5 Sai lầm ứng viên thường mắc phải nhất khi deal lương
10.06.2019 1745 hongthuy95
MỤC LỤC
Đừng chấp nhận mức lương được đề nghị hoặc tự đề nghị mức lương quá cao vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp hay năng lực của bản thân… Có thể buổi phỏng vấn đã diễn ra rất suôn sẻ cho đến khi bước vào giai đoạn “deal lương”. Bạn sẽ bị mất điểm khá nhiều với nhà tuyển dụng nếu phạm phải những sai lầm cơ bản khi đàm phán lương đấy.
Deal lương "đòi" quyền lợi xứng đáng: Tại sao không?
Deal lương hay đàm phán lương là một trong những công đoạn bắt buộc sẽ xảy ra tại buổi phỏng vấn giữa ứng viên với nhà tuyển dụng (NTD). Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho ứng viên, giúp họ đàm phán được mức lương xứng đáng với năng lực và nguyện vọng của họ, để họ bước đầu hài lòng và nỗ lực cống hiến cùng phát triển với doanh nghiệp – mà còn giúp NTD đánh giá ứng viên ở những kỹ năng mềm như khả năng đàm phán, thuyết phục; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; đánh giá và xử lý vấn đề; nhìn nhận năng lực bản thân… làm căn cứ để ra quyết định đồng ý với mức lương đề ra hay không để đi đến quyết định lựa chọn người phù hợp.
Những sai lầm thường gặp khiến việc deal lương thất bại
Không phải mọi cuộc đàm phán lương bổng và chế độ đều thành công. Khi deal lương mà phạm phải những sai lầm sau đây thì khả năng cao, bạn sẽ lại bị “out” thêm 1 lần nữa…
+ Nghĩ rằng NTD không muốn ứng viên deal lương
Rất nhiều ứng viên, nhất là những sinh viên mới ra trường suy nghĩ đơn giản rằng vì mình chưa có kinh nghiệm, chưa cọ xát nhiều hay NTD đã tính toán được mức lương phù hợp nên sẽ không muốn mình deal lương – vừa tốn thời gian, vừa bị mất điểm – như vậy, khả năng tạo thiện cảm để tăng cơ hội ứng tuyển thành công sẽ ít đi, thậm chí không còn. Do đó, những ứng viên này thường đồng ý ngay ở lần đầu tiên deal lương, tức mức lương đề nghị trả trong tin tuyển dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các NTD đều mong muốn cùng bước vào cuộc đàm phán lương với ứng viên và mức lương mà họ đề nghị luôn là mức thấp nhất họ định trả cho bạn.
+ Lựa chọn sai thời điểm deal lương
Bạn sẽ mất điểm hoàn toàn nếu đề cập đến vấn đề lương thưởng ngay sau khi bắt đầu buổi phỏng vấn; thậm chí, kết quả tương tự sẽ xảy ra nếu bạn là người đầu tiên hỏi về chuyện này. Việc lựa chọn sai thời điểm deal lương thực sự tai hại. Nhiều HR và nhân viên lâu năm cho biết, thời điểm đàm phán lương phù hợp nhất là lúc bạn nhận được lời đề nghị làm việc chính thức. Nếu đàm phán trước, NTD sẽ chỉ thấy bạn luôn chăm chăm đến quyền lợi của cá nhân mà không quan tâm đến sự phát triển chung của tập thể, hay không thấy được việc xác định gắn bó lâu dài của bạn với công ty.
+ Cho rằng bằng cấp cao sẽ được hưởng lương cao
Đây là lối suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, đa phần rơi vào những sinh viên mới ra trường chưa tiếp xúc với thực tế công việc. Bởi, bằng cấp chỉ là yếu tố phụ trợ thể hiện năng lực ban đầu của bạn trên yếu tố lý thuyết, về sự phù hợp của bạn với vị trí công việc về mặt chuyên môn – còn năng lực làm việc thực tế, kinh nghiệm làm việc hay mức độ được việc của bạn mới là yếu tố quyết định mức lương chi trả. Đừng “ảo tưởng sức mạnh” mà đưa ra con số vượt quá khả năng đáp ứng của mình về những gì bạn có thể mang lại cho công ty.
+ Áp dụng mức lương tham khảo không phù hợp
Việc tham khảo mức lương ở vị trí tương tự tại các công ty khác, từ nhân viên trong chính công ty ứng tuyển… là điều nên làm. Tuy nhiên, điều này có thể khiến con số bạn đưa ra không thực sự phù hợp. Bởi, tùy vào quy mô công ty, định hướng phát triển hay năng lực của mỗi cá nhân để “định giá” mức lương phù hợp cho mỗi người. Do đó, để deal lương thành công, bạn cần tham khảo có chọn lọc, tham khảo để cân đo và đưa ra yêu cầu mức lương phù hợp nhất.
+ Chỉ chăm chăm đàm phán về lương
Nhiều người cho rằng, lương là yếu tố thể hiện rõ nhất năng lực và quyền lợi của ứng viên, là điều kiện tiên quyết để quyết định có nhận công việc đó hay không. Tuy nhiên, sự thật là bên cạnh tiền lương, các chế độ đãi ngộ như chính sách thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi xã hội, cơ hội thăng tiến… góp phần tăng mức thu nhập của bạn lên rất nhiều. Do đó, đừng chỉ chăm chăm đàm phán về lương. Đôi khi, môi trường làm việc tốt sẽ giúp bạn hài lòng và phát triển sự nghiệp tốt hơn.
....................
Chỉ khi bạn biết được vì sao buổi phỏng vấn của bạn thất bại, bạn mới xác định được nguyên nhân để tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả - tránh trường hợp lặp đi lặp lại mãi 1 lý do khiến bản thân cứ loay hoay đi tìm việc trong suốt thời gian dài và không có kết quả.
Ngoài ra, cũng xin lưu ý những câu không nên nói với NTD khi deal lương để đảm bảo quá trình đàm phán diễn ra suôn sẻ và thành công.
Vieclamnhamay.vn chúc bạn tìm được việc như ý!
Ms. Công nhân