Tổng hợp 7 cách tính lương cho NLĐ mà 99% DN đang áp dụng
08.09.2023 1120 hongthuy95
Lương thưởng là 1 trong những yếu tố tiên quyết để NLĐ lựa chọn công việc và gắn bó lâu dài với DN. Chuyện tính lương theo cách nào, cách tính cụ thể ra sao vì thế mà cực kỳ quan trọng, đảm bảo tính công bằng và minh bạch, chính xác và phù hợp tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp không mong muốn. DN bạn đang làm đang áp dụng cách tính lương nào? Chi tiết cách tính ra sao? Cùng Vieclamnhamay.vn điểm nhanh 7 cách tính lương cho NLĐ mà đến 99% DN đang áp dụng.
Nguyên tắc tính lương trong DN
Dựa vào:
- Mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ đã ký kết
- Quy định lương thưởng chi tiết của DN
- Mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại thời điểm hiện hành
- Mức lương trích đóng chế độ BHXH bắt buộc, số tiền trích đóng các khoản BHXH từ lương theo tỷ lệ tương ứng
- Bảng chấm công lao động hàng tháng
- Phiếu xác nhận sản phẩm nếu tính lương theo sản phẩm; phiếu hoàn thành công việc nếu tính lương khoán
Các cách tính lương cho NLĐ phổ biến
Sau đây là 7 cách tính lương cho NLĐ phổ biến nhất, được nhiều DN áp dụng:
+ Tính lương theo tháng
Là tiền lương được trả cho NLĐ mỗi tháng 1 lần, hoặc có nơi nửa tháng 1 lần tùy vào thỏa thuận ban đầu giữa NLĐ với NSDLĐ. Thời điểm trả lương sẽ do 2 bên thống nhất để ấn định ngày - chu kỳ cụ thể chi trả lương.
Công thức tính lương tháng sẽ là:
Lương tháng = [(lương thỏa thuận + các khoản phụ cấp (nếu có)) : số ngày đi làm trong tháng theo quy định] x số ngày làm việc thực tế trong tháng đó của NLĐ
Trong đó: số ngày đi làm trong tháng theo quy định = số ngày trong tháng - số ngày nghỉ của tháng đó.
>>Ví dụ: Lương thỏa thuận của chị Nga với công ty X là 6 triệu đồng/tháng (đã bao gồm phụ cấp ăn trưa). Tháng 8/2023, chị Nga đi làm đủ công, không báo nghỉ ngày nào. Số ngày công chuẩn của tháng 8 là 27 ngày. Khi đó, tháng 8/2023, tiền lương mà chị Nga nhận được là: 6 triệu / 27 x 27 = 6 triệu đồng.
Ngoài ra, một số DN chọn 1 con số ngày công chuẩn cố định để áp dụng tính lương cho NLĐ, thường là 24-26 công. Khi đó, công thức tính lương cho NLĐ theo tháng sẽ là:
Lương tháng = lương thỏa thuận / 26 x số ngày làm việc thực tế trong tháng
>>Ví dụ: cũng với ví dụ trên nhưng nếu áp dụng cách tính lương theo tháng bằng số liệu này thì tiền lương tháng 8/2023 của chị Nga là: 6 triệu / 26 x 27 = 6.230.769 đồng.
+ Tính lương theo tuần
Nếu thỏa thuận HĐLĐ giữa NLĐ và NSDLĐ chi trả lương theo tuần thì công thức tính lương tuần cho NLĐ sẽ được xác định như sau:
Lương 1 tuần = Lương tháng x 12 tháng : 52 tuần
>>Ví dụ: nếu áp dụng số liệu trên thì tiền lương 1 tuần của chị Nga là: 6 triệu x 12 : 52 = 1.384.615 đồng.
+ Tính lương theo ngày
Tương tự, nếu thỏa thuận HĐLĐ giữa NLĐ và NSDLĐ chi trả lương theo ngày thì công thức tính lương ngày cho NLĐ sẽ được xác định như sau:
Lương 1 ngày công = Lương cả tháng : số ngày làm việc bình thường theo quy định của tháng đó
>>Ví dụ: nếu áp dụng số liệu trên thì tiền lương 1 ngày của chị Nga là: 6 triệu : 27 = 222.222 đồng
Hoặc:
Lương 1 ngày = lương tuần : số ngày làm việc trong tuần đó
Trong đó: số ngày làm việc bình thường trong tháng hay tuần sẽ tùy thuộc vào quy định của DN trên cơ sở tuân thủ quy định về thời gian làm việc tối đa theo luật và đạt được thỏa thuận với NLĐ
>> Ví dụ: nếu áp dụng số liệu trên thì tiền lương 1 ngày của chị Nga là: 1.384.615 : 6 = 230.769 đồng
+ Tính lương theo giờ
Trường hợp NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận trả lương theo giờ làm việc trong ngày thì cách tính sẽ được xác định bằng công thức:
Lương 1 giờ làm việc = lương ngày : số giờ làm việc bình thường trong ngày
(thường là 8h/ca theo quy định của luật, làm quá thời gian này thì được tính là làm thêm giờ).
