5 tác hại khôn lường nếu ứng viên đi phỏng vấn khi đói
10.05.2019 1377 hongthuy95
Thử tưởng tượng bạn đang cố tỏ ra tự tin khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng và “ò…”- một âm thanh lạ phát ra cùng lúc đó thì sẽ ra sao? Thật mất hình ảnh! Có quá nhiều lời khuyên cho ứng viên tìm việc nhưng đã bao giờ bạn được khuyên rằng không nên nhịn đói đi phỏng vấn chưa? Tại sao lại như vậy?
Nghe có vẻ thiếu khách quan vì ăn hay không là quyết định của mỗi người mà nhỉ? Tuy nhiên, việc bị đói khi đang tham gia phỏng vấn có thể gây nên những hệ lụy mà bạn không thể lường trước được; chúng ảnh hưởng nhất định và trực tiếp đến kết quả ứng tuyển của bạn. Vậy tại sao ứng viên không nên đi phỏng vấn khi đói?
Dưới đây là 5 lý do được các chuyên gia lý giải cho lời khuyên chân thành này:
#Cơ thể phát ra âm thanh lạ
Bạn sẽ không thể kiểm soát được những âm thanh vô thức phát ra từ bên trong cơ thể. Âm thanh “ò, ò…” khi đói cũng vậy. Có thể do sáng nay bạn dậy muộn hoặc trưa tranh thủ ngủ mà chưa kịp ăn. Kết quả, bạn đến phỏng vấn với cái bụng rỗng tuếch và nguy cơ “biểu tình” đang ở mức báo động. Sẽ thế nào nếu trong khi bạn đang cố tỏ ra tự tin trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng (NTD) thì đột nhiên, “tiếng gào thét” đột nhiên xuất hiện? Mất hình ảnh vô cùng. NTD sẽ nghĩ rằng, bạn là người cẩu thả, không có kế hoạch và không có khả năng sắp xếp công việc hợp lý… Điều này gây mất điểm không nhỏ trong mắt NTD. Do đó, hãy đảm bảo rằng, bạn đã lấp đầy bao tử bằng những thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin và dưỡng chất tốt cho não bộ trước khi đến buổi phỏng vấn.
#Mệt mỏi, thiếu sức sống
Không ai đang đói đến nỗi bụng biểu tình mà miệng vẫn cười tươi và người đứng/ ngồi thẳng suốt khoảng thời gian dài. Chưa kể, lúc này, mắt đờ đẫn vô hồn, chân tay run rẩy, bước đi không có lực, gương mặt thất thần, biểu cảm thiếu tự nhiên, thậm chí người vã mồ hồi… Điều này chắc chắn sẽ không gây được thiện cảm đầu tiên cho NTD. NTD có thể sẽ không biết bạn đang đói, nhưng biểu hiện của bạn có thể sẽ khiến họ nhận thấy bạn đang thiếu tự tin và sợ sệt, thậm chí, không lạc quan và tích cực trong cuộc sống. Khi đó, bạn nghĩ, bạn có cơ hội đậu phỏng vấn không?
#Không kiểm soát được cảm xúc và hành vi
Khi đói, con người thường có xu hướng dễ cáu giận, nhất là khi họ bị công kích; trong khi việc dồn ứng viên vào “đường cùng” để họ bộc lộ quan điểm và cái tôi là cách NTD thường dùng để đánh giá và so sánh các ứng viên tiềm năng. Thử tưởng tượng NTD đang thử bạn bằng một câu hỏi giả định gây sốc nhưng chỉ vì chiếc bụng đói mà bạn xuất hiện cảm xúc tiêu cực, đánh mất sự lý trí, không kiểm soát được lời nói mà đáp trả, phản biện quá khích lại NTD, thậm chí, có những hành vi không đúng chuẩn mực. Kết quả thì bạn biết rồi đấy.
#Mất tập trung
Cơn đói là tác nhân khiến bạn không thể tập trung vào bất kỳ việc gì, thậm chí dễ gây ra ảo giác và tưởng tượng. Lúc này, tai có thể nghe được câu hỏi của NTD nhưng đầu óc lại đang tưởng tượng đến tô bún nóng hổi vàng ươm hay dĩa cơm sườn chua cay béo ngậy – kết quả, bạn không thể đưa ra câu trả lời, trả lời sai hoặc trả lời được nhưng không đúng trọng tâm, không đáp ứng mong đợi của NTD. Đừng để một yếu tố nhỏ làm uổng phí công sức bao lâu nay bạn chuẩn bị.
#Thiếu sự linh hoạt
NTD có nhiều cách để đánh giá ứng viên. Những câu hỏi họ đưa ra luôn có nghĩa và có mục đích rõ ràng để so sánh, lựa chọn hay loại bớt ứng viên. Khi đói, ngoài việc khiến não bộ mất tập trung thì tính linh hoạt và thông minh cũng giảm đi đáng kể. Bạn sẽ không thể đủ tỉnh táo và linh hoạt để nhận biết đâu là câu hỏi mẹo, câu hỏi bẫy mà NTD đưa ra để thử thách bạn – từ đó không thể đưa ra những phán đoán, hướng giải quyết vấn đề chuẩn xác, hợp lý ghi điểm với NTD. Tất nhiên, cơ hội bước tiếp là 0.
Với 5 tác hại không lường được Tuyencongnhan.vn chia sẻ trên đây hy vọng sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi đi phỏng vấn, đặc biệt là nhớ nạp đầy năng lượng cho cơ thể để tinh thần lạc quan, tư tưởng phấn chấn nhất. Bởi, sẽ chẳng còn là thói quen hay chuyện đùa nếu vẫn tiếp tục đi phỏng vấn với một chiếc bụng đói, và một cơ thể không thể kiểm soát được.
Ms. Công nhân