn La hơn 2.500 người, Lào Cai gần 600.000 người, Lai Châu hơn 300 người…
Trướ đó, có đến 1,3 triệu người lao động cũng đã về quê tránh dịch chỉ trong khoảng 1,5 tháng, từ tháng 7 cho đến 15/9. Thống kê này thật ra vẫn chưa đầy đủ, hẳn sẽ còn sót nhóm lao động tự do trong khu vực phi chính thức, về quê tự phát. Chỉ tính riêng TP.HCM, tuy thống kê từ các cơ quan hiện chỉ có khoảng 10 triệu dân nhưng trong những ước tính gần đây của UBND TP, tổng dân số cần hỗ trợ vì những ảnh hưởng của Covid-19 lên đến 13 triệu người, tức có khoảng 3 triệu người là tạm trú. Thêm nữa, nếu đợt dịch trước những lao động về quê chủ yếu là lao động tự do trong các ngành dịch vụ, du lịch thì ở đợt này, một lượng lớn rơi vào lao động khối ngành xây dựng và công nhân trong các nhà máy tại các khu công nghiệp lớn nhỏ như giày da, dệt may, chế biến thủy sản…
Nguy cơ khát lao động sau dịch
Hiện số người di cư vẫn đang tăng, nguyện vọng của họ là được về nhà, được gần người thân dẫu có thiếu việc cũng không thiếu ăn mà chết đói. Nhiều người trong số này thôi ý nghĩ quay trở lại Sài thành mưu sinh, hoặc có cũng sẽ rất lâu, sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn hay ít nhất vaccine cũng được phủ toàn quốc để không còn lo cảnh vừa sống vừa sợ.
Nhiều chuyên gia dự báo nguy cơ thiếu hụt lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp phía Nam sau dịch. Một khi hoạt động sản xuất được cho phép mở rộng, nhiều cơ sở đứng trước bài toán tuyển không ra người, khả năng đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng vô cùng cao. Rồi đây, đơn hàng cũ chậm tiến độ, đơn hàng mới bị mất, không ít doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn đến phá sản.
“Chỉ những tổ chức tốt, năng lực lãnh đạo giỏi, có thế mạnh về nguồn lực mới lo được cho cả công nhân tham gia “3 tại chỗ” và “công nhận tạm nghỉ ở nhà”. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng này lại không nhiều.” - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định. Có dịp tiếp xúc trực tiếp với những lao động di cư từ Nam ra Bắc, nhiều người cho hay họ tự chủ động bỏ việc vì sợ bị lây bệnh khi thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, họ cũng muốn trở về quê tìm việc để ổn định cuộc sống, tiện chăm sóc gia đình riêng và cha mẹ già sau nhiều năm tha hương thương nhớ.
Việt Nam đối mặt với khủng hoảng lao động chưa từng có sau dịch?
Cũng có người di cư để hồi sức
Nhiều chuyên gia cho rằng, bài toán lao động thực chất chỉ là câu chuyện lo xa của các doanh nghiệp. Nó thuộc về vấn đề của 3-6 tháng tới, khi tình hình dịch khả quan hơn. Bởi đa số hiện chỉ đang hoạt động dưới 50% công suất để đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch. Ai cũng cần thời gian để phục hồi dần, cả tổ chức và người lao động.
Khảo sát cho thấy, có đến 89% lao động di cư và 96% lao động tại địa phương muốn quay lại công việc, tại công ty cũ sau dịch hoặc sau Tết. Do đó, cuộc hồi hương lần này có thể coi là một đợt nghỉ ngơi dài ngày sau quãng thời gian nhiều người quá mệt mỏi và chán nản ở thành phố. Hầu hết người lao động đều tham gia các nhóm facebook, zalo liên quan để trao đổi thông tin với nhau. Họ có xu hướng sống theo cộng đồng, thường tụ tập để sống và chọn nơi làm việc cùng với những người đồng hương. Vì thế, rất có khả năng những người này cũng đã lên kế hoạch và tính toán kỹ lưỡng trước khi ra quyết định ở lại hay về. Hơn nữa, việc gắn bó với TP.HCM hay Bình Dương hàng chục năm với nhiều người nơi này giờ trở thành nhà, như cảnh “một chốn hai quê” nên không thể nói bỏ là bỏ được. Nỗi nhớ sẽ dẫn lối suy nghĩ họ trở lại thành phố sau dịch bệnh.
Muốn vậy, chính quyền địa phương cùng lãnh đạo doanh nghiệp cần hỗ trợ tích cực người lao động cả trong và trước khi phục hồi, để họ có thêm niềm tin về cuộc sống ổn định, công việc ổn định. Trong đó, tạo điều kiện để người lao động di cư hồi hương hay đón họ quay trở lại là một trong những việc làm cần thiết và hợp lý nhất lúc này - khi hầu hết mọi đối tượng lao động đều đã kiệt quệ cả về sức khỏe, tâm lý và kinh tế trong nhiều tháng chịu giãn cách nghiêm ngặt.
Sự thật là Covid-19 đã biến các tỉnh miền Nam, nơi vốn được xem là cực kỳ thuận lợi để tìm sinh kế trở nên khắc nghiệt và tù túng hơn bao giờ hết. Điều này hình thành ý nghĩ tiêu cực cho nhiều người, thôi thúc những ai đang khó khăn quyết tâm về quê. Một chuyến hồi hương chưa từng có diễn ra trong nhiều ngày gây ám ảnh: có người di cư vì từ bỏ - người trở về để hồi sức rồi quay lại mạnh mẽ hơn.
Bạn có đang nằm trong số lao động miền Nam đã, đang và sẽ về quê? Bạn dự định về luôn hay quay trở lại sau dịch?
Ms. Công nhân
(Ảnh và số liệu tham khảo từ VnExpress)