Vì sao buổi phỏng vấn của bạn thất bại?
08.03.2019 1434 hongthuy95
Bạn là ứng viên tìm việc có kỹ năng và kinh nghiệm? Bạn tự tin về bằng cấp và những gì mình sở hữu? Thế nhưng bạn liên tục có những buổi phỏng vấn thất bại? Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao mình luôn bị “out”? Dưới đây là 5 lý do không tưởng khiến ứng viên luôn có buổi phỏng vấn không thành công.
Bỏ qua những vấn đề như không có sự chuẩn bị về mặt hồ sơ, đến phỏng vấn trễ hay tỏ ra lúng túng, thiếu tự tin… vì bạn đã có kinh nghiệm tham gia phỏng vấn ở những lần trước đó; thì có những sai lầm không nhỏ khiến buổi phỏng vấn của bạn bị thất bại:
Quá ảo tưởng về năng lực của bản thân
Tự tin vào khả năng của bản thân là tốt; tuy nhiên, tự tin nhưng được không tự kiêu, tự mãn. Bạn phải hiểu rằng là, mình giỏi sẽ có người khác giỏi hơn. Nhà tuyển dụng là một trong những người như thế. Họ có đủ sự hiểu biết và trình độ để được ngồi vào vị trí phỏng vấn bạn. Đôi khi, chính thái độ quyết định sự thành công của một buổi phỏng vấn thay vì bằng cấp hay kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thực tế.
Hỏi những câu hỏi ngô nghê
Có trường hợp “lỡ miệng” hay quá bối rối mà không ít ứng viên bật ra những câu hỏi hết sức ngô nghê và thừa thải, thậm chí không liên quan như: "Công ty tuyển bao nhiêu người?”, “Công ty có tuyển nữ không?”, “Công việc mà tôi sẽ làm là gì?”… Bạn sẽ bị đánh giá là không thực sự nghiêm túc để tìm hiểu và nắm rõ thông tin tuyển dụng vì khi đăng tuyển, hầu hết các công ty đều sẽ yêu cầu rõ về trình độ, giới tính (nếu có), số lượng ứng viên mà họ sẽ tuyển. Việc hỏi như thế sẽ khiến bạn bị điểm trừ không nhỏ trong mắt nhà tuyển dụng.
Tạo bằng chứng không có lợi trên mạng xã hội
Nghe có vẻ khó hiểu nhỉ; vì mọi thứ liên quan đến thông tin cá nhân, bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm đều được trình bày đầy đủ và rõ ràng trong CV, đơn xin việc hay hồ sơ xin việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thời đại 4.0, không ít nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên thông qua việc tìm xem ứng viên đó là người như thế nào trên mạng xã hội, như facebook, zalo hay instagram… Bất kể những status, hình ảnh, đường link nào của ứng viên cho thấy sự bất mãn trong công việc, nói xấu đồng nghiệp/ sếp tại công ty cũ hoặc biểu hiện lối sống không lành mạnh đều dễ dàng bị phát hiện và tất nhiên, sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào muốn tìm người như vậy.
Luôn quan tâm đến tiền bạc
Sẽ là sai lầm nếu bạn là người khơi mào vấn đề tiền lương ngay sau khi ngồi vào bàn phỏng vấn hoặc đề cập trước. Các chế độ phúc lợi như tiền trợ cấp xăng xe, điện thoại, nhà trọ, cơm trưa… cũng được hiểu tương tự. Điều này khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chỉ quan tâm tới tiền và lợi ích cá nhân chứ không màng đến lợi ích chung của cả công ty.
Khiến nhà tuyển dụng không thích
Đôi khi, lý do duy nhất khiến bạn bị loại chỉ đơn giản vì nhà tuyển dụng không thích bạn. Nghe có vẻ buồn cười nhỉ? Nhưng tồn tại không ít nhà tuyển dụng chọn nhân sự theo cảm tính. Một số người thậm chí không quan tâm bạn giỏi, tài năng thế nào nhưng qua cách ứng xử, cách trò chuyện giao tiếp, qua ngoại hình, cách ăn mặc, đi đứng… họ sẽ đánh giá bạn có hay không sự phù hợp với môi trường làm việc của doanh nghiệp họ. Để không bị “out” vô duyên, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người chịu khó học hỏi, có đam mê, giàu ý chí cầu tiến và luôn mong muốn được cống hiến cho sự phát triển chung của tập thể.
Đó là 5 trong số rất nhiều những lý do tiềm ẩn mà bạn có thể đang mắc phải khiến bạn bị “out” ngay sau buổi phỏng vấn. Tự đánh giá bản thân và tìm cách khắc phục nếu không muốn cứ mãi cầm hồ sơ đi rải khắp nơi mà không hiểu sao vẫn không xin được việc.
Ms. Công nhân