>> Ví dụ: nếu áp dụng số liệu trên thì tiền lương 1 ngày của chị Nga là: 222.222 : 8 = 27.778 đồng
Hoặc 230.769 : 8 = 28.846 đồng
+ Tính lương theo doanh thu/ KPI
Là thỏa thuận trả lương dựa vào doanh số thực tế đạt được theo mục tiêu doanh số đã thỏa thuận cùng chính sách lương thưởng doanh số theo quy định. Cách tính lương này thường được áp dụng cho nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng… nhằm kích thích nhân viên làm việc năng suất để đạt được doanh số cao. Tùy theo quy định của công ty cùng với thỏa thuận giữa NLĐ và DN mà cách tính lương theo doanh thu/KPI sẽ được áp dụng theo các công thức khác nhau.
Lương KPI = Lương cứng + doanh số thực tế đạt được trong tháng x tỷ lệ % trích hưởng theo thỏa thuận
>>Ví dụ: Chị Thảo là nhân viên kinh doanh của công ty B. Hàng tháng, chị được hưởng lương gồm lương cứng 3 triệu và 2% doanh số bán hàng. Tháng 8/2023, chị Thảo bán được tổng doanh thu cho công ty là 100 triệu đồng. Vậy lương tháng 8/2023 của chị Thảo là: 3 triệu + 100 triệu x 2% = 5 triệu đồng.
+ Tính lương theo sản phẩm
Là thỏa thuận trả lương dựa vào số lượng và chất lượng sản phẩm hoàn thành của NLĐ. Thông thường, hình thức tính lương theo sản phẩm được các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm ưu tiên áp dụng, nhằm thúc đẩy NLĐ làm việc năng suất cao.
Lương của NLĐ trả theo sản phẩm được tính bằng công thức sau:
Lương theo sản phẩm = số lượng sản phẩm hoàn thành, đạt yêu cầu x đơn giá sản phẩm tương ứng
>>Ví dụ: Tháng 8/2023, anh Thắng hoàn thành 60 chiếc quần jeans, đơn giá 1 chiếc quần jeans là 30.000 đồng. Vậy lương tháng 8/2023 của anh Thắng là: 60 x 30.000 = 1.800.000 đồng.
+ Tính lương theo kiểu khoán
Là hình thức trả lương dựa vào khối lượng + số lượng + chất lượng công việc + thời gian mà NLĐ hoàn thành, quy ra một con số cụ thể cho cả một công việc được thỏa thuận. Điều cần quan tâm nhất đối với cách tính tiền lương này chính là NSDLĐ phải ước lượng trước được đơn giá khoán phù hợp với sức lao động của NLĐ bỏ ra. Thậm chí, nếu công việc được hoàn thành ở mức độ đạt yêu cầu cao thì tỷ lệ khoán sẽ cao hơn tương ứng, có thể kèm thêm tiền thưởng để NLĐ có động lực làm việc hiệu suất cao và trách nhiệm.
Lương khoán trả cho NLĐ sẽ được xác định dựa vào công thức:
Lương khoán = mức lương khoán chuẩn x tỷ lệ % hoàn thành công việc
Cách tính lương nào có lợi?
Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp hiện áp dụng cách tính lương trả cho NLĐ theo thời gian (theo tháng/tuần/ngày/giờ) - các doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công hàng hóa áp dụng thêm cách tính lương theo sản phẩm - mảng xây dựng đặc thù có thể quy định tính lương khoán… Nghĩa là, tùy thuộc vào đặc thù công việc, thỏa thuận của NLĐ với NSDLĐ cùng một số yếu tố đặc trưng khác để quy định hình thức trả lương, cách tính lương cho NLĐ sao cho phù hợp, đảm bảo tương xứng với sức lao động bỏ ra, đồng thời tạo động lực kích thích họ làm việc năng suất và trách nhiệm nhất có thể.
Cách tính lương cho NLĐ được đánh giá là phù hợp nhất khi mang lại lợi ích cho cả DN và NLĐ.
Ms. Công nhân