Ứng viên nên xưng hô thế nào trong buổi phỏng vấn?
16.01.2019 7258 hongthuy95
Bạn là ứng viên tìm việc nhà máy - khu công nghiệp và đang chuẩn bị hồ sơ xin việc hoàn chỉnh gửi đến nhà tuyển dụng? Bạn hoang mang chưa biết nên xưng hô thế nào trong lúc phỏng vấn đề gây ấn tượng và không bị mất điểm? Đừng lo! Tuyencongnhan.vn sẽ dành bài viết hôm nay để giải đáp thắc mắc giúp bạn.
2 cách xưng hô thông dụng nhất
Ngôn ngữ Việt Nam tồn tại rất nhiều ngôi xưng khi giao tiếp. Mỗi trường hợp khác nhau sẽ áp dụng một cách xưng hô khác nhau tương ứng phù hợp. Tuy nhiên, “Em”- “Tôi” là 2 cách xưng hô thông dụng được ứng viên sử dụng nhiều nhất trong buổi phỏng vấn tìm việc làm. Cách xưng hô này giúp tạo sự thân thiện, gần gũi giữa ứng viên với nhà tuyển dụng (NTD) nhưng không thiếu vẻ tự tin về bản thân; đặc biệt thể hiện kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp.
Thực tế, dù bạn có trình độ, kỹ năng chuyên môn tốt, đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương nhưng kỹ năng giao tiếp lại lóng ngóng, mất kiểu soát ngôn ngữ cơ thể, thậm chí không biết phải xưng hô thế nào cho phù hợp là nguyên nhân khiến bạn gần như bị thất bại trong công cuộc tìm kiếm việc làm cho mình. Đừng nghĩ cách xưng hô khi giao tiếp là đơn giản! Là ứng viên chuyên nghiệp, bạn phải biết khi nào thì nên xưng “em”, khi nào xưng “tôi” để gây ấn tượng và thiện cảm với người đối diện.
Áp dụng cách xưng hô thế nào cho phù hợp?
- Xưng “em” khi ứng viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm
Nếu giao tiếp bằng tiếng Anh chỉ có 1 đại từ nhân xưng là “I”- tức “tôi” dùng chung cho tất cả các tình huống thì tiếng Việt lại đa dạng hơn đòi hỏi người nói phải linh hoạt lựa chọn từ xưng hô phù hợp để mang lại hiệu quả trong giao tiếp và hội thoại.
Vậy khi nào thì ứng viên nên xưng “em” trong buổi phỏng vấn tìm việc?
+ Khi bạn là một sinh viên mới ra trường và hoàn toàn chưa hề có kinh nghiệm gì về vị trí công việc đang ứng tuyển dù học lực có xuất sắc và tốt nghiệp tại một trường ĐH vô cùng danh tiếng. Bởi, ở hiện tại, nếu được tuyển, bạn vẫn chỉ ở vị thế của một người học viên và rất cần học hỏi kinh nghiệm từ những anh chị đồng nghiệp đi trước. Do đó, cách xưng hô “em” là vô cùng phù hợp để thể hiện sự tôn trọng, kính nể người đối diện; đồng thời giúp chiếm cảm tình từ họ vì thể hiện sự sẵn sàng học hỏi trong công việc. Cách xưng hô này cũng nên được áp dụng khi ứng viên tham gia phỏng vấn ở những doanh nghiệp, công ty trong nước.
+ Mặt khác, trong buổi phỏng vấn, nếu cảm thấy những người đại diện nhà tuyển dụng lệch khá nhiều về tuổi tác hoặc lớn tuổi hơn bạn thì nên linh động trong việc sử dụng đại từ nhân xưng (có thể là em, cháu…) - dùng thêm kính ngữ tương ứng như “Dạ,…”, “Thưa…”, “Vâng ạ”… để tránh tạo cảm giác cộc lốc, thiếu lễ độ trong giao tiếp.
- Xưng “tôi” khi ứng tuyển vào công ty nước ngoài
Nếu môi trường mà bạn đang ứng tuyển là những công ty nước ngoài, công ty liên doanh có thành viên là người nước ngoài trực tiếp tham gia phỏng vấn; đừng e dè mà hãy quyết đoán và mạnh dạn xưng “tôi” – “thưa ông/ bà hoặc anh/ chị”… rồi chứng tỏ với họ bạn là ứng viên từng trãi, có kinh nghiệm và thực sự muốn làm gì ở công ty họ, tại sao họ cần tuyển bạn cho vị trí ấy. Hãy nhớ, tự tin chứ không phải tự kiêu nhé! Cách xưng hô này đòi hỏi người nói phải có kỹ năng giao tiếp lưu loát và thông minh để tránh tạo không khí căng thẳng cho buổi nói chuyện – chú ý đến âm lượng, ngữ điệu trong lời nói, không cao giọng gây cảm giác tự tin thái quá…
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã phần nào giúp bạn giải đáp bài toán xin việc về lựa chọn cách xưng hô phù hợp: khi nào xưng “em” và khi nào xưng “tôi”?. Tự tin vào khả năng của bản thân, giữ thái độ chuyên nghiệp và đúng mực, giao tiếp lịch sự, tự tin để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Chúc bạn thành công!
Ms. Công nhân